Những ngày qua, vườn lan của chị Nguyễn Hà Mai Thảo (SN 1987, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) luôn tất bật. Thảo cùng nhân viên bận rộn chuẩn bị giá thể, sang chậu mới cho các cây lan phi điệp để giao cho khách trong chương trình "Đổi lan rừng lấy nhu yếu phẩm làm từ thiện".
Từ ngày Thảo cùng anh trai là Nguyễn Hà Anh Tuấn (SN 1985, chủ một công ty bất động sản) triển khai chương trình, việc thường xuyên có người chở 2, 3 thùng nước lọc, mì tôm tới đổi lan hay những chuyến xe bán tải chở các giò lan đi rồi chở về đầy ắp những thùng mì tôm, nước lọc, khẩu trang... đã trở nên quen thuộc với mọi người trong khu.
Thảo (bìa phải) cùng nhân viên làm giá thể mới, sang chậu để giao lan cho khách. Chỉ cần biết tưới nước đúng cách, những giá thể mới này có thể giúp lan sống tốt trong 2 năm.
Vì nhiều khách mua ủng hộ chương trình là những người chưa biết hoặc mới tập chơi lan nên Thảo rất tỉ mỉ trong việc sang chậu và hướng dẫn khách.
Theo Tuấn, những chậu lan rừng phi điệp này được chăm sóc và thuần dưỡng ở vườn khoảng 3 năm và đều chưa ra hoa. Mỗi chậu có giá thị trường từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, cá biệt, có chậu giá đến vài triệu.
Tuy nhiên, trên trang facebook cá nhân, Thảo thường xuyên "rao bán" và "chốt" lan cho khách hàng với giá không phải tính bằng tiền mà tính bằng thùng nước, thùng mì hay thùng khẩu trang...
Thảo và Tuấn hướng dẫn cách chăm lan cho những khách mang mì tôm, nước lọc đến đổi lan tại vườn.
Ý tưởng này được Thảo và Tuấn ấp ủ và triển khai khi Đà Nẵng bùng đợt dịch thứ 4 vào đầu tháng 5/2021. "Lúc đầu, mình chủ yếu hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang, bán vé số; sau này, mở rộng hỗ trợ thêm các chốt kiểm dịch, khu phong tỏa", Thảo nói.
Chỉ cần lên facebook chốt lan, người mua có thể tự mua mì hoặc nước lọc mang đến đổi hoặc Thảo sẽ cử nhân viên ship lan đến tận nhà và thu nhu yếu phẩm về. Nhiều người chơi lan ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Trị, Điện Biên... cũng biết đến và đặt ủng hộ.
Các chậu lan đã được khách "chốt" sẽ được thay chậu, xếp vào một khu. Trên mỗi chậu ghi chú cẩn thận tên khách và giá trị của giò lan là bao nhiêu thùng nước, thùng mì...
Từ đầu đợt dịch đến nay, chương trình đã đổi hơn 1.500 chậu lan rừng lấy hàng trăm thùng mì tôm, thùng nước lọc, thùng khẩu trang để hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
"Biết mình làm vậy, nhiều người cũng nói sao không bán lấy tiền rồi đi làm từ thiện, hay làm vậy sẽ giảm giá trị cây lan. Quy cây lan giá cả triệu bạc ra thùng mì hay thùng nước, mình là người chịu thiệt.
Những thùng mì tôm, nước lọc quyên góp được trong chương trình được Thảo cùng các nhân viên mang đến tặng chốt kiểm soát, khu phong tỏa.
Tuy nhiên, điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng mình lan tỏa được tinh thần sẻ chia, "lá rách ít đùm lá rách nhiều", để những người không giàu có vẫn có thể góp chút sức hỗ trợ chống dịch bằng việc mua thùng mì, mua thùng nước mang đến để đổi lan", Thảo nói.
Hiện, vườn lan còn khoảng 1.500 chậu lan chưa đổi. Mỗi ngày, Thảo vẫn đều đặn đăng status bán lan lên facebook với kì vọng cứ 3 - 5 ngày có thể vận chuyển một chuyến hàng nhu yếu phẩm hỗ trợ các chốt kiểm soát và khu phong tỏa.
Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục đổi lan lấy lương thực, thực phẩm để hỗ trợ các hộ đang sống trong khu phong tỏa.
"Tôi cũng hi vọng chương trình sẽ lan tỏa tinh thần sẻ chia đến tất cả mọi người, để tất cả cùng chung tay ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch. Chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi đổi nhiều phần hàng lương thực, thực phẩm để hỗ trợ khu cách ly, đồ dùng y tế để hỗ trợ tuyến đầu trong thời gian tới", Tuấn nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự