Vợ chồng cùng chống dịch: "Đã nhất là thấy các bệnh nhân được xuất viện"

Chủ nhật - 15/08/2021 22:56
Nghe vợ thông báo đã đăng ký đi bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, anh Quý cười, nói: "Anh cũng thế!". Vậy là sau đó, hai vợ chồng gửi con nhỏ về nhà ngoại ở Củ Chi, cùng nhau "lên đường".
Anh Lê Tấn Quý cùng bác sĩ tiễn một bệnh nhân được xuất viện về cách ly tại nhà.
Anh Lê Tấn Quý cùng bác sĩ tiễn một bệnh nhân được xuất viện về cách ly tại nhà.

Anh Lê Tấn Quý là điều dưỡng Khoa Nội Thần kinh, chị Lê Thị Trà My là điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, cả hai cùng công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hơn 1 tháng trước, họ thuộc đội ngũ đầu tiên có mặt tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để bắt đầu điều trị cho bệnh nhân F0 nặng.

Chị My được phân công ở Khoa 1A, là Khoa Hồi sức cho bệnh nhân nặng. Mỗi ca sáng hoặc chiều kéo dài 7 tiếng đồng hồ, ca đêm lên tới 10 tiếng. “Luôn phải túc trực, bởi bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng rất nhanh”, chị My tâm sự.

Thời gian đầu, dù trước đó từng làm điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực và cũng đã chuẩn bị tâm lý trước khi tham gia “cuộc chiến”, chị vẫn bị sốc vì có những bệnh nhân F0 ra đi quá nhanh.

Trong mỗi kíp trực, điều đầu tiên khi họ bước vào phòng bệnh là quan sát kỹ một vòng, lấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, chỉ một lát là mồ hôi đầm đìa, cay xè khóe mắt nhưng họ chẳng thể lau, cổ họng khát khô cũng không dám uống một ngụm nước. Hay khi chiếc kính chắn giọt bắn bị mờ, ảnh hưởng đến tầm nhìn, họ cũng phải cố gắng làm việc.

Anh Quý chia sẻ: “Nếu trong kíp trực gặp bệnh nhân nặng, bị ngưng tim, điều dưỡng phải nhồi tim cho bệnh nhân. Bình thường chúng tôi có thể thực hiện trong khoảng 10 phút, nhưng với bộ đồ bảo hộ này, chỉ 2-3 phút đã đuối rồi, vì thở rất khó khăn. Cố gắng lắm cũng chỉ được khoảng 5 phút”.

Tuy nhiên, dù nóng, khát, hay mệt lả, họ vẫn cố gắng tới cực hạn, khi không chịu được nữa mới tháo ra, bởi vì “tiếc bộ đồ bảo hộ và cái khẩu trang”.

Ban đầu, anh Quý làm ở Khoa 1A, sau đó được điều động lên Khoa 9A, cùng các bác sĩ thành lập khoa mới dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn, hoặc chuyển từ các khoa bệnh nặng. Bệnh nhân đông, lực lượng y tế mỏng, nhiều khi phải dang dở bữa cơm để chăm lo cho bệnh nhân, đến lúc xong việc thì cơm cũng nguội ngắt.

Nhưng điều vui mừng nhất của anh là khi được chứng kiến đoàn bệnh nhân đầu tiên xuất viện. “Lúc đó cảm giác đã lắm, không thể diễn tả bằng lời. Sau nhiều ngày chinh chiến, có đoàn đầu tiên xuất viện rồi thì sẽ có nhiều đoàn sau đó nối tiếp. Thật sự là quá vui mừng”, anh Quý trải lòng.

Mới vừa rồi, Khoa 9A đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân nặng, anh Quý cho biết luôn sẵn sàng hết lòng với công việc của mình.

Ngày về là “Tết đoàn viên”

Mỗi khi ở bệnh viện, vợ chồng anh Quý đều dành hết tinh thần và sức lực cho người bệnh. Thế nhưng, sau mỗi ca làm, họ lại nhớ các con quay quắt. Đây là lần đầu tiên họ xa con lâu đến vậy. Hai đứa trẻ còn non dại, con gái đầu lòng của anh chị mới hơn 4 tuổi, con út chưa đầy 2 tuổi.

“Khi nhớ con, chúng tôi thường lấy hình cũ, clip của chúng ra ngắm, nhưng ít khi gọi về, sợ các con nhớ. May là con gái tuy còn nhỏ nhưng hiểu chuyện. Chúng tôi dặn con: “Ba mẹ đi chống dịch, khi nào hết bệnh nhân ba mẹ sẽ về”. Vậy nên ngày nào bé cũng nói với em trai rằng, ba mẹ đi chống dịch, khi nào về sẽ chở 2 chị em đi chơi, đi tắm biển”, anh cười.

1
Vợ chồng anh Quý trong giây phút thanh thơi ít ỏi ngoài phòng bệnh.

Trước khi dịch bùng phát, vợ chồng anh cũng nhiều lần gửi con xuống nhà ngoại để tham gia các công việc khác ở tuyến đầu. Có những khi nhớ các con, anh chị lại mua sữa tranh thủ mang xuống, nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa. May mắn hai bên nội ngoại đều hiểu nên hết lòng hỗ trợ, là hậu phương vững chắc của anh chị.

Chị My cũng bày tỏ, nếu so sánh, vợ chồng chị vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Có những gia đình cả 2 vợ chồng là nhân viên y tế đang chống dịch ở 2 nơi. Lại có những đồng nghiệp đau đớn hơn khi phải chứng kiến chính người thân của mình được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Vì vậy, họ chỉ muốn hết lòng với công việc của mình, mong cứu chữa được nhiều người bệnh.

Ngoài công việc chính của một điều dưỡng, anh Quý, chị My còn tranh thủ hỗ trợ kết nối bệnh nhân và người nhà. “Có rất nhiều người gọi cho tôi nhờ tìm người thân đang nằm viện. Mỗi ngày, sau khi xong việc, tôi lại đi vòng còng các khoa để kiếm. Có những trường hợp tội lắm, nhìn nhau qua điện thoại rồi khóc như mưa”, anh Quý chia sẻ.

Nhiều lần nhận được câu hỏi "Bao giờ về?”,anh chỉ trả lời: “Tết đoàn viên”. Anh nói: “Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, chẳng ai dám chắc chắn ngày về. Đợi khi nào bệnh nhân cuối cùng xuất viện, các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 đều giải tán, chúng tôi về, đối với mọi nhà đều là Tết đoàn viên”.

Theo Vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây