Khi tôi nhận biết được, đã thấy bác rồi. Trước đây bác rất ít nói, không muốn giao tiếp với ai và khó tính, hễ ai nói gì không vừa ý là bác nổi giận, la mắng om xòm. Ở trong làng có việc gì trọng đại bác cũng không tham gia, ai mời bác cũng không đi. Bác chỉ thui thủi một mình quanh quẩn trong nhà như con ốc thu mình vào trong vỏ. Thậm chí một ngày người ta chỉ nghe bác nói vài ba câu. Lâu dần hình ảnh bác ngày càng mờ nhạt trong họ hàng, bà con, lối xóm. Biết tính bác như vậy nên ai cũng dè dặt, ít tiếp xúc với bác. Vả lại họ sợ tính bác hay tự ái nên ít đề cập đến đời sống riêng tư của bác. Tôi muốn nói đến người bác của tôi tên là Đỗ Thiên Đăng, ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tôi không giống như người khác - có suy nghĩ về bác như vậy. Tôi nghĩ chắc bác có nỗi buồn gì đó mà không nói được. Thật đúng như vậy, bác mặc cảm về bản thân mình, bác tự cho mình là "người phế thải" của xã hội, là gánh nặng cho vợ con. Từ sự mặc cảm đó bác đã nuôi trong mình ý nghĩ tiêu cực, ghét bản thân mình, nhiều lúc bác còn nghĩ đến cái chết.
Bác luôn nở nụ cười yêu đời.
Biết bác có nỗi niềm đó, tôi thường nói chuyện với bác cho bác vui. Qua những lần nói chuyện tôi phát hiện ra bác là người rất tình cảm, có thế giới nội tâm phong phú không giống như người ta nghĩ. Qua câu chuyện bác kể, tôi biết được vì sao bác tàn tật. Bác đã không may mắn bị cụt cả hai chân trong một lần giẫm phải mìn sát thương khi đang cắt cỏ trên đồi gần nhà hồi năm 1980.
Những ngày tháng sau đó với bác thật nặng nề, u ám, tâm hồn luôn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng, vật vã trong sự cùng quẫn, và không ít lần bác đã có ý định tự kết thúc cuộc sống mà khi đó bác cho là vô nghĩa.
Kể từ đó tới nay, đã 42 năm trôi qua, cuộc sống bác gắn liền với vòng quay xe lăn. Nhưng may thay số phận đã mỉm cười với bác khi bên bác còn có một người vợ thủy chung, hết mực yêu thương chồng con. Hằng ngày chị lo lắng, giúp đỡ cho bác trong mọi sinh hoạt, công việc. Vượt qua bao nhiêu sóng gió, họ đã cùng nhau xây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc. Quả thực, chỉ có tình yêu mới giúp họ vượt qua khó khăn. Chính điều đó như là nguồn động viên, an ủi và là động lực để bác vượt qua số phận, như Bác Hồ đã nói "tàn nhưng không phế".
Đôi bàn tay đan lát khéo léo của bác Đăng.
Thật sự, nhiều lúc tôi cảm thấy ở bác một nghị lực phi thường mà một người lành lặn có khi không làm được. Là một gia đình thuần nông, cuộc sống còn vất vả khó khăn, ngôi nhà ba gian xây đã lâu rồi nhưng bác không thể nào đủ sức để tô nổi, xung quanh vẫn là blô, nền đất. Mỗi lần mùa mưa bão đến, không có chỗ nào là không bị dột nát. "Tôi lo lắm chứ nhưng biết làm sao bây giờ, lực bất tòng tâm", có lần bác tâm sự với tôi như vậy.
Gia đình bác có mấy sào ruộng, ngoài ra không có nghề gì khác. Tôi chứng kiến mỗi lần thu hoạch lúa bác ngồi trên xe lăn phơi rơm giữa tấp nập người qua lại, rồi đưa rơm cho người ta xay. Tất cả những việc đó bác làm một cách dẻo dai, nhịp nhàng như những người bình thường khác. Có lần tôi còn chứng kiến bác đổ bê tông đường đi từ nhà ra ngõ. Bác đập từng viên đá nhỏ rồi trộn hồ, lấy thước gạt như những người thợ nề và kết quả là có một con đường đẹp, sạch sẽ.
Nhưng tôi khâm phục nhất ở bác là bàn tay khéo léo trong việc đan lát. Đó cũng là thu nhập thêm cho gia đình bác tranh thủ lúc mùa màng nhàn hạ. Có thể ai đó nghĩ rằng làm nghề đan lát, làm ra cái rổ, cái rá là bình thường. Nhưng đối với một người như bác theo tôi là một nghị lực phi thường. Bạn thử tưởng tượng xem một người đàn ông khỏe mạnh, lành lặn chưa chắc đã đốn ngã và kéo cây tre xuống được, nhưng tôi đã chứng kiến bác làm được điều đó. Hằng ngày, công việc của bác là đi đốn tre về để làm vòng hoa bỏ cho các cửa hàng kết vòng hoa.
Dưới bàn tay tài hoa của bác, mọi vật trở nên rất đẹp. Khách hàng rất ưa chuộng, thậm chí nhiều đại lý đặt hàng bác. Trò chuyện với bác, tôi được biết giá một vật dụng như vậy cũng rất là thấp so với công sức của bác bỏ ra. Ví dụ như một vòng hoa bác bỏ cho đại lý giá chỉ có 12.000 đồng. Mỗi ngày bác làm trung bình từ 5 - 7 cái. Nhưng dù sao công việc này cũng giúp bác trang trải thêm cuộc sống, phụ giúp thêm cho gia đình, nuôi con cái ăn học…
Đáng nể hơn, bác còn được biết đến là vận động viên khuyết tật nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Bác gia nhập Hội người khuyết tật huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hằng năm, ở Hội khuyết tật tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thi thể dục thể thao hay văn nghệ thì bác đều tham gia rất nhiệt tình và giành được nhiều huy chương. Ngôi nhà của bác tuy nhỏ nhưng treo đầy huy chương các loại trong những hội thi dành cho người khuyết tật.
Không đầu hàng số phận, bác Đăng còn là người bố tuyệt vời. Bác hết mực yêu thương, chăm lo cho tương lai các con. 3 cô con gái của bác đều chăm ngoan học giỏi, có cháu đang học đại học. Khi nói về cha mình, các con của bác đều rất tự hào. Chính người bố "tàn mà không phế" đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các con.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp rất nhiều số phận kém may mắn. Bác Đăng là người trong số đó. Song, bác đã vượt lên chính mình, vượt lên số phận để đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ câu chuyện của bác tôi, tôi rút ra một điều rằng mỗi người chúng ta, dù là bình thường hay khiếm khuyết bản thân, hãy tự tin với bản thân mình, đừng mặc cảm, biết "vượt qua nghịch cảnh" của mình. Hãy mở rộng lòng mình để đón lấy những nụ cười yêu thương của người khác để "Sống cho điều ý nghĩa hơn" như tác giả Nick Vujicic gửi gắm qua quyển sách của mình.
(Theo Thanh Niên)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự