Mỗi ngày cùng bạn bè chuẩn bị 3.000 – 4.000 suất ăn gửi cho những người khó khăn trong tâm dịch ở TP.HCM, tối lại đi phát thực phẩm hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khiến anh Tình cay mắt xót xa.
Gian bếp 'Suối mát từ tâm'
Khi trên mạng xã hội kêu gọi góp đồ ăn cho bà con, nhất là ở khu vực cách ly phong tỏa, anh Phạm Hữu Tình (ở quận Tân Bình, TP.HCM) liền xắn tay hỗ trợ mua sắm thực phẩm.
Biết thông tin gian bếp của câu lạc bộ doanh nhân trẻ Sài Gòn và bếp ăn "Suối mát từ tâm" cần người nấu ăn, anh đến đăng ký ngay.
Bếp nấu cả nghìn suất cơm nhưng chỉ có 1 người nấu chính, còn mọi người chỉ phụ nhặt rau, củ, quả, chia suất ăn.
Vốn đam mê nấu ăn, lại từng được đào tạo nên anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Những nồi thực phẩm cỡ lớn đều được anh xử lý "gọn nhẹ".
Anh Tình chia sẻ, dù công việc đứng cả ngày để nấu nướng rất vất vả nhưng nghĩ đến ý nghĩa của nó, anh lại thấy tinh thần hăng say hơn.
Ban đầu bếp dự tính nấu 1.000 suất/ngày nhưng số lượng đăng ký ngày một nhiều hơn nên có ngày bếp nấu tới 3.800 suất.
"Trước 1 ngày, bếp được báo số lượng cho ngày hôm sau. Có 2 người phụ trách mua thực phẩm, đảm bảo tươi sống, an toàn vệ sinh. Mỗi suất ăn có 1 món canh, 1 món mặn, 1 món xào. Các món mặn được làm đơn giản như tôm rim, thịt rang. Suất ăn hoàn chỉnh kèm theo nước uống, cà phê gói, trái cây (chuối, chôm chôm...), được tài trợ đóng sẵn nên đỡ vất vả hơn.
Hơn 40 người cùng chuẩn bị cho việc nấu nướng mỗi ngày. Riêng đầu bếp thì đứng từ sáng tới 7h tối. Có khoảng 7-10 người phải dậy từ 4-5h sáng để chuẩn bị vo gạo, xoong nồi. Mọi người phải cố gắng làm thật sớm vì đến 9h30 là phải có thức ăn bỏ vào hộp để chuyển đi cho kịp bữa trưa.
Buổi chiều thì nấu từ 12h. Đến 15h là thức ăn sẵn sàng đưa ra dây chuyền đóng hộp. 17h30 là phải hoàn tất để chuyển bữa tối đến các khu cách ly, phong tỏa", anh Tình nói về khung thời gian làm việc của nhóm mỗi ngày.
Theo chia sẻ của anh Tình, có nhiều gian bếp đã phải đóng cửa vì có F0. Vì vậy, để phòng bệnh, gian bếp nơi anh làm tình nguyện viên có những quy định nghiêm ngặt, không cho người ngoài vào. Cứ 3 ngày sẽ làm xét nghiệm cho những người tham gia gian bếp 1 lần.
Trong gian bếp có 2 đầu bếp chính, 4 đầu bếp phụ, 4 nhân viên dọn vệ sinh, dọn xoong nồi; còn lại là bộ phận chuẩn bị nhận thực phẩm chín từ bếp ra, chuẩn bị trái cây, nước uống cho từng phần cơm.
Một bộ phận gọi báo cho những nơi vận chuyển cần tiếp tế đến nhận trước 15 phút. Thực phẩm sẽ được đặt ra ở một bàn, khi nhân viên của bếp lui vào thì người nhận đến lấy thực phẩm mang đi, đảm bảo trong các buổi “giao dịch” đều không có tiếp xúc.
Cơm phát miễn phí nhưng thành viên nhóm tình nguyện vẫn cố gắng sắp xếp các món ăn gọn gàng, bắt mắt.
Ngày nào cũng làm từ 6h tới 19h, anh nói trước đây mình chưa từng làm việc với cường độ như vậy, thế mà giờ đây anh làm hàng ngày. Liên tục nhiều giờ đảo thực phẩm với những chiếc chảo hơn chục kg đồ ăn, một người bình thường chắc sẽ không chịu nổi.
"Có người vào đảo hộ thức ăn được 10-15 phút là nhức tay, nhức nách, liền vội xin rút. Để có sức khỏe, tôi phải tranh thủ luyện tập thể thao mới có thể làm được công việc như vậy", đầu bếp chính của "Suối mát từ tâm" chia sẻ.
Khoảnh khắc cay mắt không chỉ là nỗi xót xa
Sau giờ ở gian bếp, anh Tình lại tranh thủ cập nhật các thông tin của người kêu gọi hỗ trợ ở các hẻm phong tỏa, khu công nhân để phát thực phẩm cho họ. Những gói quà gồm gạo, muối, mắm, cá… được anh và bạn bè chuyển tới.
Buổi tối anh Tình lại đi trao thực phẩm cho người dân trong các khu vực bị phong tỏa.
Ngày 25/7, sau chuyến đi tới 12h khuya mới trở về, điều anh thấy ám ảnh, áy náy nhất là hoàn cảnh của nữ công nhân quê Nghệ An, trọ ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), giáp với tỉnh Bình Dương. Chị mới vào TP.HCM được hơn 1 tháng thì thất nghiệp khi TP thực hiện giãn cách xã hội. Vì chưa thông thạo đường, chị chỉ đường sai nên anh mất cả tối tìm kiếm mà không thể ra địa chỉ để giúp đỡ dù biết chị đang rất cần.
Trường hợp khác cũng khiến anh suy nghĩ nhiều là một công nhân ở xóm trọ cũng kêu gọi xin thực phẩm vì đã qua 20 ngày họ chỉ ăn mì gói.
Trong suốt thời gian rong ruổi hỗ trợ những người khó khăn, có những khoảnh khắc hạnh phúc cũng làm anh thấy cay mắt. Đó là khi nhận được những khoản hỗ trợ của bà con vùng núi trước đây anh từng đi thiện nguyện như ở Bắc Mê (Hà Giang) hay miền Trung, Tây Nguyên. Dù chỉ là vài triệu đồng nhiều người gom góp gửi anh mua thực phẩm nấu ăn cho người dân gặp khó khăn, chỉ mong cầu góp phần nhỏ giúp Sài Gòn bình an qua đại dịch cũng tiếp thêm động lực để anh nỗ lực hơn mỗi ngày.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự