Đó là công việc thầm lặng của nhóm Bếp Nhà Bảo 79 ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Công việc lặng thầm
Khi nghe thông tin TP.Nha Trang sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16, anh Nguyễn Văn Toàn, 40 tuổi, TP.Nha Trang, Khánh Hòa đã đi tìm hiểu một vài nơi. Tới những công viên trong Thành phố này, nhìn thấy những người nghèo không có nhà ở anh cho họ ít tiền.
Thế nhưng, sau khi hỏi đời sống của mọi người anh lại nghĩ bây giờ có tiền cũng không biết mua đồ ăn ở đâu do các hàng quán đóng cửa. Vì vậy, anh cùng cả nhóm để đã lên kế hoạch nấu cơm để trao đến tay những người nghèo.
Nói là làm, anh kêu gọi nhân viên trong quán của mình (anh đang kinh doanh quán cà phê nhưng đóng cửa khi có lệnh giãn cách xã hội), mỗi người một tay cùng nhau thực hiện cơm trưa miễn phí cho người nghèo. Và ngay trong ngày đầu Thành phố này thực hiện giãn cách (ngày 9/7), những suất cơm đầu tiên đã được trao cho người khó khăn.
Những hộp cơm được nhóm thực hiện để trao cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Toàn chia sẻ: “Đa phần những người lao động nghèo đến nhận cơm của bếp là những cô chú làm nghề xích lô, nhặt ve chai, vé số, ba gác, các cụ già neo đơn, người khuyết tật, xe ôm… Họ có đời sống khó khăn nên cả nhóm chỉ mong giúp đỡ họ được phần nào trong những ngày giãn cách do dịch bệnh”.
Bếp có 1 bếp chính, 2 bếp phụ cùng 9 tình nguyện viên tham gia chế biến, đóng gói và phát cơm.
Chị Phan Nguyễn Lệ Quyên, bếp chính cho biết: “Ở đây, mỗi người đều muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong dịch bệnh. Để đảm bảo chất dinh dưỡng cho bà con, thực đơn được thay đổi hàng ngày. Mỗi bữa đều có đủ món mặn, món canh, món xào”.
Anh Toàn kể, dù không kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân nhưng nhiều anh chị em biết việc anh làm nên ủng hộ lương thực, thực phẩm để bếp có thể tăng thêm suất ăn cho người nghèo.
Mỗi khi nhận được sự ủng hộ từ những tấm lòng thơm thảo ấy, anh đều công khai trên trang Facebook. Thực đơn mỗi ngày cũng được anh chia sẻ để mọi người cùng biết.
Trao gửi yêu thương
Tận dụng bếp của quán, các anh chị em chia nhau mỗi người một việc, người nấu, người phụ bếp, chia phần, ra hộp. Ban đầu mỗi ngày bếp thực hiện 70 suất cơm, sau có thêm sự góp sức, hỗ trợ từ các mạnh thường quân đến nay mỗi ngày bếp trao từ 100-130 suất cơm mỗi buổi trưa.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch và tuân thủ giãn cách xã hội, bếp đã lên kế hoạch và xin phép chính quyền địa phương thực hiện. Vào 7h30 sáng mỗi ngày số lượng phiếu sẽ được phát cho bà con tại địa chỉ 31 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Người đến nhận phiếu đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đứng giãn cách theo quy định. Trên mỗi phiếu có ghi rõ thời gian và địa điểm nhận cơm để tránh tập trung đông người.
Vào 7h30 sáng mỗi ngày phiếu sẽ được phát cho bà con.
Sau khi chia phần cơm xong, mọi người chia ra làm 5 nhóm đi phát cơm cho người dân.
Địa điểm và số thứ tự nhận ở đâu được thông báo rõ ràng. Người dân sẽ đến một trong 5 góc đường Huỳnh Thúc Kháng – Trần Bình Trọng, Võ Trứ - Hoa Lư, Võ Trứ - Trần Bình Trọng, Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Trãi, Võ Trứ - Mạc Đĩnh Chi để nhận cơm.
Những hộp cơm nghĩa tình giúp người nghèo thêm ấm lòng giữa mùa dịch.
Với những người lao động nghèo, người khuyết tật có thêm phần cơm như bớt thêm nỗi lo.
Nhận hộp cơm trên tay, ông Đặng Minh Đường (65 tuổi) xúc động chia sẻ: “Nhà có con cháu nhưng tụi nó cũng khó khăn lại ở xa, tôi đạp xích lô còn vợ tôi bán vé số kiếm sống qua ngày.
Thế nhưng dịch bệnh đến hai vợ chồng già không có gì làm, buổi trưa được nhận suất cơm trưa do các cháu cho tôi mừng lắm. Nhờ hộp cơm này mà vợ chồng tôi có thêm bữa no. Tôi thật sự rất cảm ơn”. Vừa nói ông vừa lấy tay quệt hai hàng nước mắt đang lăn dài.
Người đến nhận cơm đa phần là người nghèo, lao động tự do gặp khó khăn.
Còn cô Phạm Thị Kim Hoa làm nghề nhặt ve chai nhưng từ ngày giãn cách cũng chỉ có thể ở nhà. “Nhận hộp cơm về rồi hai vợ chồng chia nhau ăn. Mấy hôm trước hai vợ chồng chỉ ăn cơm nguội với cá khô hoặc nước mắm thôi nên có hộp cơm với đủ các món ăn như này tôi vui lắm”, cô Hoa chia sẻ.
Anh Toàn cho hay: “Có chú xích lô năm nay đã 86 tuổi, sống một mình. Mỗi ngày chú đi từ khu Hà Ra qua bên này để nhận cơm, nhìn thương lắm. Chính bởi những người mình giúp đỡ có hoàn cảnh khó khăn nên tôi cố gắng tiếp tục thực hiện bếp ngày nào hay ngày đó, để giúp đỡ bà con trong mùa dịch này”.
Anh mong có thêm điều kiện, để có thể làm thêm nhiều suất cơm đưa đến cho cả những người lao động nghèo trong những khu bị phong tỏa.
Anh Nguyễn Văn Toàn (bên trái) gửi phần cơm đến cho những người đạp xích lô.
Nhìn những suất cơm được trao đi, người nhận thêm bữa ngon cả nhóm có thêm động lực và niềm vui để tiếp tục công việc mỗi ngày. Mỗi phần cơm chứa đựng biết bao tấm lòng trao gửi, sẻ chia giúp người lao động nghèo, người vô gia cư thêm ấm lòng giữa mùa dịch.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự