TP.HCM đã hơn hai ngày (từ ngày 9-7), thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện giãn cách, UBND TP.HCM có lệnh cấm bán thức ăn mang về. Một số điểm phát cơm từ thiện cho người nghèo lo lắng chưa rõ việc phát cơm từ thiện sẽ được thực hiện như thế nào. Nếu việc ngưng phát cơm từ thiện khiến nhiều người nghèo rơi vào tình thế khốn khó hơn.
Trước đó, người đến quán Nụ Cười đứng giãn cách theo vạch kẻ, chờ tới lượt nhận cơm. Ảnh: NT
Bà Phan Thị Châu (Chủ nhiệm các quán cơm tương trợ 2.000 đồng Nụ Cười 1, 2, 6) cho biết, ngay từ đầu dịch đến giờ bà phải xoay sở nhiều cách để tiếp tục duy trì quán cơm Nụ Cười giúp người nghèo có bữa ăn trong những ngày dịch bệnh kéo dài. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp bên quán cơm chỉ phát mang về và luôn tuân thủ các biện pháp 5K để bảo đảm an toàn cho người nhận và cả người phát cơm.
Bà Châu chia sẻ: "Những ngày TP thực hiện Chỉ thị 16, tôi rất lo cơ quan chức năng đến không cho phát cơm nữa. Càng lo hơn là nếu tôi ngưng thì nhiều người nghèo sẽ không có gì để ăn. Dịch kéo dài nhiều người không làm gì ra tiền, không phát cơm thì họ sẽ đói. Hiện tôi đã liên hệ với quận 5 và đã thống nhất cách phát cơm. Theo đó, cán bộ phường, quận sẽ phát những phần cơm của quán nấu đến tận nơi cho người dân nghèo, khó khăn trên địa bàn".
“Việc phát cơm chúng tôi cũng chỉ yêu cầu cán bộ lập danh sách những nơi nhận. Bởi có danh sách điểm phát chúng tôi yên tâm rằng những phần cơm được phát sẽ đến tay người khó khăn. Theo dự kiến, mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 7 quán Nụ Cười 1 sẽ giao cho các phường ở quận 5 là 570 suất cơm để phát cho người dân”- bà Châu thông tin.
Ông Võ Thành Tới, Chủ tịch UBND phường 14, quận 5 cho biết: "Quận 5 đang phối hợp với quán cơm Nụ Cười 1 để tổ chức phát cơm miễn phí cho người dân trên địa bàn. Hiện các phường đang lập danh sách những người khó khăn để được nhận cơm hàng ngày từ quán Nụ Cười 1".
Tuy nhiên, điều bà Châu lo lắng nhất là những nghèo người đến với quán Nụ Cười lâu nay không chỉ ở trên địa bàn phường 14 mà ở rải rác nhiều nơi khác. Số người trên địa bàn phường thì sẽ có lực lượng đưa cơm đến cho họ. Riêng với số vãng lai ở các nơi thì chưa biết cách nào để đưa cơm đến được với họ.
Trước đó, chiều ngày 10-7, trao đổi với PLO, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng TP đang trong đang thời điểm thực hiện Chỉ thị 16, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên việc tụ tập đông người là sai với quy định giãn cách. Nhiều bếp ăn cũng đã ngưng phát cơm, phần vì sợ người dân đến nhận cơm sẽ tập trung đông người; hoặc nếu di chuyển xuống tận nơi phát thì cũng vi phạm về viêc di chuyển, tiếp xúc giữa người này với người kia.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM mong muốn các bếp ăn, các điểm phát thức ăn thiện nguyện có thể phối hợp cùng với hệ thống Mặt trận các cấp phường, xã, thị trấn hay các quận, huyện để cùng nhau thực hiện.
Theo bà, việc kết hợp với hệ thống Mặt trận các cấp sẽ giúp cho các bếp ăn, điểm phát cơm từ thiện có một “tấm vé thông hành” khi TP bước vào cao điểm thực hiện giãn cách.
"Các điểm phát cơm, bếp ăn từ thiện muốn mở cửa để nấu cho người nghèo, chúng tôi luôn hoan nghênh; nhưng hãy báo với Mặt trận ở cấp đó rằng hôm nay sẽ nấu và phát, số lượng bao nhiêu. Mặt trận sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều phương thức, huy động lực lượng thanh niên, đoàn viên, hội viên mang thức ăn xuống cho người dân hoặc tổ chức phát tại chỗ nhưng sẽ có hướng dẫn người dân lên lấy cơm theo từng giờ, từng đợt, đảm bảo quy định phòng dịch"- bà Hương nói.
Tại buổi làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch vào sáng 11-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng thành phố cần lưu ý đời sống người dân, nhất là người nghèo, người cơ nhỡ phải nhận được sự hỗ trợ thiết thực đến tận tay, không để ai thiếu bữa, cần tạo điều kiện cho các điểm cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo hoạt động an toàn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự