Khoảng 23 giờ 30 tối thứ 6 tuần rồi, theo chân anh Nguyễn Vương Trường Thành (ngụ Bình Thạnh) - Trưởng nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn, chúng tôi di chuyển đến những góc phố tối tăm, trên vỉa hè, dưới gầm cầu, để phát quà đêm.
Tại những nơi đi qua, có rất nhiều người nằm ngủ co ro trong tấm bạt mỏng, dưới nền đường vào đêm khuya. Phần lớn họ là những phụ nữ và trẻ em.
Từ cảm thương đến hành động
Từ khi còn là sinh viên, ngoài giờ đi học, anh Thành tận dụng thời gian rảnh làm thêm, kiếm tiền để làm từ thiện. Từ việc phụ đám cưới, làm gia sư, đến làm nhân viên cửa hàng tiện lợi..., việc nào anh cũng làm.
Sau đó, anh Thành nảy ra ý tưởng bán sữa chua nếp cẩm. Cứ tối đến, thay vì thư giãn hay đi chơi, anh lại rong ruổi khắp các quận ở thành phố để bán sữa chua dạo. Anh Thành còn rủ bạn bè cùng góp sức và tiền.
“Chúng tôi gom góp lại đủ tiền để mua khoảng 10 - 20 phần đồ ăn, gồm bánh mì, sữa. Chỉ một phần thức ăn nhỏ thôi cũng đủ làm ấm lòng cô chú, đặc biệt vào mùa mưa, mùa lạnh của Sài Gòn” - anh Thành kể và cho biết chính những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đó đã trở thành cơ duyên ra đời nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn.
Các bạn trẻ nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn đi phát quà đêm. Ảnh: TL
Mẹ anh Thành, bà TML (59 tuổi, ngụ Bình Thạnh) chia sẻ: “Nó hỏi tôi cách làm sữa chua, tôi hỏi để làm gì thì bảo để bán kiếm tiền mua đồ cho mấy cô chú ngủ ngoài đường. Tuần nào cũng cặm cụi làm sữa chua đi bán, bán được thì vui, không được thì mặt buồn hiu.
Tôi tưởng nó chỉ nhất thời, ai ngờ kiên trì mấy năm trời. Tôi cũng vui, thường phụ Thành làm hàng bán, kiểm lại hàng hóa, nhu yếu phẩm trước khi tặng bà con”.
Tôi làm quen và hỏi thăm một cụ già vô gia cư ở quận 5, cụ rơm rớm kể: “Ban ngày tôi đi nhặt ve chai để bán, vì chân đau nên cũng không nhặt được nhiều. Tối thứ sáu nào tôi ngủ ở đoạn đường này cũng có nhóm này đến cho bánh và sữa”.
Theo thời gian, nhiều mạnh thường quân và tình nguyện viên đã chủ động tìm đến anh Thành nên nhóm thiện nguyện ngày càng lớn mạnh. Nhóm không chỉ dừng lại ở việc phát đồ ăn đêm mà còn hỗ trợ những người mắc bệnh hiểm nghèo; nạn nhân tai nạn; lo chi phí đám tang...
Cạnh đó, nhóm còn tổ chức các chương trình thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa; chương trình trồng cây gây rừng, xây cầu, xây trường học, thư viện, khoan giếng, nhà tình thương…
Anh Nguyễn Thanh Hoài (36 tuổi, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cũng là một trong nhiều trường hợp được anh Thành hỗ trợ.
Năm 2023, khi đang đi làm nghề lợp mái tôn, anh Hoài bị điện cao thế giật, phỏng toàn thân. Những ngày đầu nhập viện, anh Hoài luôn rơi vào tình trạng nguy kịch. Chị Thảo (vợ anh Hoài) khóc mỗi đêm vì gia đình không có tiền chữa trị.
Không kiềm được nước mắt, chị Thảo kể: "Lúc đó, nhà tôi nợ viện phí gần 100 triệu. Anh Hoài không có bảo hiểm, cũng không có hợp đồng lao động nên không được bồi thường. Nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn đã điện cho tôi, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ.
Trong vòng 2-3 ngày, nhóm báo là được hỗ trợ 150 triệu. Lúc đó tôi mừng lắm, khóc luôn. Tôi như sắp đuối nước mà có chiếc phao cứu vậy, tôi rất mang ơn. Hôm anh Hoài xuất viện thì nhóm thiện nguyện này cũng đưa anh Hoài về tới nhà”.
Kiên trì nhờ tình cảm của bà con
Hành trình thiện nguyện của anh Thành không phải lúc nào cũng dễ dàng. Anh Thành bộc bạch: “Hồi tôi còn là sinh viên, khó khăn lớn nhất có lẽ là những lần đi bán sữa chua. Có người mua, người từ chối nhẹ nhàng, nhưng cũng có người dè bỉu và khinh miệt”.
Sau này, anh Thành và Đêm Sài Gòn phải đối diện với nhiều thử thách hơn. Năm 2020, nhóm của anh Thành kết hợp với 2 nhóm khác khởi công xây một cây cầu tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Tại đây có một đoạn đường với địa thế trắc trở, mỗi năm đều có người chết vì lũ quét.
Khi hoàn thành được nửa tiến độ, tháng 8-2020, đợt lũ quét lớn đã cuốn bay công trình dang dở với tất cả vật liệu xây dựng.
“Công sức của tất cả mọi người biến mất chỉ sau một đêm làm tôi hụt hẫng và bế tắc. Nhưng sau một thời gian bàn luận, chúng tôi quyết tâm làm lại từ đầu. Vì lũ vẫn còn đó, người dân thì vẫn luôn ngóng trông, nên tôi dặn lòng không được nản” - Anh Thành kể. Hơn nửa năm thi công, cuối cùng một chiếc cầu 2 nhịp bắc qua con suối Ia Hlop đã hoàn thành.
Quá trình xây cầu tại xã La Blang của nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn và các nhóm khác. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã La Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, bày tỏ lòng cảm kích: “Thành hiền lành, nhiệt tình và nhân hậu. Khi địa phương báo cho Thành vấn đề về đoạn đường này, Thành sẵn sàng kiểm tra, khảo sát tình hình để đảm bảo sự hỗ trợ đến đúng nơi, đúng người cần giúp đỡ.
Cầu hoàn thành xong, Thành cũng thường xuyên trở lại đây để thăm bà con và kiểm tra công trình. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, cây cầu này còn góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo điều kiện an toàn cho học sinh trên con đường đến trường”.
Hiện tại, anh Thành đang làm ở lĩnh vực tổ chức sự kiện. Khi được hỏi động lực lớn nhất để anh vượt qua khó khăn ấy, anh nói không chút do dự: “Tôi mạnh mẽ hơn là vì tôi nhận được rất nhiều thứ”.
“Nhiều thứ” mà anh Thành đề cập đến chính là nụ cười, lời cảm ơn, là món quà cây nhà lá vườn của bà con khắp nơi được nhóm giúp đỡ gửi tặng,... tất cả các kỷ vật ấy đều được anh Thành giữ gìn rất cẩn thận.
Từ trái tim đến trái tim
Mỗi khi có các trường hợp cần cứu giúp hay địa phương cần hỗ trợ, anh Thành sẽ chủ động đứng ra để kết nối các mạnh thường quân trên cả nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc thiện nguyện, sự chân chất, tâm huyết và lửa yêu thương của anh Thành còn lan tỏa đến cho đồng đội và mọi người xung quanh.
Anh Thành (mặc áo xanh) trao học bổng cho các em nhỏ trong chuyến thiện nguyện năm 2019. Ảnh: TL
Từng là sinh viên có cuộc sống chỉ xoay quanh học tập và vui chơi, trong một lần chứng kiến sự giúp đỡ của nhóm Đêm Sài Gòn đối với người dân Phú Nhuận từ đợt dịch COVID-19, Nghiêm Thụy Kim Xuân (22 tuổi, TP HCM) đã quyết định tham gia nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn.
Đến hiện tại, khi đã đồng hành được 3 năm, Xuân cảm động chia sẻ: “Hành trình này đã thay đổi em rất nhiều về cách sống, cách nghĩ… Điều em nhận lại từ nhóm còn nhiều hơn cái em cho đi. Anh Thành và các anh chị trong nhóm thiện nguyện luôn là nguồn cảm hứng cho em”.
Là chủ của một bếp ăn từ thiện cho các bệnh nhân tại bệnh viện và cứu trợ thực phẩm cho các vùng lũ, chị Nhữ Thị Phượng (54 tuổi, ngụ Bình Chánh) cho biết thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của anh Thành và nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn.
“Mỗi lần bếp ăn thiếu nguyên liệu hay nhân lực, Đêm Sài Gòn đều có mặt giúp đỡ. Một người một nhóm thì không làm được nhiều, các nhóm kết hợp để tương trợ, trợ lực cho nhau thì có sức mạnh lớn hơn, giúp được nhiều người hơn"- chị Phượng nói.
Mới đây, với tinh thần tương thân tương ái, nhóm Đêm Sài Gòn đã tham gia hỗ trợ cho 3 địa phương: Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ nhằm góp phần khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Hành động thiết thực
Năm 2020, chùa Dư Khánh (Gò Công, Tiền Giang) tổ chức chương trình kêu gọi nguồn nước sạch để giải quyết nạn hạn mặn trên vùng đất Gò Công.
Sư thầy Chiếu Pháp (chùa Dư Khánh) chia sẻ về anh Thành và nhóm Đêm Sài Gòn: “Nhóm thiện nguyện của anh Thành đã đồng hành xuyên suốt từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối hạn mặn, giúp cho hàng ngàn hộ dân có được nguồn nước duy trì hằng ngày trong suốt thời gian 7 tháng mùa khô hạn. Các thành viên nhóm rất có tâm và trách nhiệm với bà con”.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7, quận Phú Nhuận, cũng bày tỏ lòng biết ơn đến nhóm Đêm Sài Gòn vì những phần quà thiết thực mà nhóm đã trao tặng cho người dân Phú Nhuận trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Bà Nhung nhấn mạnh: "Những việc làm của nhóm Đêm Sài Gòn rất thiết thực. Trong giai đoạn con người phải đối diện với cái chết và sự sống, họ đã không ngại hiểm nguy để chọn xông pha, lao vào vùng dịch, giúp đỡ người dân.
Tôi rất mong những việc làm này tiếp tục lan tỏa, vì trong xã hội vẫn còn rất nhiều mảnh đời khó khăn cần chung tay giúp đỡ...”.
Nguồn Plo.vn