Lớp cắt may “vá lành” ước mơ cho người khuyết tật

Thứ bảy - 07/12/2024 15:25
Hơn 12 năm qua, lớp cắt may Phố Xưa của anh Nguyễn Duy Long đã giúp đỡ, dìu dắt cho không ít người phụ nữ khuyết tật có được một cái nghề nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.
Lớp cắt may “vá lành” ước mơ cho người khuyết tật

Căn nhà hai tầng ở ngách 203, ngõ 84 phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) lúc nào cũng tràn ngập âm thanh dồn dập từ tiếng máy may, xen lẫn với tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả. Không khí tất bật ấy khiến người mới tới khó hình dung đó là lớp học của những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người phụ nữ không may mắn, bị khiếm khuyết về cơ thể.

Chia sẻ về cơ duyên mở lớp cắt may Phố Xưa, anh Long nói: “Ý tưởng mở lớp cắt may này xuất phát từ biến cố của bản thân mình. Cách đây 12 năm, con mình không may bị bại não. Từ việc chăm sóc con gái, mình bắt đầu có sự đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nên mình đã mở lớp cắt may dành cho những người không may mắn.

Hiện mình đang đào tạo theo 2 chương trình, trực tiếp và online. Số học viên online là hơn 4000 người, còn trực tiếp thì mình không nhớ nữa vì lớp mở đến nay cũng hơn 10 năm rồi, mỗi lớp dạy như vậy cũng vài chục bạn. Đối với các học viên khó khăn, khiếm khuyết mình miễn phí 100% học phí, chỉ mong sao các bạn học được cái nghề để nuôi sống bản thân”.

lop-cat-may-va-lanh-uoc-mo-cho-nguoi-khuyet-tat (1)

Tất cả các bạn học viên của lớp cắt may Phố Xưa đa phần đều là những trang giấy trắng. Thầy Long phải chỉ dạy từng công đoạn, từ cơ bản nhất. Lộ trình trung bình không bạn nào giống bạn nào, học từ 4 đến 6 tháng. Bởi những học viên này có những khiếm khuyết khác nhau, có bạn có chiều cao khiêm tốn thầy phải hạ bàn xuống hay thiết kế ghế riêng, bạn bị tật chân thì cần nâng cao thêm ga bàn,…

Một mình đảm nhiệm mọi thứ ở lớp học nhưng anh Long vẫn theo phương châm 1 kèm 1, quan sát, hỗ trợ các học viên khi các bạn cần: "Các bạn học viên thường mang những  khiếm khuyết khác nhau, bạn phần tay, bạn phần chân. Nên mình phải đặt hoàn cảnh vào các bạn ấy chỉ dạy, giúp các bạn dễ tiếp thu nhất”.

lop-cat-may-va-lanh-uoc-mo-cho-nguoi-khuyet-tat

“Những chỉ bảo ân cần của thầy tạo cảm giác ấm áp cho các học viên yếu thế, khiến chúng tôi luôn có cảm giác thân thuộc, được quan tâm, chăm sóc như người thân, người anh trong nhà của thầy Long”, chị Trần Thị Phương (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ. Chị PHương có mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, sở hữu cửa hàng may quần áo của riêng mình, nhưng không may bị khiếm khuyết một bên chân từ nhỏ. Những tưởng ước mơ ấy sẽ khép lại, nhưng nhờ sự kết nối, giới thiệu của tổ chức “Trả lại tuổi thơ” mà chị được biết đến lớp cắt may Phố Xưa của thầy lòng và trở thành một “mảnh ghép” trong lớp học ấm áp này.

Đối với những phụ nữ khuyết tật, để có được công việc, tạo ra thu nhập, thực hiện được hoài bão, ước mơ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những người khỏe mạnh, bình thường khác. Hiểu được điều ấy nên dù khó khăn, vất vả  nhưng mỗi khi nhìn thấy các học viên khuyết tật dần thay đổi bản thân, vượt lên chính số phận để làm chủ được cuộc sống của chính mình là anh Long lại cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và càng kiên định hơn với con đường mình đã chọn.

Nguồn Sống đẹp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây