TPHCM: Lan tỏa tình yêu thương trong tâm dịch

Chủ nhật - 27/06/2021 12:04
Giữa tâm dịch, những người dân TP.HCM đã có những việc làm thiết thực để kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với những người khó khăn hơn mình.
Trao quà cho người bán vé số tại quận Tân Phú.
Trao quà cho người bán vé số tại quận Tân Phú.
Đã gần một tháng kể từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại, chỉ duy trì những hoạt động, sản xuất thiết yếu. Cuộc sống của những người lao động thu nhập thấp trở nên vất vả hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, giữa tâm dịch, những người dân TP.HCM đã có những việc làm thiết thực để kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với những người khó khăn hơn mình.

Để không ai bị bỏ đói

Khoảng 20 giờ tối mỗi ngày, sau khi kết thúc ca làm việc, nhóm bạn trẻ có tên “Sài Gòn đêm” lại gặp nhau, phân chia những gói quà nhỏ gồm sữa, bánh để đem tặng cho người dân dọc các con đường của nhiều quận, huyện mà nhóm đi qua. Nhóm chọn những thực phẩm có thể để từ 3-4 ngày cho những người bán vé số, vô gia cư có thể cầm theo mà không sợ bị hỏng.

Anh Nguyễn Vương Trường Thành, trưởng nhóm “Sài Gòn đêm” cho biết, việc đi lại giữa mùa dịch dù có chút e ngại nhưng với mong muốn giúp những người lao động khó khăn không bị bỏ đói nên nhóm đã phòng dịch, phân chia lịch sao cho hợp lý, chưa bỏ một buổi nào từ đầu những ngày dịch đến giờ.

“Lực lượng tham gia đa số là tình nguyện viên từ 25-35 tuổi. Tụi mình vận động mạnh thường quân trên mạng xã hội. Đầu mùa dịch đến giờ tụi mình mỗi ngày phát khoảng 100-200 phần ăn. Mình chia từ 1-2 xe phụ trách 1-2 quận và chia ra để đi khắp các quận" - Anh Trường Thành cho biết.
 
1
Nhóm Đêm Sài Gòn trao quà cho người bán vé số.
 
Nhận hộp sữa và gói bánh mà nhóm của Thành tặng, ông Bùi Ngọc Tuấn (60 tuổi) quê ở Quảng Nam cho hay: Phần quà này sẽ giúp ông không bị đói trong những ngày dịch dã này. Ông Tuấn đã ngủ ở vỉa hè gần 2 tháng nay vì khó khăn, thu nhập không đủ để trả tiền trọ, ăn uống thì ai cho gì ăn nấy. Một mình mưu sinh ở TP bằng nghề bán vé số, tối đến chọn một mái hiên cửa hàng nào đó rồi mắc võng ngủ đến sáng.

“Tôi ở đây, mưa cũng ở đây, treo võng ngủ. Tôi không có đủ tiền để thuê nhà, bán vé số ế quá, 100 tờ/ngày bán không hết. Hồi trước có thuê nhà nhưng ở một thời gian chịu không nổi vì không đủ tiền. Trước ở quê cũng chỉ làm ruộng thôi" - ông Tuấn bày tỏ.

Thiếu thì lấy, đủ thì góp


”Nếu bạn thiếu hãy lấy tự nhiên, nếu bạn đủ hãy góp một chút nhé” là thông điệp mà anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam - chủ nhân của chiếc tủ lạnh cộng đồng đặt tại số 100 đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ đến những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
1
Người dân đến nhận phần ăn trưa đều xếp hàng, đeo khẩu trang và giãn cách.
 
Mỗi ngày, chiếc tủ lạnh cộng đồng này luôn đầy các nhu yếu phẩm như rau, củ quả, thịt, trứng, cá … để phục vụ người dân, ai cần cứ đến lấy hoặc ai muốn cho thì có thể bỏ vào. Những ngày qua, tủ lạnh cộng đồng thu hút rất nhiều nguồn ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm gửi về. Thế nên, ngoài việc bỏ thực phẩm vào tủ lạnh, anh và các tình nguyện viên còn chia nhỏ thực phẩm thành từng túi để đi phát tặng người dân.

Anh Khởi chia sẻ: "Chúng tôi muốn nguồn thực phẩm có sự thuận tiện trong việc cho và nhận, mọi người sẽ đến nhận thực phẩm và xa hơn chúng tôi muốn đưa đến việc chống lãng phí thực phẩm. Sau khi hết dịch, những tủ lạnh cộng đồng này sẽ được duy trì những nơi công cộng, tại các khu dân cư để các cư dân có thể bỏ thực phẩm vào trao đổi, nó giống như một ống heo cộng đồng”.

Cùng với đó, mô hình "Bếp yêu thương" cũng được doanh nghiệp xã hội này tổ chức hằng ngày, không chỉ tại địa điểm này mà còn khắp các quận, huyện khác của TP. 200 tình nguyện viên "Bếp yêu thương" của Food Bank Việt Nam nấu và phát khoảng 10.000 suất/ngày cho người lao động nghèo.

 
1
Tình nguyện viên của Bếp yêu thương hỗ trợ đóng gói các suất ăn.
 
Chị Bùi Thị Hạnh, quê ở Quảng Ngãi, một trong số những tình nguyện viên vui vẻ tâm sự: “Trong lúc mình đi bán hàng rong vì dịch nên nghỉ, mấy chị đi làm ở chỗ này rồi nên rủ đi làm luôn. Mình ở đây phụ gọt, làm rau, xong thì bỏ trứng mang ra tủ lạnh, lúc thì phát đồ bên ngoài. Nói chung cũng vui vì mình giúp được người ta, những người khó khăn".

Bà Nguyễn Diệu Thúy, quê ở An Giang đã phải đóng gánh hàng rong của mình từ nhiều ngày nay vì dịch bệnh. Bà cảm thấy may mắn khi có những nơi phát cơm như thế này để bà có thể cầm cự qua những ngày khó: “Mình ở dưới quê lên thì phải thuê nhà để ở, bây giờ dịch như thế này mình không buôn bán được, thành ra mình cũng khó khăn lắm. Mỗi người được một suất cơm như thế này, mình mừng lắm vì một suất cơm chứa bao nhiêu tình thương được người ta gửi gắm cho mình”.
 
1
Người dân đến lấy thực phẩm đều phải tuân thủ việc giãn cách, không tập trung đông.
 
Những món quà của nhóm "Sài Gòn đêm", những suất cơm của "Bếp yêu thương" hay những túi thực phẩm từ chiếc tủ lạnh cộng đồng chỉ là một vài trong hàng trăm cách mà những nhà hảo tâm ở TP.HCM đang làm để hỗ trợ nhau trong mùa dịch. Khắp nơi trong Thành phố, nhất là ở các khu phong toả, điểm cách ly... đâu đâu cũng có những phiên chợ 0 đồng, những gian hàng thực phẩm miễn phí do chính người dân mở ra để chia sẻ với nhau. Họ chính là những người đang lan tỏa ngọn lửa yêu thương trong tâm dịch.
Theo Vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây