Cô Phạm Thị Ngọc Thảo hiện đang là giáo viên tại trường Tiểu học Phường 6/2, TP.Cà mau, kể về cái duyên đến với thiện nguyện của mình, cô chia sẻ: Hồi nhỏ biết ai đi tặng quà ở đâu là cô xin đi theo để xem. Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn là cô lại đau đáu trong lòng vì tuổi nhỏ chưa biết làm gì để giúp đỡ được họ. Sau này, một lần đến Niệm Phật đường Hưng Phước để thăm các em nhỏ, chứng kiến những đôi mắt ngây thơ thiếu thốn tình yêu thương, cô không nỡ làm ngơ. Thế là cô kết nối với bạn bè, thành lập nhóm thiện nguyện Hưng Phước. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ dựa vào mối quan hệ của mình đứng ra “xin” sự yêu thương, giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn. Hành trình thiện nguyện cũng bắt đầu từ đó. Đến khi chương trình “Khát vọng sống” được đài PTTH Cà Mau thực hiện, cô Thảo tích cực tham gia và có cơ duyên kết nối với nhiều mạnh thường quân hơn. Từ đó, vòng tay yêu thương của cô được mở rộng đến mọi miền đất nước. Nơi nào có trẻ em kém may mắn, cô sẽ cố gắng kêu gọi giúp đỡ.
“Việc thiện đâu phải là phong trào, làm để được tung hô, để nổi tiếng. Người làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm, nghĩa tình đối với đồng bào, không nhằm được tri ân hay đạt bất kỳ lợi ích nào”, cô giáo Thảo bộc bạch.
Trong hành trình thiện nguyện của mình, cô giáo Cà Mau nặng tình nhất là với xóm chạy thận. “Có lần tôi vận động được 3.5 triệu đồng, chưa biết giúp đỡ ai thì gặp chú trưởng khóm cho hay trong xóm chạy thận có một hoàn cảnh thương tâm lắm, rất cần sự giúp đỡ. Thế là tôi lặn lội tìm đến nơi, tại đây tôi gặp em Châu Trọng Huynh, bệnh tình của em đang trở nặng, cần tiền để điều trị và số tiền ấy đã đến rất kịp lúc”, cô Thảo nhớ lại.
Anh Châu Trọng Huynh năm nay 34 tuổi nhưng đã gắn với máy chạy thận 15 năm nay ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đặn 3 lần/tuần. Cha ở quê làm vuông, anh cùng mẹ thuê phòng trọ gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Để có tiền sống và chữa bệnh, mỗi lần khỏe lại đôi chút anh lại cầm cọc vé số đi bán quanh thành phố.
“Giờ sức khỏe của Huynh yếu nhiều, tiền hỗ trợ cũng lần lượt ra đi theo mỗi lần chạy thận. Ðể kéo dài sự sống, em ấy phải tự mình kiếm tiền. Có những hôm mệt quá đi bán không nổi, vé số còn nhiều, tôi đăng lên mạng kêu gọi cộng đồng hỗ trợ mua giúp”, cô Thảo chia sẻ.
Đó cũng là lần đầu tiên cô giáo Thảo biết đến xóm chạy thận, một xóm nhỏ nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo thuộc khóm 6, phường 6, TP.Cà Mau. Chính ước mơ được phục hồi sức khỏe của bệnh nhân nơi đây đã thôi thúc người giáo viên này tiếp tục hành trình đồng hành, sẻ chia. Từ việc vận động, kêu gọi quyên góp của cô Thảo mà ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến xóm chạy thận và sẵn sàng giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức.
Cô giáo Cà Mau chia sẻ, điều khiến cô hạnh phúc nhất trong hành trình thiện nguyện là thấy mình không hề lẻ loi, có rất nhiều tấm lòng dù cuộc sống khá giả hay trung bình vẫn sẵn sàng kề vai cùng cô thầm lặng sẻ chia. Cô tin rằng xã hội càng nhiều người tử tế thì càng văn minh, lành mạnh và đầy ắp tình người.
Nguồn Sống đẹp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự