Từ lâu căn nhà nhỏ đơn sơ của cô Ba Đỏ đã trở thành lớp học của nhiều thế hệ trẻ em nghèo trong vùng. Không có bảng đen, bàn ghế tươm tất nhưng lớp học lúc nào cũng chan chứa tiếng cười và tình yêu thương.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, bà Đỏ đi dạy được một thời gian thì đành bỏ dở nghề vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. “Khi ấy tôi vào khu kinh tế mới ở huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) lập nghiệp. Sau 10 năm bôn ba mưu sinh tôi quyết định quay về quê mở quán nước nhỏ ven sông kiếm sống qua ngày”, bà Đỏ nhớ lại.
Năm 1990, nhận thấy nhiều trẻ em nghèo ở địa phương không được đi học vì phải theo bố mẹ mưu sinh, bà Đỏ quyết định mở lớp học miễn phí tại nhà. Hay tin, nhiều gia đình đến xin cho con theo học để xóa mù chữ. Đối với bà giáo Đỏ, mỗi học sinh đến lớp biết đọc, biết viết, biết những phép tính cơ bản là niềm vui lớn. Dù hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước nhưng bà chưa từng có ý định nghỉ ngơi.
“Lớp học này không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ mà còn là nơi truyền đạt những bài học về đạo đức, lối sống, giúp các em hiểu được giá trị của lòng nhân ái và sự chăm chỉ”, bà giáo già bộc bạch.
Suốt nhiều năm nay lớp học không có giờ cố định, học sinh đến lúc nào bà dạy lúc đó. Lớp hiện nay có hơn 20 em, trong độ tuổi từ 10 - 17. Vào những kỳ nghỉ hè số lượng học sinh tăng lên rất đông, có khi hơn 100 em, bà Đỏ phải chia khung giờ mới dạy hết được vì diện tích nhà bà quá nhỏ.
Hơn 30 năm dạy chữ không lương, bà giáo già ngụ tại khu vực 2, P.Lái Hiếu, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang đã giúp xóa mù chữ cho hàng trăm trẻ em nghèo. Nhiều thế hệ theo học bà nay đã tốt nghiệp, có công ăn việc làm ổn định.
Ông Phạm Văn Mạnh (40 tuổi, ngụ P.Lái Hiếu) chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn, vợ chồng làm thuê kiếm từng đồng nên không có điều kiện cho con đi học. May nhờ có lớp học tình thương của cô Ba Đỏ mà con tôi nay đã biết đọc, biết viết, ngoan ngoãn hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Trưởng khu vực 2 nơi bà Đỏ đang sinh sống cũng bày tỏ: “Bà con địa phương rất thán phục nghĩa cử cao đẹp của bà Ba Đỏ, ai cũng dành cho bà sự quý trọng. Địa phương cũng hết lòng động viên việc làm của bà, các nhà hảo tâm cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ với bà bằng việc tặng quà, tặng đồ dùng học tập cho các em học sinh trong lớp”.
Nguồn Sống đẹp
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự