Là sinh viên năm thứ tư ngành Quản trị nhà hàng khách sạn quốc tế, Trường Đại học NHL Stenden University of Applied Science ở Hà Lan và đang thực tập tại Mỹ; em Phạm Khánh Toàn (sinh năm 2002) luôn theo dõi những dự án gây quỹ từ thiện và tích cực tham gia nhiều hoạt động lan tỏa về truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Không chỉ giành được thành tích xuất sắc trong học tập, Khánh Toàn còn luôn hết mình đóng góp cho nhiều hoạt động vì cộng đồng như: quyên góp đồng bào chống bão lũ ở quê nhà, gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh,...
Lựa chọn ngành học hướng đến sự tận tâm phục vụ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phạm Khánh Toàn cho biết em lựa chọn theo đuổi ngành học Quản trị nhà hàng khách sạn quốc tế bởi đây là một công việc xuất phát từ sự tận tâm phục vụ, đòi hỏi người làm nghề cần có tấm lòng chân thành, đem đến những trải nghiệm dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho mọi người.
Trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học NHL Stenden University of Applied Science, em luôn nằm trong top 20 sinh viên có điểm trung bình các môn học (GPA) cao nhất toàn trường và xuất sắc giành được học bổng trị giá 30% học phí liên tiếp qua từng năm học (3.000 đô la Mỹ/năm học).
Không chỉ cố gắng trong mục tiêu học tập của mình, em cũng rất tận tình giúp đỡ, hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam đi du học có thể sớm ổn định sinh hoạt, thích nghi với môi trường mới, làm quen với văn hóa bản địa. Với phương pháp học tập hiệu quả và tinh thần tích cực động viên vượt qua mọi khó khăn trở ngại, Khánh Toàn đã hướng dẫn 3 sinh viên khóa dưới thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và cả 3 em đều đã nhận được học bổng xuất sắc của trường.
Gửi gắm lời khuyên tới các bạn học sinh, sinh viên đang có mong muốn du học và theo đuổi lĩnh vực Quản trị nhà hàng khách sạn, Phạm Khánh Toàn bày tỏ, người học nên đặt ra mục tiêu cho bản thân, có thể từ những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn đến những mục tiêu lớn và dài hạn. Đó chính là động lực, là “kim chỉ nam” của mỗi người trong quá trình cố gắng phát triển bản thân.
Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực xây dựng cho mình một kế hoạch học tập hợp lý, phân bổ thời gian cân đối để có thể đáp ứng thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội ý nghĩa khác.
Phạm Khánh Toàn với dự án nhiếp ảnh "Khoảnh khắc yêu thương - chụp ảnh gửi tấm lòng về Việt Nam". Ảnh: NVCC.
Theo Khánh Toàn, khác biệt về môi trường văn hóa và phong cách làm việc giữa các nước cũng là một rào cản lớn mà du học sinh cần thích nghi, làm quen và củng cố tinh thần tích cực, giải tỏa áp lực. Người học cần phát triển một số kỹ năng mềm để làm việc và nghiên cứu tốt ở ngành nghề này như khả năng tư duy logic, tính sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm,...
Ngành Quản trị nhà hàng khách sạn đòi hỏi người làm nghề cần đáp ứng chất lượng trải nghiệm dịch vụ tốt, xây dựng môi trường thân thiện, nâng cao sự hài lòng cho khách hàng và gia tăng giá trị thực cho xã hội. Từ đó, trong đời sống thường nhật, bản thân Khánh Toàn cũng mong muốn có thể gửi gắm tấm lòng chân thành tới mọi người, giúp đỡ cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn vượt qua thử thách. Đó cũng chính là động lực và là niềm vui trong cuộc sống của nam du học sinh.
Dù ở phương xa vẫn luôn hướng về quê hương Tổ quốc
Vào lúc rảnh rỗi, Phạm Khánh Toàn còn dành thời gian cho đam mê của mình. Chụp ảnh vừa là “nghề tay trái”, vừa là cách để em thể hiện cảm xúc. Bắt đầu chụp ảnh từ 4 năm trước với mục đích đơn giản là lưu giữ lại khoảnh khắc gia đình, sau đó, nam du học sinh đã dành thời gian tìm hiểu về máy ảnh trên các kênh truyền thông như YouTube, tham gia hoạt động workshop, lớp học về nghệ thuật, chụp hình bằng tiền tự dành dụm.
Khánh Toàn thực hiện dự án nhiếp ảnh gây quỹ giúp bà con khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi. Ảnh: NVCC.
Trường đại học nam sinh theo học ở Hà Lan nhưng năm cuối sinh viên sẽ có kỳ thực tập ở Mỹ. Hiện nam sinh vừa học năm cuối, vừa làm khóa luận tốt nghiệp tại Mỹ. Khánh Toàn cho hay: "Vào tháng 9 vừa qua, sau khi nghe thông tin về bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào Việt Nam, em cảm thấy vô cùng hoang mang và lo lắng cho gia đình tại quê hương và toàn thể người dân miền Bắc. Không có mặt trực tiếp tại quê nhà để tham gia chống lũ nên em mong muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa, vừa mang niềm vui đến cho mọi người, vừa quảng bá về hình ảnh Việt Nam xinh đẹp, lại vừa có thể gây quỹ giúp đồng bào khắc phục hậu quả sau thiên tai. Vì thế, dự án "Khoảnh khắc yêu thương - chụp ảnh gửi tấm lòng về Việt Nam" ra đời".
Phạm Khánh Toàn đã chụp ảnh miễn phí cho những người dân sinh sống tại New York. Họ không cần trả tiền nhưng bù lại có thể quyên góp để ủng hộ Việt Nam vượt qua trận bão lịch sử này, đồng thời gửi những lời cầu nguyện, những lời chúc tốt đẹp tới đồng bào miền Bắc. Em đặt mục tiêu dự án có thể thu về 15 triệu đồng (tương đương khoảng 750 USD).
"Số tiền này tuy không quá lớn nhưng thể hiện được tinh thần hợp tác quốc tế và sự thương yêu, đồng cảm giữa cộng đồng với nhau mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, màu da, ngôn ngữ,... Điều quan trọng nhất là em mong dự án có thể trở thành một phần cảm hứng cho các bạn trẻ, đặc biệt là du học sinh như em, rằng dù học tập và sinh sống xa nhà nhưng luôn có những cách thức khác nhau để đóng góp, ủng hộ cho quê hương. Chỉ cần trái tim luôn hướng về Tổ quốc", Khánh Toàn bày tỏ.
Vợ chồng ông Phạm Xuân Khánh (gia đình em Phạm Khánh Toàn) đã tận tay trao quà cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: NVCC.
Song, sau 4 ngày thực hiện dự án, Phạm Khánh Toàn gửi về tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền lên tới 25 triệu đồng mà bản thân tự thu được từ dự án. Bên cạnh đó, gia đình ông Phạm Xuân Khánh (bố của du học sinh Phạm Khánh Toàn) - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng quyên góp 75 triệu đồng để hỗ trợ bà con ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai bị thiệt hại do bão số 3.
Với tổng số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão Yagi là 100 triệu đồng, gia đình ông Phạm Xuân Khánh đã trực tiếp đến thăm hỏi và trao số tiền ủng hộ này tới từng hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sau ngày mưa bão; đồng thời gửi cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam để mua giống, phân bón cho các hộ dân địa phương canh tác ngoài vùng bãi.
Lễ trao quà tại phường Thanh Trì. Ảnh: NVCC.
"Ban đầu, em không nghĩ có thể nhận được sự đồng cảm và ủng hộ lớn đến vậy. Dù đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng bạn bè quốc tế đều sẵn lòng đóng góp và gửi những lời chúc tốt đẹp tới người dân Việt Nam. Chính những khoảnh khắc này giúp em nhận ra rằng, tình người và sự sẻ chia không bao giờ biến mất, chỉ cần chúng ta luôn mở lòng và hướng về nhau, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất, đó thực sự là điều đáng quý", Khánh Toàn chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện dự án, em cũng trải qua không ít những khó khăn. Sau giờ làm việc, Phạm Khánh Toàn phải nhanh chóng di chuyển bằng tàu hỏa suốt 4 tiếng để đến Thành phố New York (Mỹ). Tính ra, riêng di chuyển mỗi ngày, em đã mất đến 8 giờ đồng hồ, chưa tính khoảng 2-3 tiếng lang thang khắp quảng trường Thời Đại để triển khai dự án nhân đạo này.
Cấp ủy, chính quyền phường Trần Phú tiếp nhận 20 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Với những video clip ghi lại cảnh bão lũ tang thương đang diễn ra ở Việt Nam, Khánh Toàn giơ điện thoại di động để những người bạn Mỹ chứng kiến và ủng hộ. Những ngày này, Khánh Toàn chỉ ngủ 4-5 tiếng, em muốn dành thật nhiều thời gian trong ngày có mặt tại quảng trường Thời Đại để quyên góp thật nhiều tiền gửi về Việt Nam sớm nhất có thể.
Chung tay quyên góp gần 30 triệu đồng cho trẻ em Việt Nam mắc bệnh tim bẩm sinh
Tháng 11 vừa qua, bằng cách kêu gọi các bạn trẻ cùng chung tay quyên góp cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở nước ta, Khánh Toàn đã tổ chức hoạt động đấu giá vé buổi hòa nhạc. Toàn bộ số tiền mà em thu được cùng với một khoản bản thân tự trích ra thêm là 28 triệu đồng, tất cả góp vào quỹ thiện nguyện “Vết sẹo cuộc đời” lần thứ 11 dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Jun Phạm.
Nguồn quỹ được quyên góp trực tiếp từ những tấm lòng hảo tâm, chương trình "Vết sẹo cuộc đời" thuộc Doanh nghiệp Xã hội Vietnam Children's Fund phân bổ tài trợ các ca phẫu thuật tim cho khoảng 200 trẻ em nghèo trên khắp cả nước, mang đến hy vọng về một tương lai tươi sáng và khỏe mạnh hơn cho các em.
Bà Ann (83 tuổi, người Mỹ) một người được Tòa chụp ảnh gửi tình cảm đến người dân Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Hơn nữa, vừa qua, Phạm Khánh Toàn cùng một nhóm các bạn du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có sáng kiến thực hiện tiết mục múa đương đại với tà áo dài kết hợp trình chiếu clip về tinh thần người Việt tại quảng trường Thời Đại ở New York - một trong những điểm đến mang tính biểu tượng nhất nước Mỹ. Qua phần biểu diễn, nhiều người dân Mỹ đã biết đến và bày tỏ sự ấn tượng về văn hóa của Việt Nam.
Nhóm các bạn du học sinh này đã đăng ký trình chiếu hình ảnh Việt Nam trên giao lộ sầm uất bậc nhất thế giới. Cụ thể đó là một video với độ dài 15 giây về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào dân tộc Việt Nam trong cơn bão Yagi đã được trình chiếu mỗi giờ một lần liên tục trong 24 tiếng đồng hồ vào ngày 18/10 trên biển quảng cáo billboard tại quảng trường Thời Đại ở Mỹ.
Chia sẻ ý tưởng triển khai hoạt động này, Phạm Khánh Toàn cho biết: “Nhóm các bạn trẻ chúng em không chỉ mong muốn quảng bá nét đẹp về văn hóa và con người Việt Nam, mà còn hy vọng phát huy tinh thần dân tộc đến bạn bè quốc tế. Chúng em cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những người chiến sĩ, những tấm gương người tốt, việc tốt đã không quản ngại giúp đỡ đồng bào trước cơn bão Yagi”.
Có thể nói, dòng máu dân tộc luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam, dù ở đâu họ vẫn luôn hướng về cội nguồn Tổ quốc và mong muốn đóng góp công sức dù nhỏ bé, hay bằng nhiều cách khác nhau cho quê hương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự