Hoàn thành 14 ngày cách ly sau thời gian tình nguyện ở "điểm nóng" Bắc Giang, chàng trai người Quảng Bình Nguyễn Minh Trí nóng lòng muốn vào hỗ trợ TP.HCM. Không yên tâm để con đi một mình, ông Thông cũng lên đường vào Nam.
Hành trang mang theo là con gà luộc và nắm xôi
Chiếc xe cấp cứu 115 mang biển số 73B - 006.01 là xe của gia đình Trí lâu nay sử dụng để chạy dịch vụ ở Quảng Bình. Nhưng Trí nói với ba mẹ thời điểm này việc hỗ trợ chống dịch quan trọng hơn chạy dịch vụ kiếm tiền nên anh quyết định đăng ký vào TP.HCM hỗ trợ chở F0 đi bệnh viện.
"Đợt dịch này nếu xe chạy ở Quảng Bình thì không hết việc, nhưng lúc này người dân miền Nam cần chiếc xe này hơn, bản thân mình chịu thiệt thòi, hy sinh một chút rồi sau này có thể lấy lại được", Minh Trí chia sẻ.
Giống như lần trước ra Bắc Giang, chuyến đi này của Trí vào TP.HCM không được bố mẹ chấp thuận. Mẹ Trí phản đối kịch liệt hơn đợt đi Bắc Giang vì TP.HCM dịch bùng phát mạnh, số người chết vì COVID-19 ngày càng gia tăng. Hơn nữa, sau 2 tháng hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang, gia đình không kiếm được thu nhập nên mẹ Trí cũng không muốn con lại Nam tiến.
Nhưng dù có thuyết phục bao nhiêu, hai bậc phụ huynh cũng biết mình không thể ngăn cản ý chí của con trai. "Nếu con nhất quyết đi thì chuyến này phải để ba theo cùng", ông Đặng Tri Thông (62 tuổi), cha của Minh Trí nói và thỏa hiệp với con trai.
"Bước chân vào đây rồi phải chấp nhận con đường nguy nan, nếu tôi lỡ "ra đi", tôi cảm thấy bình thường, nhưng đối với Trí tôi rất lo, lo cho sức khỏe và hơn nữa Trí đang còn trẻ", ông Thông tâm sự.
Minh Trí tỏ ra điêu luyện trong việc lấy mẫu test nhanh cho bố.
Trước đó, ông Thông đã nhiều lần cùng các tình nguyện viên tham gia lái xe chở hàng từ Quảng Bình vào hỗ trợ đồng bào miền Nam. Qua những gì mắt thấy, tai nghe về sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu, và lo lắng cho con trai, ông sẵn sàng cùng con xông pha vào tâm dịch.
“Mẹ có bảo hai bố con vào trong ấy rồi biết bao giờ mới về, mình nói với mẹ chờ trong này hết dịch, hoặc trường hợp xấu tỉnh Quảng Bình bị bùng dịch thì con sẽ quay về hỗ trợ tỉnh nhà. Rồi mẹ bảo chờ trong ấy hết dịch thì đi cả nửa năm”, Minh Trí kể lại.
Ngày 2 bố con lên đường vào TP.HCM, hành trang mang theo là 1 con gà và 1 ít xôi người mẹ chuẩn bị để hai người ăn dọc đường. Lúc đó Trí mượn bạn bè 10 triệu đồng để đổ xăng dầu, mua sắm đồ bảo hộ.
Ngày đi chở F0, tối đi phát quà từ thiện
Sáng 29/7, hai bố con Minh Trí vào đến TP.HCM, cả hai được phân công đến UBND quận 10 để nhận điều phối công việc.
Tối đến 2 bố con Trí đi tặng nhu yếu phẩm cho người dân.
Mỗi ngày, 2 bố con Trí đều đặn đưa đón đoàn y bác sĩ Thái Bình đến nơi làm việc. Sau đó, chiếc xe mang biển Quảng Bình lại làm nhiệm vụ đưa đón F0 đi cấp cứu. Trung bình mỗi ngày, Trí và bố chạy từ 7 - 9 chuyến xe.
Thông thường, công việc chạy xe cấp cứu cho quận 10 kết thúc lúc 17 - 18h. Tắm rửa, ăn uống xong xuôi, hai bố con Trí cùng nhau rong ruổi trên những con đường để đi phát quà từ thiện cho người nghèo, vô gia cư. Dù khó khăn, nhưng khi gặp mảnh đời bất hạnh, Trí vẫn sẵn sàng bỏ tiền cá nhân để giúp đỡ.
Trí cho biết, anh chia sẻ việc nhận hỗ trợ bà con trong mùa dịch trên Facebook cá nhân và nhận được rất nhiều phản hồi. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được giúp đỡ và cũng có những người là mạnh thường quân nhờ trao quà, cơm, suất ăn miễn phí đến bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa. Vì thế 2 bố con không ngần ngại hy sinh và thấy hạnh phúc vì được hỗ trợ cộng đồng theo khả năng của mình.
Mỗi lần chở F0 về, Trí xịt khuẩn cho xe để đảm bảo an toàn.
"Trong này quận lo 1 ngày 3 bữa, nhưng mà 2 bố con ăn 2 bữa thôi, bữa còn lại cất trong tủ lạnh để tối tặng cho những người lang thang cơ nhỡ. Trên đường đi giao có nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm, như trường hợp người mẹ bồng đứa bé nhỏ lắm mà trên xe đã hết đồ ăn. Sau đó Trí lên xe lấy sữa mà mẹ chuẩn bị cho Trí và lấy 200.000 đồng tiền túi tặng cho 2 mẹ con luôn", ông Thông kể lại.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự