Những năm gần đây, rùa làm tổ, đẻ trứng trong mùa sinh sản ít dần ở Bình Định, chỉ còn xã Nhơn Hải là nơi duy nhất ghi nhận rùa biển còn lên bờ đẻ trứng.
Công tác bảo tồn các loài rùa biển tại xã Nhơn Hải được chính quyền địa phương quan tâm, quản lý và bảo vệ một cách chu đáo. Một trong những người đóng góp tích cực trong hoạt động bảo tồn rùa biển tại xã Nhơn Hải là anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (38 tuổi), thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định.
Hạnh phúc khi được “đỡ đẻ” cho rùa biển
Đối với anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, hễ nghe người dân hoặc du khách gọi điện thoại thông báo có rùa lên bờ đẻ trứng là anh tức tốc đến ngay, bất kể ngày đêm.
Anh Sáng tâm sự có những lúc, sau khi nhận được cuộc gọi, anh chạy đến nơi và tìm kiếm xung quanh kỹ càng nhưng không phát hiện được gì. Có khi anh đến nơi thì phát hiện được ổ trứng rùa, lúc ấy tâm trạng như “nhặt được vàng”.
“Nghe có người gọi điện thoại báo phát hiện rùa lên bãi biển đẻ trứng, dù có đang làm gì thì mình cũng đi ngay. Chờ cho rùa đẻ trứng xong, mình và một số người mang trứng đến khu vực an toàn rồi canh trứng nở. Thời điểm trứng nở, có những đêm anh em phải canh đến tận 1-2 giờ sáng mới về” - anh Sáng nói.
Nhớ lại lần đầu “đỡ đẻ” cho rùa biển, anh Sáng kể lúc đó anh đang ăn cơm tối cùng gia đình thì có người dân gọi điện thoại báo phát hiện một con rùa xanh dài khoảng gần 1 m, nặng khoảng 60 kg đang vào bờ đẻ trứng. Anh bỏ dở chén cơm đang ăn, tức tốc đến bãi Mũi Cồn thì phát hiện một ổ gần 100 trứng rùa. Tuy nhiên, chỉ có hơn phân nửa trứng rùa nở thành con được trở về với biển. Từ đó, anh Sáng tìm hiểu thêm về loài rùa và quyết tâm giúp cho mẹ rùa được “mẹ tròn con vuông” từ khi rùa lên bờ đẻ cho đến khi trứng nở và rùa con về biển một cách an toàn.
Anh Sáng cẩn thận di chuyển trứng rùa biển đến nơi an toàn. Ảnh: XS.
Để tạo không gian yên tĩnh cho rùa biển sinh sản, UBND xã Nhơn Hải đã thực hiện khoanh vùng tạo bãi đẻ cho rùa biển tại khu vực bãi biển trước Trạm kiểm soát biên phòng Nhơn Hải với diện tích khoảng 9.000 m2.
Việc hỗ trợ rùa biển sinh sản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái thủy sản ven bờ.
Ông NGUYỄN NGỌC NAM, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn
Theo anh Sáng, ổ trứng rùa thường nằm ở mép biển, nguy cơ trứng bị hư rất cao. Do đó, ngay sau khi phát hiện phải nhanh chóng đưa trứng rùa đến khu vực an toàn.
“Cảm giác của mình lúc đó rất sung sướng, không gì có thể diễn tả nổi. Khi chúng tôi đưa hết những chú rùa con xuống biển cũng đã hơn 1 giờ sáng nhưng không ai cảm thấy mệt. Mọi người chỉ tiếc là có nhiều trứng rùa bị hư không nở được, rồi một số rùa con bị ngạt khi ngoi lên mặt đất” - anh Sáng nhớ lại.
Bảo vệ rùa biển không vì lợi ích vật chất
Theo anh Sáng, các anh em trong Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn làm việc xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm cộng đồng với biển xanh, chứ không vì một lợi ích vật chất nào cho bản thân.
“Lúc đầu cứ làm theo những gì mình biết, chỉ mong sao đưa được trứng rùa đến chỗ an toàn, xa nơi có sóng đánh vào vì dễ cuốn trôi trứng rùa. Sau lần đó, tôi lên YouTube để học cách quan sát dấu vết của rùa lên bờ đẻ trứng, rồi học xem cách đưa trứng đến nơi an toàn và ấp trứng cũng như cách thả các chú rùa con về biển như thế nào cho đúng cách” - anh Sáng nói.
Theo anh Sáng, thông thường rùa lên bờ đẻ trứng khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm nhưng năm nay từ tháng 3 rùa đã bắt đầu tìm chỗ đẻ. Rùa mẹ thường lên bãi đẻ vào ban đêm bởi chúng không ưa tiếng ồn, nhất là nơi có nhiều người tập trung.
Sau khi tìm được vị trí thích hợp, rùa mẹ sẽ dùng chân sau đào ổ, mỗi ổ sâu khoảng 80 cm. Ở đó, rùa mẹ đẻ trứng trong vòng vài chục phút đến 1 giờ đồng hồ, mỗi lần rùa đẻ khoảng 80-100 trứng. Sau khi đẻ trứng xong, rùa mẹ dùng chân hất cát để phủ lên trên trứng.
Chỉ tay về hướng Hòn Khô, anh Sáng bộc bạch: Xã Nhơn Hải hiện nay đang phát triển mạnh về du lịch, do đó du khách kéo về rất đông, ảnh hưởng đến việc sinh sản của rùa biển. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền cho du khách và người dân tăng cường bảo vệ rạn san hô, các anh cũng không quên nhắc mọi người cần có ý thức bảo tồn loài rùa biển.
Sau nhiều năm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cùng hoạt động tích cực của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, việc giết hại rùa biển và trộm trứng rùa hầu như không còn xảy ra.
Bảo vệ được năm ổ rùa biển với 380 rùa con
Bà Nguyễn Thị Ái Trinh, chuyên viên phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho biết: Từ năm 2016 đến tháng 8-2023, chi cục tiếp tục duy trì hoạt động bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển dựa vào cộng đồng địa phương. Ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 30 con rùa biển (20 con đồi mồi, 9 con vích, 1 con đồi mồi dứa) và bảo vệ được 5 ổ rùa biển với 380 con rùa con về biển an toàn.
Để thực hiện chương trình này, địa phương đã áp dụng các biện pháp thông qua hệ thống khuyến ngư viên địa phương theo dõi nắm thông tin để phát hiện, tổ chức khảo sát và bảo vệ các vùng biển có rùa đến kiếm ăn, các bãi còn rùa lên đẻ.
Nguồn Plo.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự