Những bữa cơm ấm lòng tặng người khó khăn trong dịch ở TP.HCM

Thứ tư - 23/06/2021 11:59
Những điểm phát cơm từ thiện, quán ăn 0 đồng là nơi tiếp thêm động lực, san sẻ gánh nặng cho người dân trong giai đoạn khó khăn.
Những bữa cơm ấm lòng tặng người khó khăn trong dịch ở TP.HCM

TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 31/5. Dịch bệnh bùng phát, không ít người lao động rơi vào cảnh mất việc, thu nhập giảm sút, cuộc sống cũng bị xáo trộn ít nhiều.

Với mong muốn chia sẻ khó khăn, cùng cộng đồng vượt qua mùa dịch, nhiều quán ăn 0 đồng, nhóm thiện nguyện ở TP.HCM đã trao hàng nghìn phần cơm miễn phí đến những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Những suất cơm tình nghĩa

“Còn đúng một phần, bà ăn ngon miệng nha”, anh Nguyễn Anh Tài (sinh năm 1984), chủ một quán ăn 0 đồng ở đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM), vừa nhanh tay trao những phần cơm miễn phí đến người dân vừa kiểm tra số lượng còn lại.

Đều đặn 12 ngày nay, anh Tài và các nhân viên cùng nhau dậy sớm nấu 800 suất ăn. Đến khoảng 10h hơn, anh phân chia số lượng rồi chuyển đến trụ sở khu phố để phát cho bà con trong khu vực.

“Khu vực quán khá nhỏ, tôi sợ bà con tập trung đông đúc ở đây sẽ lây lan virus nên gửi cho lực lượng dân quân phát phụ. Như vậy, mọi người vừa có cơm trưa ngon vừa đảm bảo an toàn”, anh Tài nói với Zing.

Chủ quán cơm chia sẻ chứng kiến nhiều gia đình “đứt bữa” trong mùa dịch, anh quyết tâm tổ chức hoạt động này để giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực đơn được thay đổi theo từng ngày. Ngoài đủ thịt, đủ rau, các suất cơm còn kèm thêm trái cây để đảm bảo chất dinh dưỡng. 100% kinh phí do anh Tài và một số anh em trong gia đình góp lại.

1
Hoạt động này sẽ được duy trì hoạt động này lâu dài. Ảnh: Phương Thảo.

Xót xa trước tình hình nhiều quán cơm từ thiện ngưng hoạt động trong dịch, bếp ăn từ thiện của ông Huỳnh Tuấn (thường gọi là ông Ba Trầu, 70 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) quyết định tăng cường các suất ăn dành cho các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người nghèo đang điều trị nội trú tại một bệnh viện ở quận 8.

Theo ông Ba Trầu, việc phát cơm diễn ra quanh năm và đặc biệt được đẩy mạnh kể từ mùa giãn cách xã hội năm ngoái. “Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ mong giúp người khác được bữa ăn đàng hoàng. Họ mất công ăn việc làm nên khổ lắm, tôi chỉ mong san sẻ được phần nào cùng bà con”, ông cụ bộc bạch.

Mỗi ngày, bếp đỏ lửa từ 4h. Nhân lực chủ yếu là láng giềng của ông Ba và các tình nguyện viên đến từ nhiều nơi.

“Bản thân tôi cũng chỉ là người bán hàng rong, nhiều anh chị khác cũng vậy nhưng giúp cộng đồng được bao nhiêu chúng tôi cố gắng bấy nhiêu. Hôm nào khá tôi góp thịt, cá, khi kém hơn tôi gửi gạo hoặc dùng sức để phụ giúp mọi người. Cực một chút, nhưng vui cả ngày”, chị Đỗ Thị Tưởng (sinh năm 1969, quận 5), tình nguyện viên lâu năm của bếp, trò chuyện với Zing.

“Ngày nào chúng tôi cũng chuẩn bị hơn 1000 suất rồi chia về các quận, phần còn lại phát trước cổng bệnh viện. Mỗi phần cơm đều nhiều thức ăn để đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong mùa dịch”, chị nói thêm.

1
Mong muốn của ông là duy trì hoạt động phát cơm từ thiện lâu nhất có thể và tăng dần số lượng để đáp ứng nhu cầu của bà con.

“Bớt bát cơm” cho người khó khăn

Tầm 15h, không khí tại nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) của chị Ngô Mỹ Dung (sinh năm 1982) hối hả và nhộn nhịp hơn hẳn. Mọi người đang tập trung để hoàn thành gần 2000 phần cơm tối miễn phí cho người dân trong mùa dịch.

Hướng mắt về những phần cơm đang được xếp vào túi lớn, chị Dung nói: “Chút nữa sẽ có các tình nguyện viên đến nhận rồi chở về các quận. Chúng tôi có tổng cộng 12 điểm phát tập trung, chủ yếu hướng đến khu vực nhiều người lao động nghèo, người vô gia cư và tiếp tế cho khu vực bị phong tỏa”.

Từ khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, chị Mỹ Dung tổ chức nấu và phát cơm miễn phí mỗi ngày. Ban đầu, chị chỉ định làm 500 phần vì không có nhiều nhân lực hỗ trợ. Những ngày sau, nhận được sự ủng hộ từ bạn bè và mạnh thường quân, chị quyết định tăng dần số phần ăn.

“500 phần, 1200 phần, rồi hôm nay chúng tôi ‘cán mốc’ 2000 phần cơm canh. Con số này không quá lớn so với nhu cầu thực tế, nhưng đây là sự nỗ lực và tình cảm mà chúng tôi muốn gửi đến những người đang cần được giúp đỡ”, chị bộc bạch.

1

Công tác chuẩn bị thức ăn của chị Dung cùng các cộng sự bắt đầu từ 6h.

Thực đơn đa dạng với các món như thịt kho trứng, mực xào sả ớt cùng các món canh, ngoài ra còn có cả bò kho ăn cùng bánh mì.

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, chị Dung và các thành viên trong nhóm luôn nhắc nhở bà con đeo khẩu trang, xếp hàng ngay ngắn cũng như cố gắng phát nhanh tay nhất có thể để hạn chế tập trung đông người.

Dù vậy, người đến nhận cơm luôn đông hơn dự kiến nên dẫn đến tình trạng chen lấn, khó kiểm soát. Vì thế, chị nảy ra ý tưởng “vẽ” các ô màu trên vỉa hè để duy trì khoảng cách an toàn và được bà con ủng hộ nhiệt tình.

“Tôi muốn bà con vừa được ăn no, vừa đảm bảo sức khỏe để cùng nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ nấu và phát các phần ăn đến khi hết giãn cách xã hội. Người dân còn cần, chúng tôi còn nấu, đó là điều chắc chắn”, chị Mỹ Dung vui vẻ chia sẻ với Zing.

Tương tự chị Dung, nhìn thấy dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, anh Nguyễn Thế Mỹ, chủ tiệm cơm chay trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10, TP.HCM), cũng quyết định tăng thêm hàng trăm suất cơm miễn phí để giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn.

Anh Mỹ cho biết trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm của anh đã duy trì hoạt động phát cơm từ thiện hàng ngày, đến nay đã được 5 năm. Song số lượng chỉ dừng lại ở khoảng 50-100 suất.

Khi TP.HCM có lệnh giãn cách xã hội, anh cùng bạn bè và các tình nguyện viên lên kế hoạch nấu thêm 400 phần ăn để giúp đỡ được nhiều người hơn.

1
 

1

“Chúng tôi cũng muốn nấu nhiều hơn nhưng do nguồn lực không đủ nên mỗi ngày chỉ làm 500 suất ăn. Nhiều khi phát hết rồi người sau đến nhận không có tôi thấy cũng xót lắm”, anh Mỹ chia sẻ. Ảnh: NVCC.

Nhóm của anh Mỹ bắt đầu phát cơm từ 10h, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo biện pháp an toàn trong mùa dịch. Ngoài kinh phí do nhóm tự bỏ ra, hoạt động còn được giúp sức bởi UBND phường, Ủy ban MTTQVN quận 10 và Hội Pháp Hoa chùa Ấn Quang.

“Đây là lòng hảo tâm của nhóm với mong muốn san sẻ, chia bớt gánh nặng với bà con khó khăn. Hy vọng dịch bệnh sắp được dập tắt để cuộc sống mưu sinh của bà con trở lại bình thường”, anh Mỹ nói thêm.

Theo Zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây