Vì trẻ em: Nữ cựu binh dù nghèo vẫn kiên quyết cưu mang gần 20 trẻ mồ côi

Thứ tư - 18/10/2023 22:47
Khi nhận nuôi những đưa trẻ tội nghiệp, má Gơi chỉ nghĩ, mình thương người thì sau này mình sẽ nhận điều tốt đẹp...
Vì trẻ em: Nữ cựu binh dù nghèo vẫn kiên quyết cưu mang gần 20 trẻ mồ côi

Xuất ngũ không lấy chồng vì quá nghèo

Sau khi xuất ngũ, bà Đinh Thị Gơi (SN 1942, ngụ làng Broach, xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) quyết định không lấy chồng vì hoàn cảnh nghèo khổ. Nhưng mấy ai ngờ, người phụ nữ đơn thân ấy đã nhận nuôi gần 20 người con.

Bà Gơi sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, bà là con thứ 3. Khi mới 12 tuổi, Gơi đã đi làm công tác liên lạc nuôi dưỡng cán bộ tập kết miền Bắc. Đơn vị của bà tập kết tại xã A2 (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).

Sau khi xuất ngũ, thấy anh chị Hai của mình phải vất vả lo cho con cái nên bà Gơi bàn chuyện nuôi dùm 1 cháu. Cô bé Mang về ở với bà lúc mới 4 tuổi.

“Khi lớn lên, biết đi làm, tôi bảo cái Mang về giúp bố mẹ nhưng nó nhất quyết không chịu và ở với tôi luôn. Nó coi tôi như mẹ ruột vậy, từ nhỏ đến giờ lúc nào nó cũng xưng mẹ con với tôi cả. Bây giờ thì nó có chồng, có con cũng lớn hết rồi”, bà Gơi tâm sự.

Một năm sau, vào năm 1976, anh chị kế của bà Gơi đột ngột qua đời chỉ cách nhau 2 tháng. Nhìn đàn cháu 3 đứa nheo nhóc, bà liền đưa về nhà nuôi nấng. Lúc ấy, đứa nhỏ nhất còn chưa biết bò. Bà Gơi vừa đi làm nương rẫy vừa phải chăm các cháu.

Chị Đinh Thị Mén (SN 1976, người nhỏ nhất trong 3 đứa cháu được bà Gơi nuôi dưỡng) cho biết: “Bố mẹ tôi mất sớm nhưng anh chị em chúng tôi may mắn được mẹ Gơi đem về cưu mang, nuôi dưỡng. Công ơn của mẹ Gơi chúng tôi không bao giờ quên được. Hồi ấy tôi còn nhỏ nên chưa biết cái khổ của mẹ.

Khi lớn lên, đi làm thì mới thấu hiểu nỗi khổ của mẹ. Mẹ Gơi thương chúng tôi như con ruột của mình vậy. Mà đâu chỉ những đứa cháu như chúng tôi, những đứa trẻ không thân thích, không họ hàng, mẹ cũng nuôi”.

“Má Nuôi” của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Không chỉ nhận nuôi con của anh chị mình, bà Gơi còn nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc những người xa lạ đem con đến gửi gắm khi mới lọt lòng. Bà không thể nhớ nổi con số chính xác là bao nhiêu, nhưng có lẽ cũng gần 20 chục người.

“Hồi tôi nuôi 4 đứa cháu đã thấy vất vả rồi, nhưng không hiểu sao ra đường thấy đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi vẫn đem về nuôi vì không thể bỏ chúng được. Như thế thì tội đứa nhỏ lắm, tôi không đành lòng”, bà Gơi tâm sự.

Trong trí nhớ của bà Gơi vẫn còn in rất rõ hình ảnh đứa bé bị bỏ rơi lúc đêm mưa vào mùa đông năm 1990. Với bà, đó là một đêm kinh hoàng của đứa bé. Đứa bé ấy bây giờ đã lớn khôn, đã có chồng và ở riêng nhưng hễ có thời gian là về thăm bà ngay.

Bà Gơi nhớ lại: “Hôm đó tôi đi rẫy về muộn, lúc ấy chắc cũng 7 giờ tối, trời mưa tầm tã. Khi đi ngang qua chòi rẫy gần nhà, nghe tiếng trẻ khóc, tôi liền đến xem thì thấy một bé gái được bọc trong chiếc khăn trắng.

Lấy tay sờ vào, người bé lạnh ngắt, tôi liền ẵm cháu chạy vào nhà vào rồi bảo đứa cháu lớn nhóm lửa lên để sưởi ấm. Bây giờ ngồi nhớ lại, cũng may là lúc đó tôi về kịp, nếu không thì nó chết rồi. Sau đó tôi đặt tên nó là Định Thị Đim, giờ nó có chồng rồi, nhà chồng nó ở xa lắm nhưng nó vẫn về thăm tôi liên tục. Tôi thương nó lắm!”.

Chị Đim là đứa trẻ đầu tiên bà Gơi đem về nuôi mà  không phải là con cháu trong gia đình. Thế rồi từ đó, trong suy nghĩ của bà, dù nghèo khổ thế nào cũng phải cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, nếu không sẽ có lỗi với cuộc đời lắm. “Từ khi tôi nhận nuôi con Đim, người làng đặt cho tôi cái tên “Má Nuôi”.

Thế là từ đó đi đâu họ cũng cứ bảo Má Nuôi. Thú thật thì tôi cũng vui lắm. Rồi sau đó tôi nhận nuôi mười mấy đứa nữa. Có đứa nhặt ngoài đường, có đứa bố mẹ tụi nó đem tới nhà nhờ nuôi, có đứa bố mẹ đem bỏ trước cửa nhà tôi”, bà Gơi tâm sự.

Đang trò chuyện, một cô gái từ ngoài bước vào gọi bà Gơi bằng mẹ. Nhìn cô gái, bà Gơi cười bảo: “Đây này, con bé này tôi nhặt ở trước cửa nhà cách đây hơn 20 năm. Bây giờ chỉ có mình nó ở với tôi, còn tất cả đã đi lấy chồng, lấy vợ hết rồi.

Nó bảo với tôi là ở vậy suốt đời để phụng dưỡng trả công ơn cho tôi, chứ không lấy chồng. Nhưng tôi la nó miết, bảo nó lấy chồng đi, con gái phải lấy chồng chứ đừng như mẹ, vậy mà nó không chịu nghe”.

Em Đinh Thị Liên (SN 1995, đứa con bà Gơi nhặt trước nhà) kể: “Mẹ cứ bảo em lấy chồng nhưng em muốn ở vậy nuôi mẹ vì mẹ là tất cả cuộc đời em. Em mà có chồng là có con, lúc ấy em san sẻ tình thương cho chồng con mất. Em không muốn như thế, muốn dành hết tình cảm cho mẹ, muốn chăm sóc mẹ suốt đời”.

“Gieo hạt giống tốt, giờ gặt quả ngọt”

Nhớ lại ngày tháng nuôi những đứa con dại, bà Gơi kể: “Khổ lắm, khổ trăm bề, ai cũng nói tôi vậy. Nhưng mình không than thân trách phận được. Hằng ngày, tôi vẫn đeo gùi lên nương rẫy mong kiếm trái bắp, củ khoai về cho tụi nó.

Đứa lớn coi đứa nhỏ, cứ để chúng ở nhà vậy đó. Lớn hơn một chút, các con biết theo mẹ lên nương để kiếm cơm qua ngày nên tôi cũng đỡ vất vả. Còn bây giờ thì nhàn rồi”.

Nụ cười móm mém, bà Gơi vui vẻ cho biết: “Hồi ấy tôi nghĩ, mình thương người thì sau này mình sẽ nhận điều tốt đẹp thôi. Mà đúng thật, vì bây giờ tụi nó đều lớn khôn hết cả, dù đã có chồng, có vợ nhưng rất hiếu thảo với tôi, mỗi lần nghe tôi bệnh là tụi nó chạy về hết.

Tụi nó bảo, tôi đã cứu sống cuộc đời tụi nó thì dù như thế nào, tôi vẫn là trên hết. Nghe mà vui lắm, sướng cái bụng lắm. Ở cái tuổi này, tôi chỉ cần như thế là đủ rồi”.

Giờ đây, ở tuổi 75, bà Gơi mới chịu dành thời gian cho bản thân, nhưng lâu lâu lại thích đi làm chứ ngồi không thấy khó chịu.

Niềm vui mỗi ngày của bà bây giờ là được nhìn con cháu lớn khôn nên người. Hiện bà đã có 20 đứa cháu nội ngoại và có 5 người con lập gia đình đang sinh sống trong làng. Hễ rảnh là bà trông cháu và nhà cửa để các con lên rẫy chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Bà cười bảo: “Tôi không chồng nhưng có lẽ là người nhiều con nhất ở đây đấy. Mình gieo hạt giống tốt thì bây giờ gặt quả ngọt. Quy luật ở đời là vậy mà. Bây giờ con đàn cháu đống thế là vui lắm rồi!”.

(Theo phunuvietnam.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây