Được xây dựng dựa trên sự tôn trọng đối với tự nhiên và đa dạng sinh học, chương trình bảo tồn rùa biển do IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và Vườn quốc gia Côn Đảo (BR-VT) phối hợp tổ chức, không chỉ đem lại cho các tình nguyện viên những trải nghiệm đặc biệt mà còn mang đến nhiều bài học sâu sắc về cách ứng xử với tự nhiên, cũng như cách ứng xử với chính mình và cộng đồng.
Bảo vệ thiên nhiên dựa trên sự tôn trọng
Thật đáng kinh ngạc khi biết rằng rùa biển đã có mặt trên trái đất khoảng 200 triệu năm. Vượt qua giai đoạn loài khủng long tuyệt chủng khoảng 100 triệu năm sau đó, loài rùa vẫn sống sót cho tới ngày nay nhờ khả năng thích ứng với những thay đổi địa chất và khí hậu của trái đất.
Rùa đẻ trứng.
Ấy vậy mà giờ đây, dưới tác động của con người, loài rùa biển nói riêng, và rất nhiều động thực vật khác nói chung, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, các hoạt động bảo tồn đã không còn dừng lại ở tuyên truyền, vận động nữa, mà hướng đến sự trải nghiệm thực tế, đặt con người vào bối cảnh, hoàn cảnh của loài vật để có sự kết nối, thấu hiểu, mang đến một chiều sâu nhận thức mới, làm nền tảng thay đổi hành vi, hành động.
Mỗi đợt tình nguyện viên đến với Vườn quốc gia Côn Đảo dù chỉ kéo dài mười ngày (mỗi năm có khoảng năm đến bảy đợt), nhưng được trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn rùa biển thông qua việc hỗ trợ lấy trứng rùa khi rùa mẹ lên bờ đẻ trứng, đưa trứng vào hồ ấp, thả rùa con về biển,... mang lại những hiểu biết trực quan sinh động về đời sống của rùa biển nói riêng, và hệ sinh thái biển đảo nói chung.
Với thông điệp “sinh ra để sống hoang dã”, tất cả các hoạt động bảo tồn rùa biển đều được thực hiện dựa trên sự tôn trọng đối với tự nhiên và đa dạng sinh học, không can thiệp hay tác động vào môi trường sống tự nhiên của rùa biển, tạo điều kiện thuận lợi nhất để rùa mẹ và rùa con được tự do, không làm thay đổi tập quán và hành vi của chúng trong tự nhiên.
Nỗ lực sinh tồn
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ sinh tồn cho tới lúc trưởng thành của rùa biển chỉ một phần nghìn, tức là trong số một nghìn con rùa con được thả về biển, chỉ có một con có khả năng sống sót tới lúc trưởng thành.
Thông tin này có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy có chút cảm thương, chạnh lòng dành cho những chú rùa con trước sự đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt mà chúng phải đương đầu. Nhưng chỉ cần nhìn thấy những chiếc vây bé tí chuyển động không ngừng trên bãi cát hướng thẳng ra biển lớn, chúng ta có thể cảm nhận được khát khao mãnh liệt giành lấy cơ hội sống sót của những chú rùa bé nhỏ ấy.
Thân hình bé xíu bị những con sóng đánh ngược trở lại, nhưng chúng vẫn lao về phía trước, nhẹ nhàng và nhanh chóng vượt qua các con sóng, bơi rất nhanh trong làn nước trong veo buổi sáng, cho đến khi trên mặt biển chỉ còn lại những chấm đen nhỏ, xa dần và biến mất. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã cho chúng ta thấy giá trị của đời sống này đáng quý biết bao nhiêu.
Tình nguyện viên lấy trứng rùa.
Chỉ bằng việc nhìn vào đời sống của những chú rùa biển, hay bất kỳ sự sống nào trong tự nhiên, chúng ta sẽ có cơ hội quán chiếu và chiêm nghiệm, nhận ra đời sống này của mình may mắn và quý giá biết bao nhiêu. Ta không chỉ được sinh ra với thân người, có gia đình, có hoàn cảnh thuận lợi để phát triển. Ta lại có điều kiện học hành và tu tập, theo đuổi ước mơ, hoài bão. Chính vì vậy, chúng ta thấy được những sự tự do và thuận duyên mà mình đang có, trân quý và sống một cuộc đời có ý nghĩa, mang lại lợi lạc cho đời sống của ta và những người khác.
Thiên nhiên trong sự tồn tại vốn có của nó, với những biểu hiện đầy đủ của vô thường và lý nhân duyên không chỉ bồi dưỡng cho ta thêm những kiến thức hay mà còn ẩn chứa nhiều bài học quý giá để phát khởi và nuôi dưỡng lòng từ bi, trí tuệ trong ta.
Về với thiên nhiên để biết cách bảo vệ thiên nhiên
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng, mỗi chú rùa con, ngay khi vừa mở mắt chui ra khỏi trứng, nó đã ghi nhận và “sao lưu” các dữ liệu từ trường của môi trường xung quanh nó, để nếu có cơ may sống sót tới lúc trưởng thành, nó sẽ quay trở lại nơi nó được sinh ra để đẻ trứng. Khả năng ghi nhớ và định hướng bằng từ trường trái đất dường như củng cố thêm “tính linh” của chúng, phải chăng vì vậy mà loài rùa được xếp vào “tứ linh” - Long, Lân, Quy, Phụng.
Tình nguyện viên sẽ hỗ trợ bảo vệ trứng và tăng tỷ lệ nở của trứng rùa.
Quan sát hành vi lựa chọn nơi để đẻ trứng, người ta thấy rằng chúng có sự chọn lọc kỹ lưỡng, nơi đó phải sạch sẽ, yên tĩnh, có năng lượng tốt lành, thuần tịnh và an toàn. Nếu một bãi đẻ mà không ghi nhận cá thể rùa mẹ về đẻ trứng, hay giảm về số lượng, nhiều khả năng nơi đó đã không còn “đạt chuẩn” tự nhiên của các mẹ rùa. Chính vì vậy mà một trong những hoạt động quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển chính là bảo vệ môi trường sống của chúng, bảo vệ hệ sinh thái biển xung quanh các bãi đẻ của rùa, thu gom rác thải nhựa và nghiêm cấm các hoạt động gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của các khu vực này.
Bên cạnh đó, xuyên suốt quá trình canh rùa đẻ, lấy trứng,... đội tình nguyện cũng phải giữ yên lặng, hạn chế ánh sáng các thiết bị điện tử, không tiếp xúc gần với rùa vì mục đích cá nhân, giảm đến mức thấp nhất các sự tác động có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đẻ trứng tự nhiên của rùa biển.
Rùa con về với thiên nhiên sau khi được tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc.
Trải qua mười ngày của đợt tình nguyện hỗ trợ bảo tồn rùa biển, mỗi thành viên không những được cung cấp nhiều kiến thức, học cách bảo tồn và trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, mà còn học được nhiều kỹ năng mới, những bài học hay, ý nghĩa về cuộc sống. Đặc biệt, chương trình thực sự đã thay đổi nhận thức về cách ứng xử với thiên nhiên dựa trên nền tảng của sự tôn trọng và tình thương yêu đối với muôn loài.