Chùa Cô Hồn
Nép mình bên con đường nhỏ Trần Minh Quyền (phường 10, quận 10, TP HCM), Cô Hồn Tự khiến khách thập phương tò mò bởi cái tên kỳ lạ. Đây là ngôi chùa có tên gọi độc đáo bậc nhất TP.HCM.
Sau cánh cổng sắt bên trên có đề dòng chữ Cô Hồn Tự, không gian chính của ngôi chùa nhỏ như được tách đôi với 2 loại hình thờ cúng riêng biệt. Một phần, Cô Hồn Tự bày biện hương án, tượng Phật như bao ngôi chùa khác.
Đối diện với điện thờ Phật, chùa lập hương án, dựng bài vị làm nơi tổ chức cúng vong linh cô hồn.
Ông Đặng Văn Lộc (80 tuổi, người quản lý Cô Hồn Tự) cho biết, Cô Hồn Tự vừa có không gian thờ Phật vừa có hương án cúng vong linh những người đã khuất không có thân nhân.
Khu vực thờ Phật bên trong Cô Hồn Tự.
Hằng năm, vào các ngày Rằm, phật tử vẫn đến chùa chiêm bái, lễ Phật. Riêng ngày Rằm tháng Bảy, đúng dịp cúng cô hồn, Cô Hồn Tự lại tổ chức lễ cúng mặn cho vong linh không nơi nương tựa.
Theo các giấy tờ, tài liệu còn được ban quản lý chùa cất giữ, Cô Hồn Tự xây dựng từ năm 1949. Đặc biệt, xuất thân và tên gọi của ngôi chùa nhỏ này có nhiều chuyện ly kỳ.
Tiền thân của chùa chỉ là một mái lá đơn sơ, nơi những người chuyên làm nghề đánh xe ngựa lập nên để cúng cô hồn, cầu cho việc làm ăn, đi lại được may mắn, mạnh khỏe.
“Xưa kia, khu vực này có rất nhiều người làm nghề đánh xe ngựa. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, ngựa của họ cứ liên tục gặp thương tật. Thậm chí có người gặp tai nạn bất ngờ khi đi đường. Vì thế, một số người bàn với nhau tổ chức lễ cúng cô hồn để cầu mong bình an, mạnh khỏe lúc đi lại, làm ăn”, ông Lộc kể.
Khu vực Cô Hồn Tự dùng để thờ, cúng vong linh cô hồn.
Đúng vào dịp Rằm tháng Bảy, những người này soạn lễ cúng, dựng rạp, che mái tổ chức cúng cô hồn ngay đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, việc tổ chức lễ cúng trên đường không được chính quyền thời bấy giờ đồng tình vì không đảm bảo an toàn giao thông.
Vì vậy, mọi người buộc phải dời rạp vào trong xóm. Sau đó, chủ khu đất hoang hiến cho ban tổ chức lễ cúng một khoảnh đất nhỏ.
Ngôi chùa thưở sơ khai
Ông Lộc kể: “Những người tổ chức lễ cúng đầu tiên đều là người làm nghề đánh xe ngựa. Ba tôi cũng là một người trong số đó. Thấy ba tôi và các chú, các bác không có nơi dựng rạp để làm lễ cúng, ông chủ đất mới hiến cho một cái vũng lầy”.
“Lúc đó, khu vực này hoang vu lắm. Cái vũng lầy lồi lõm, ngập nước được ông chủ đất cho lại nằm giữa vùng cỏ cây um tùm. Để tổ chức lễ cúng, mọi người phải cùng nhau phát cỏ rồi chở xà bần, lu, hũ sành vỡ… đổ xuống để có mặt bằng dựng mái lá”, ông kể thêm.
Khu vực thờ các vị tiền hiền, những người góp tiền dựng Cô Hồn Tự.
Cứ thế, mỗi năm vào dịp cúng cô hồn, người dân lại chở đất đá đến đổ xuống trũng nước để nền đất được bằng phẳng hơn. Sau nhiều năm, khu đất hoang này mọc lên ngôi chùa nhỏ.
Sau đó, thấy chùa lá xập xệ, những người tổ chức lễ cúng khi xưa lại bàn nhau góp tiền bạc để xây cất, sửa sang lại chùa cho chắc chắn hơn. Cuối cùng, có 10 ông chuyên nghề đánh xe ngựa đồng tình, đứng ra góp tiền bạc để cất chùa.
Ông Lộc nói: “Tháng Bảy, các ông tổ chức cúng cô hồn rồi mỗi ông góp dăm ba đồng, thuê người cắt tranh lợp mái để làm nơi cúng kiếng vong linh người khuất mặt khuất mày không có thân nhân. Thời đó, ngoài lễ cúng, các ông còn mời thầy chùa đến tụng kinh trong 2 ngày liên tục. Mục đích của việc này là để siêu độ cho vong linh cô hồn được siêu thoát”.
Hình ảnh, bảng ghi tên 10 vị góp tiền, công sức dựng Cô Hồn Tự.
“Thế nhưng, được ít năm, chùa lá bỗng dưng gặp hỏa hoạn rồi cháy rụi. Thấy vậy, 10 người đánh xe ngựa trong đó có ba tôi lại bàn nhau góp tiền mua ngói dựng chùa”, ông kể thêm.
Hiện nay, chùa vẫn dành một phần không gian riêng để thờ các vị tiền hiền của vùng đất và 10 người đã tạo dựng Cô Hồn Tự. Trong không gian trên, chùa có treo hình ảnh các vị này cùng tấm bảng ghi rõ họ tên từng người đã góp tiền xây chùa.
Theo ông Lộc, xưa kia, mặc dù Cô Hồn Tự chủ yếu được lập nên để làm nơi thờ, cúng cô hồn nhưng đã có không gian dành cho việc thờ Phật như hiện nay.
Về cái tên Cô Hồn Tự, người xưa giải thích với ông Lộc rằng, chùa được lập lên “để những cô hồn không nơi nương tựa vào nương náu, tu tập”.
Ông Lộc cho biết, các giấy tờ về ngôi chùa ghi lại rằng, Cô Hồn Tự được xây dựng năm 1949.
Tuy vậy, thuở sơ khai, Cô Hồn Tự nghèo đến độ không có tượng Phật để thờ cúng, chiêm bái. Người dân trong vùng và 10 vị lập ra chùa phải mời thợ xây giỏi đến vẽ, đắp tượng Phật lên tường để nhang khói.
Sau này, chùa được một nhà hảo tâm cúng dường cho 3 pho tượng Phật. Một số tượng khác, chùa mới thỉnh về cách đây ít năm.
“Xưa kia, chùa có diện tích khá lớn. Theo thời gian, chùa nhỏ dần và có diện tích như hiện nay. Mặc dù không lớn, không đông đảo phật tử nhưng Cô Hồn Tự là ngôi chùa có tên gọi đặc biệt nhất tại TP.HCM”, ông Lộc chia sẻ.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự