Chàng sinh viên đưa hàng trăm F0, F1 đến nơi cách ly, điều trị

Thứ tư - 25/08/2021 09:43
Đăng Khoa (sinh năm 1998) tình nguyện lái xe cứu thương, đưa đón hàng trăm ca F0, F1 đến bệnh viện và khu cách ly suốt một tháng nay.
Chàng trai 23 tuổi đã chở hàng trăm bệnh nhân mắc Covid-19 đến nơi điều trị.
Chàng trai 23 tuổi đã chở hàng trăm bệnh nhân mắc Covid-19 đến nơi điều trị.
“Từ lúc tham gia vào đội lái xe cứu thương, với mình cuối tuần cũng như mọi ngày. Hôm nay mình chở được 39 trường hợp F0 và nhiều ca F1 khác”, Đỗ Đăng Khoa, sinh viên ngành tài nguyên môi trường tại Đại học Kiên Giang, trò chuyện với phóng viên khi vừa kết thúc ca làm việc lúc 23h.

Ngày 20/7, nam sinh đăng ký vào đội tình nguyện chống dịch theo lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Nhiệm vụ ban đầu của Khoa là hỗ trợ trực chốt trên địa bàn.

Sau đó, chàng trai nghe tin tỉnh thiếu tài xế chở bệnh nhân Covid-19, thấy bản thân đủ điều kiện, có sẵn bằng lái B2 nên Khoa quyết định chuyển sang đội phản ứng nhanh của khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế TP Rạch Giá.

Hơn một tháng hoạt động, Khoa ước tính mình đã đưa được khoảng 200 ca F0 và 500-600 người là F1 đến các khu cách ly, điều trị.

Sẵn sàng lên đường

Đội của Khoa có 3 tài xế và 2 chiếc xe cấp cứu, sẵn sàng phục vụ bà con cả ngày lẫn đêm. Theo lời nam sinh, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn dân nên số ca trong cộng đồng chiếm phần lớn.

Khi phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2, Khoa sẽ đến tận nơi đón bệnh nhân theo điều động của y tế địa phương.

Khối lượng công việc lớn, áp lực cao, các tình nguyện viên luôn tất bật từ sáng sớm đến nửa đêm cho kịp tiến độ. Giờ cơm trưa thành cơm tối, rảnh lúc nào ăn lúc đó đã trở thành chuyện bình thường với Khoa.

Nhiều lúc đói lã người, muốn chợp mắt một lúc nhưng nghĩ đến nhiều bà con đang chờ xe cấp cứu, chàng trai trẻ lại vội gạt cơn mệt để tiếp tục lên đường.

Khoa cho biết ca trực không có giờ cố định, các tài xế phải luôn trong tâm thế nhận lệnh. Hôm nào tỉnh truy vết ra nhiều ca nhiễm, Khoa và cả đội phải tập trung hết công suất. Thông thường, F0 sẽ được đưa đi trước, sau đó đến F1.

 
1
Đội xe cứu thương của Khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi ngày.

Ngày cao điểm nhất của Khoa là phải đón 100 người F0/141 ca được phát hiện vào hôm đó.

Những lúc như vậy, cậu phải đi hàng chục chuyến xe để đón hết các trường hợp đến bệnh viện điều trị.

Ngồi đằng sau chiếc vô lăng xoay tròn, Khoa chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn và cả sự nỗ lực của các y, bác sĩ, công an, dân quân và lực lượng tuyến đầu.

Đó chính là động lực để nam sinh tiếp tục cố gắng với nhiệm vụ của mình.

“Đeo khẩu trang cả ngày dài thêm bộ đồ bảo hộ nóng hầm hập, bí bách, mình mới thật sự thấm thía nỗi vất vả của những người đang làm công tác phòng, chống dịch. Nhiều lúc thấy mệt mỏi lắm nhưng nghĩ nếu dừng lại mọi người lại thêm phần khó khăn. Vì thế, mình cố gắng góp sức để giảm bớt gánh nặng cho đội”, Khoa chia sẻ với Zing.

Áp lực thời gian

Trên hành trình đưa đón các ca F0, F1, nam tài xế gặp không ít tình huống éo le với nhiều dấu ấn khó quên.

Một trong số đó là những lần chở ca bệnh nặng lớn tuổi. Vì quy định an toàn, Khoa không thể vào nhà cõng các ông bà cụ ra xe nên đành hướng dẫn từ xa.

“Lúc đó, mình phải động viên liên tục để người nhà bệnh nhân không bị rối. Có lần mất 2 tiếng mới dìu được một bà cụ lên băng ca”, Khoa kể.

Khoa cho hay lái xe cấp cứu khác so với ôtô bình thường về áp lực thời gian. Từ lúc xuất phát đến khi đưa bệnh nhân vào khu điều trị đều phải đảm bảo sự an toàn.

Mọi thứ diễn ra khá gấp rút nên cần khả năng tập trung cao độ.

Thường xuyên tiếp xúc với người bệnh và các trường hợp có nguy cơ cao, chàng trai trẻ cũng đôi lần sợ bản thân bị lây nhiễm.

Vì vậy, Khoa luôn cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch và nguyên tắc đưa đón ca F0, F1.

Hiện Khoa đang sống với mẹ. Biết con trai đăng ký vào đội lái xe cứu thương, mẹ nam sinh vừa tự hào vừa lo lắng.

“Mình may mắn được mẹ ủng hộ tham gia hoạt động tình nguyện. Mẹ mình cũng muốn đi chống dịch nhưng vì công việc ở cơ quan nên chưa có cơ hội. Mẹ dặn mình phải tận tâm với công việc và cẩn thận hết mức”.

 
1

1
Từ lúc đi tình nguyện, nam sinh hiểu hơn nỗi vất vả của lực lượng chống dịch.
 
Để đảm bảo an toàn, Khoa hạn chế tiếp xúc tối đa với người thân. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, Khoa tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng cho hôm sau tiếp tục chiến đấu.

Chàng trai sinh năm 1998 chia sẻ trong thời gian hoạt động, Khoa luôn nhận được sự động viên từ các y, bác sĩ, bạn bè và thầy cô ở trường đại học. Điều đó khiến cậu thấy ấm áp và vững tâm hơn vào công việc.

“Dịch Covid-19 đã gây xáo trộn cuộc sống của mình và gia đình. Nhưng qua đó mình có thêm nhiều kỷ niệm đẹp, được tham gia hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ cho cộng đồng. Niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này với mình là cả nước chiến thắng dịch bệnh. Mình vẫn sẽ hỗ trợ mọi người đến khi tình hình ổn định trở lại”, nam sinh 23 tuổi nói thêm.
Theo Zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây