Từng là thợ cơ khí, từ khi gắn bó với hội họa rồi mở xưởng tranh riêng tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), tuần nào họa sĩ Nguyễn Hoàng cũng dành 2 buổi để đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM ngụ tại huyện Hóc Môn để dạy vẽ cho khoảng 15 học trò.
Sau những bức tranh màu sắc ấy là cả một sự nỗ lực lớn lao của cả thầy và trò. Họa sĩ Hoàng tâm sự: “Hướng dẫn cho người bình thường vẽ tranh đã khó, dạy các em nhỏ khuyết tật học thành nghề càng khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là thời gian đầu. Mỗi bức tranh các em vẽ ra đều mang một nét đẹp riêng, một tâm hồn riêng. Mỗi lần nhìn ngắm lại những bức tranh ấy tôi đều rất xúc động”.
Trên nền tảng 15 học trò của lớp vẽ đầu tiên được mở ra vào năm 2012, đã có hơn 100 em đến rồi đi, thành quả ngọt ngào của thầy và trò của lớp học vẽ đặc biệt này chính là những tác phẩm minh chứng cho cái tâm của người thầy giáo và ý chí vượt lên nghịch cảnh của các em nhỏ.
“Mọi người làm được thì mình cũng làm được”, đó là lời thầy Hoàng luôn dùng để căn dặn và động viên các học trò của mình. Sau nhiều năm gắn bó, một số em đã sống được với nghề vẽ tranh sau thời gian được thầy Hoàng hướng dẫn.
Chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn tiến lên bức tranh phong cảnh, anh Lê Thanh Tùng (Kiên Giang) dùng cọ chỉnh sửa các chi tiết theo sự hướng dẫn của thầy Hoàng. Hơn 12 năm học nghề tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM cũng là chừng ấy năm, anh Tùng được thầy Hoàng chỉ dạy từng nét vẽ đầu tiên cho đến khi hoàn thiện bức tranh khổ lớn. Không chỉ tranh phong cảnh, anh Tùng còn vẽ được nhiều thể loại khác nhau: “Nhờ thầy Hoàng hướng dẫn tận tình nên tay nghề tôi đã tiến bộ rất nhiều. Thầy rất thương học viên, mỗi bạn thầy đều tìm cách hiểu về khiếm khuyết, thể trạng để hướng dẫn cho phù hợp. Có lúc tôi vẽ chưa chuẩn, thầy cũng hướng dẫn lại rất tận tình”.
Bà Vương Thị Duyên Hương, nhân viên phòng Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM chia sẻ: "Mặc dù nhà rất xa trung tâm và còn có công việc bên ngoài nhưng họa sĩ Nguyễn Hoàng rất tận tâm chỉ dạy các em. Ngoài việc dạy vẽ cho học trò, thầy còn là người bạn gắn bó, chia sẻ, đồng cảm, yêu thương các học viên ở đây, sẵn sàng giúp đỡ để các em có cái nghề nuôi sống bản thân, đóng góp cho xã hội" .
Đối với thầy Hoàng, khoảng thời gian bên cạnh các học trò đặc biệt là một khoảng lặng sau những ngày tất bật ở phòng tranh. Mọi bề bộn của công việc hàng ngày tạm gác lại, ở đó chỉ có một sợi dây kết nối, là những bức tranh được vẽ nên từ tâm hồn và ước mơ của các em.
Nguồn Sống đẹp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự