Sữa mẹ “người dưng” - Chuyện ấm lòng giữa tâm dịch

Thứ năm - 08/07/2021 03:37
Em bé chào đời trong bệnh viện điều trị Covid-19 và được “tiếp sữa” bởi những “người mẹ” chưa từng gặp mặt ở Quảng Ngãi đã lan tỏa thông điệp yêu thương, sẻ chia giữa tâm "bão" dịch.
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 1)
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 1)
Ca mổ đẻ ở phòng mổ “dã chiến”
 
12 giờ 30, bệnh nhân 16249 (sinh năm 1995, ngụ phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) hạ sinh bé gái 3kg bằng phương pháp mổ đẻ. Đây là em bé chào đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, ngay tại Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 1, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn).
 
“Sáng 30/6, lãnh đạo Sở Y tế gọi điện báo tin có sản phụ là F0 chuyển dạ đang được chở ra Bệnh viện và yêu cầu anh em chuẩn bị để mổ. Lúc ấy, mình khá lo lắng vì cơ sở vật chất ở đây còn thiếu thốn. Bệnh viện chỉ vừa thành lập trên cơ sở trưng dụng cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, sợ không đủ bố trí cho ca mổ”, bác sĩ Võ Hùng Viễn- Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 1) nhớ lại.
 
Sau cuộc điện thoại trên, bác sĩ Viễn liền kết nối với sản phụ để nắm sơ bộ thông tin về tình hình sức khỏe và quyết định nhờ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh chi viện lực lượng hỗ trợ.
 
“Bệnh viện chỉ chuyên điều trị Covid-19, do đó phải nhờ Bệnh viện Sản - Nhi hỗ trợ. Họ điều ê kip 6 người xuống, mình ở dưới này thì chuẩn bị vật dụng, phương tiện, lo vòng ngoài”, bác sĩ Viễn kể.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - người trực tiếp mổ lấy thai cho sản phụ vẫn nhớ như in thời điểm nhận lệnh cho đến khi ca mổ thành công.


“Khi nhận lệnh lên đường, lúc đầu chúng tôi bất ngờ và lo lắng vì không có bất kỳ tin tức gì về sản phụ cũng như không biết đơn vị tiếp nhận sản phụ có đủ trang thiết bị để phục vụ ca mổ này hay không. Sau khi bàn bạc, ê kip kỹ lưỡng, thống nhất phương án xin lãnh đạo cơ quan bố trí phương tiện để vận chuyển một số trang thiết bị theo cùng, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”, bác sĩ Lĩnh cho biết.

 
Khi đến nơi, biết bệnh viện điều trị Covid-19 không có phòng mổ, ê kip nhanh chóng tản ra, tận dụng tất cả những gì có thể dùng được để thiết lập một phòng mổ “dã chiến”, đồng thời điều thêm một xe cứu thương khác chở dụng cụ từ TP Quảng Ngãi ra bổ sung.
 
11 giờ 40 phút cùng ngày, chiếc xe sở sản phụ mắc Covid-19 ra đến bệnh viện điều trị Covid-19 sau khi vượt quãng đường dài gần 100 cây số. Ngay lập tức, các y, bác sĩ lấy mẫu máu của sản phụ để xét nghiệm rồi nhanh chóng đẩy vào phòng mổ. Sau khi kiểm tra sức khỏe, dò hỏi tiền sử bệnh, ê kíp quyết định thực hiện biện pháp mổ lấy thai. Khoảng 12 giờ 30, ca mổ hoàn tất; sản phụ đón con gái chào đời với cân nặng 3kg.
 
1
Em bé là con của sản phụ mắc Covid-19 chào đời bằng phương pháp mổ đẻ. (ảnh HV)

“Tim em bé đập nhanh, có dấu hiệu suy tim, ê kíp phải chăm sóc tích cực. Thật may mắn, chỉ ít phút sau sức khỏe của bé dần ổn định. Áp lực như được trút bỏ, với chúng tôi, khoảnh khắc ấy thật đáng nhớ, như vừa trải qua một trận chiến đầy cam go ngay giữa thời bình. Hiện giờ 2 mẹ con đang được điều dưỡng của ê kip chăm sóc”, bác sĩ Lĩnh xúc động.
 
Giám đốc và nhân viên bệnh viện điều trị Covid-19 đi xin sữa
 
Niềm vui em bé chào đời an toàn kéo dài chưa lâu thì một nỗi lo khác lại xuất hiện: Thiếu sữa mẹ!
 
Sản phụ vừa mới sinh nên sữa chưa kịp về, lại buộc phải cách ly, điều trị Covid-19 nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé được nhân viên y tế đảm nhận. Để có nguồn sữa mẹ nuôi em, thông qua mạng xã hội, các y, bác sĩ bệnh viện đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.
 
.1
 Chuyển sữa mẹ nuôi em bé qua hàng rào cách ly của bệnh viện điều trị bệnh Covid-19. (ảnh CTV)
 
Vừa nghe thông tin có một em bé chào đời đang cần nguồn sữa vì mẹ là bệnh nhân Covid-19, buộc phải cách ly, điều trị, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (26 tuổi, ở Sa Kỳ, Bình Châu, Bình Sơn), đang nuôi con bằng sữa mẹ nhanh chóng quyết định sẽ "tiếp sữa", nuôi dưỡng con của sản phụ.
 
“Hôm nghe tin em bé vừa sinh khát sữa, lại đang ở trong khu vực cách ly, cảm giác bất an, lo lắng cho sức khỏe của bé khiến mình day dứt không nguôi. Mình cũng là mẹ, cũng đang nuôi con nhỏ nên trong lòng cứ thôi thúc phải làm gì đó để giúp em bé”, chị Hồng cho hay.
 
Nhà ở cách bệnh viện điều trị Covid-19 hơn 20km, mỗi lần vắt sữa xong, chị Hồng cho vào dụng cụ bảo quản rồi mới đưa chồng chạy xe máy mang đi. Để có nguồn sữa tiếp cho bé lúc cấp thiết, chị còn trữ sẵn sữa trong tủ bảo quản tại nhà, nếu người trong khu cách ly gọi báo là có ngay nguồn tiếp ứng.
 
Theo bác sĩ Viễn, chỉ trong thời gian ngắn phát đi "thông điệp" xin sữa, rất nhiều số máy lạ gọi tới đăng ký cho sữa. Từ đó, một lượng sữa lớn được tiếp nhận và cấp đông dể dùng dần. Hiện mẹ em bé cũng đã có sữa nên nguồn sữa cho bé rất dồi dào, không lo bị thiếu.
 
1
 Những bịch sữa mẹ từ những người chưa quen biết được chuyển tới nuôi con của bệnh nhân mắc Covid-19.(ảnh CTV)
 
“Chúng tôi thật sự xúc động trước việc làm nhân văn, cao cả của những người không quen mặt, không biết tên. Nó là sự tương trợ, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn", bác sĩ Viễn chia sẻ.
 
Theo bác sĩ Lĩnh, đến nay chưa có khuyến cáo nào về việc SARS-CoV-2 lây qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ mắc Covid- 19 thì phải cách ly để ngừa lây nhiễm. Trong trường hợp này, con không thể bú mẹ trực tiếp thì sản phụ vẫn có thể vắt sữa để nuôi con.
Theo Kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây