“Tiền thì quan trọng thật nhưng không quan trọng bằng tương lai của một thế hệ, tôi nghĩ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cũng chính là đóng góp cho sự phát triển của đất nước…”, lão nông Lê Thanh Bảy, người tự nguyện hiến hơn 15.000 m2 đất để xây dựng 2 trường học trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Hiến “đất vàng” xây trường
Ông Lê Thanh Bảy (65 tuổi) là nông dân ngụ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, ông đã tự nguyện hiến hơn 15.000 m2 đất nằm trên tuyến Quốc lộ 1 để xây dựng Trường Mẫu giáo Hoa Sen và Trường THCS Phú Hưng.
Bà Nguyễn Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen cho biết, trường được xây dựng nhiều năm nên hiện tại cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ điều kiện công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đồng thời không thể mở rộng diện tích để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
“Được ông Lê Thanh Bảy hiến đất xây dựng trường mới, tập thể nhà trường, phụ huynh học sinh rất mừng và biết ơn. Hiện tại, trường đang trong quá trình xây dựng với nhiều hạng mục như: Khu hiệu bộ, dãy phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, khuôn viên, khu vui chơi cho trẻ... dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Với quy mô diện tích, các hạng mục được đầu tư theo như thiết kế thì trường sẽ đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2025”, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ.
Nằm sát bên Trường Mẫu giáo Hoa Sen, Trường THCS Phú Hưng hiện tại rộng khoảng 6.300 m2, quy mô 22 lớp học. Hằng năm, số học sinh của trường giao động từ 850 - 900 em. Nếu áp theo các tiêu chí quy định, trường không đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Được sự vận động của chính quyền địa phương, ông Lê Thanh Bảy đã hiến hơn 8.000m2 đất để xây dựng trường mới hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Hiện tại, ngành chức năng huyện Cái Nước đang làm thủ tục đấu thầu xây dựng, dự kiến đầu năm 2025 sẽ triển khai xây dựng mới Trường THCS Phú Hưng.
Lão nông Lê Thanh Bảy, người hiến đất xây dựng 2 trường học ở Cà Mau.
“Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mong mỏi từ rất lâu của tập thể nhà trường nhằm tạo đà nâng cao chất lượng dạy và học. Chúng tôi rất cảm kích khi người dân tự nguyện hiến đất để mở rộng khuôn viên nhà trường. Hiện các thủ tục xây dựng trường mới đã và đang triển khai, hy vọng năm sau, thầy và trò sẽ được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang hơn.
Bấy nhiêu đất đó giá trị rất lớn nhưng ông Lê Thanh Bảy đã sẵn sàng, tự nguyện hiến để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường sẽ luôn biết ơn sự đóng góp của ông và gia đình”, thầy Đỗ Hoàng Hồ Liệp Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hưng chia sẻ.
Ông Lê Thanh Bảy sinh ra trong một gia đình gốc nông dân. Đất mà ông tặng để xây dựng 2 trường kể trên là thành quả lao động vất vả tích lũy được từ nhiều thế hệ trong gia đình. Mặc dù đó là đất mặt tiền, có giá trị cao nhưng đối với ông “đóng góp vì sự nghiệp giáo dục, vì sự phát triển của thế hệ tương lai, vì sự phát triển chung của quê hương thì không có gì phải lăn tăn, tiếc nuối”.
“Từ nhỏ tôi đã thích đi học, nhưng thời điểm đó việc học tập rất khó khăn, đặc biệt là tại những vùng nông thôn, cơ sở vật chất thiếu thốn lắm. Dù nỗ lực nhưng tôi cũng chỉ học đến lớp 9 thì nghỉ. Thế nên ngày nay, tôi chỉ muốn tạo điều kiện cho thế hệ con, cháu tại địa phương có nơi học tập tốt hơn, ra trường, thành tài, đóng góp cho quê hương, đất nước. Giá trị đó lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị mảnh đất thì không có lý do gì tôi lăn tăn nuối tiếc…”, lão nông Lê Thanh Bảy bộc bạch.
Bản thiết kế Trường Mẫu giáo Hoa Sen.
Cả gia đình đồng lòng vì sự nghiệp giáo dục
Ông Lê Thanh Bảy cho biết thêm, khi chính quyền địa phương đến vận động hiến đất xây trường, mặc dù bản thân đồng thuận nhưng ông vẫn muốn lắng nghe ý kiến từng thành viên trong gia đình. Rất mừng, khi ông đem vấn đề này ra bàn bạc, cả vợ và hai người con của ông đều thống nhất, đồng tình ủng hộ cao.
Anh Lê Hoài Nhân (con trai ông Lê Thanh Bảy) có một đứa con hiện đang học lớp 8 tại Trường THCS Phú Hưng. Do làm công việc sửa chữa, lắp đặt máy tính nên anh cũng thường xuyên đến 2 điểm trường kể trên và nhận thấy các trường đều đang bị xuống cấp, không có diện tích để mở rộng.
“Khi nghe cha bàn về việc hiến đất mở rộng xây dựng 2 ngôi trường đó tôi chẳng những đồng thuận cao mà còn phân tích để mọi người trong gia đình hiểu hơn về khó khăn của các trường. Theo tôi biết hiện tại giá đất khu vực này cũng khoảng 200 triệu một mét ngang. Tuy nhiên, với tôi việc này không quan trọng, có cơ hội được hỗ trợ, tạo điều kiện để các em có môi trường học tập tốt là vui rồi”, ông Nhân tâm sự.
Ông Lê Văn Xía, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho biết, năm 2022, khi có chủ trương xây dựng mới các trường kể trên, xét thấy trường cũ không đủ diện tích mở rộng hướng đến đạt chuẩn, chính quyền địa phương liền bắt tay tìm kiếm chọn địa điểm đủ diện tích và vận động người dân hiến đất xây trường.
Sau thời gian lựa chọn địa điểm, UBND xã nhận thấy phần đất của gia đình ông Lê Thanh Bảy phù hợp xây dựng 2 trường nên tiến hành vận động hiến đất. “Lúc đầu vận động, chính quyền địa phương cũng lo lắng gia đình sẽ không đồng ý, bởi diện tích vận động hiến để xây dựng 2 trường khá lớn.
Tuy nhiên may mắn gia đình ông Bảy đều là những người hiểu chuyện, có tâm với sự nghiệp giáo dục, một lòng muốn tạo điều kiện cho con em địa phương học tập tốt, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, nên đồng thuận, ủng hộ cao.
Chính quyền địa phương biểu dương những đóng góp của gia đình ông Lê Thanh Bảy trong việc hiến đất xây trường, góp phần quan trọng để xã sớm thực hiện đạt tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”, lãnh đạo UBND xã Phú Hưng chia sẻ.
Nguồn giáo dục thời đại