“Cô nuôi trẻ” thành “cô nuôi cách ly”
Kể từ khi bếp ở điểm trường tiểu học Tô Hiến Thành (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) thành nơi nấu ăn cho các khu cách ly, cô Nguyễn Thị Hải (thôn Vĩnh Xá, xã Lưu Vĩnh Sơn) đã tình nguyện xin vào làm bếp trưởng.
Cô Hải, vốn là “cô nuôi” nấu ăn cho học sinh ở trường tiểu học Tô Hiến Thành. Biết tin nhiều công dân địa phương phải đi cách ly tại khu cách ly phòng dịch COVID-19, cô gác hết công việc gia đình, xung phong tham gia nấu cơm. Kể từ ngày 9/6 đến nay, gian bếp nhỏ phía sau trường không ngày nào ngừng đỏ lửa.
Những ngày tháng 7, gian bếp lúc nào cũng nóng. Dù tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, cô Hải vẫn cố gắng làm nhanh những suất cơm nóng hổi kịp giờ ăn cho người đang cách ly.
Cô Hải (áo trắng) cùng các giáo viên khác chia cơm để đưa vào khu cách ly.
Công việc của cô bắt đầu từ 5h sáng, cứ nối tiếp xong bữa sáng lại loay hoay chuẩn bị bữa trưa rồi bữa tối. Kết thúc một ngày làm việc vào lúc 6h tối. Ở gian bếp này, ngoài bếp trưởng, mỗi ngày có 3 giáo viên tại các trường khác nhau phân công đến hỗ trợ nấu cơm.
Cứ hết cách ly 21 ngày lại tới lượt người khác. Lần cách ly đợt 1 có 60 người, còn đợt này giảm xuống còn 40 người. Mỗi ngày bếp cô Hải cùng chuẩn bị 3 bữa ăn, từ 120-180 suất cơm/ngày.
Đến nay, cô cùng các giáo viên đã tham gia nấu hơn 5.000 suất cơm cho người đang cách ly trong khu cách ly. Cô nói, sẽ đảm nhận nhiệm vụ này cho tới khi hết người trên địa bàn phải thực hiện cách ly tại các điểm cách ly chống dịch COVID-19.
“Thực ra tôi làm việc này cả tháng trời như vậy là may mắn có chồng, con đều ủng hộ. Tôi muốn góp chút công sức nhỏ của mình vào những suất cơm để hỗ trợ cùng phòng chống dịch COVID-19”, cô Hải chia sẻ.
Công việc “làm dâu trăm họ” khá khó, nhưng cô Hải cùng các giáo viên trong khu bếp vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu đến mức cao nhất. Như trong khu cách ly có 3 cháu bé vì thế phải chăm sóc đặc biệt hơn từ bát cháo, hộp sữa. Bên ngoài những suất cơm cô dán số điện thoại lên để nhận những phản hồi của người cách ly về bữa cơm.
“Chúng tôi phải thường xuyên thay đổi thực đơn để phù hợp với người dân. Ví dụ như những cháu bé, không ăn được cơm, dù một suất nhỏ chúng tôi vẫn sẵn sàng nấu cho cháu. Đây là sự sẻ chia cùng nhau trong đợt dịch này”, cô Hải chia sẻ.
“Hậu phương” của F….
Hơn 1 tháng tình nguyện tham gia nấu cơm cho công dân cách ly, cô Hải trăn trở, tìm mọi cách để giảm chi phí cho người cách ly, nhưng cũng đảm bảo đủ món, đủ chất dinh dưỡng. Cô tỉ mỉ từ khâu chọn thực đơn rồi lặn lội chạy xe máy ra chợ trung tâm thay vì đi chợ “cóc” gần trường. Vì chợ xa, cô phải dậy từ 5h sáng để mua được những thực phẩm tươi, sạch.
Sau khi thực phẩm được chuẩn bị đầy đủ, cô Hải cùng các giáo viên khác chia nhau sơ chế thực phẩm, người làm rau, người nấu canh, kho thịt… Nấu xong lại cẩn thận đóng gói vào những chiếc hộp nhỏ rồi thay nhau chạy xe máy chở cơm đến khu cách ly. Mỗi ngày việc thu chi cho các bữa ăn cô đều ghi chép và báo cáo đầy đủ.
Những suất cơm được chuẩn bị để đưa vào cho người đang cách ly trong khu cách ly.
Kể từ ngày đảm nhận nhiệm vụ bếp trưởng ở đây, cô về nhà lúc 6h tối. Chỉ kịp ăn vội bữa tối rồi lại tận dụng thời gian này để ra đồng đi cấy cho kịp vụ mùa, đội đèn bón phân cho cây. Có những hôm ngồi tráng bánh đến tận 12h đêm mới ngủ.
“Đêm nào cũng tranh thủ làm việc để sáng mai dậy sớm đi chợ, hôm đội đèn bón phân cho cây, hôm đội đèn đi cấy lúa cho kịp. Cố gắng cân đối cả hai công việc, nhiều lúc cũng rất mệt, có hai hôm suýt ngất xỉu. Nhưng được mọi người động viên nên cũng cố gắng tiếp tục”, cô Hải chia sẻ.
Trong đợt hỗ trợ nấu ăn này có nhiều giáo viên cùng tham gia.
Cô Hải có 3 người con. 2 người con đầu đi làm và đi học xa, con gái út cuối cấp lo việc học, chồng làm nghề xây dựng nên mọi việc trong nhà cô cố gắng quán xuyến hết. Tháng 7 này cô hứa đi nhận bằng cùng cô con gái đầu và đưa bé út đi thi Tốt nghiệp THPT, nhưng vì tham gia nấu ăn nên không thực hiện được.
“Chỉ biết động viên các con vì dịch, vì việc chung phải thông cảm cho mẹ nên các cháu đều hiểu. Không chỉ riêng tôi, mà những giáo viên hỗ trợ ở đây đều gác công việc gia đình lại để cùng nhau góp sức để chống dịch, dù mệt nhưng chúng tôi đều cố gắng”, cô Hải nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Phương –Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà chia sẻ, trong đợt dịch này rất nhiều cán bộ, giáo viên tình nguyện tham gia hỗ trợ. Có những người tình nguyện vào cách ly cùng người dân trong khu cách ly 21 ngày. Như cô Hải là một trong những giáo viên tình nguyện hỗ trợ tham gia chống dịch đến nay hơn 1 tháng.
“Cô Hải là người tuyệt vời, làm việc hết sức có trách nhiệm, nhận được sự tin tưởng của chính quyền địa phương. Cô thực hiện nhiệm vụ nấu cơm cho khu cách ly đến nay đã hơn 1 tháng, nhưng lúc nào cũng cố gắng hết mình, chuẩn bị từng suất cơm ngon đến cho người trong khu cách ly”, thầy Phương chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự