Học đức ôn hoà của người xưa

Thứ hai - 16/05/2022 12:13
Dĩ hoà vi quý, ấy là lẽ sống mà nhiều người mong muốn. Song muốn làm được như vậy, thì có lẽ cần có một tư tưởng đúng đắn cho việc này.
Học đức ôn hoà của người xưa

Vào thời Xuân Thu có Khổng Tử là người nước Lỗ. Ông được xem là người vạn hạnh hanh thông, thông kim bác cổ, được người đời tôn là Thầy của thiên hạ. Khổng Tử cũng là tổ tôn của Nho gia, truyền bá Đạo trung dung - Đạo người quân tử.

Làm người sống có đạo hạnh nên phải thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cái ‘Đạo trung dung’ của Đức Khổng Tử và cái ‘đức ôn hoà’ của người xưa qua những câu chuyện thú vị sau đây:

Chậm chạp và thái quá

Một lần, đệ tử của Khổng Tử là Tử Cống được nghe thầy nói về tính cách và trình độ của các sư huynh đệ đồng môn. Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:

– Thưa thầy, Tử Trương và Tử Hạ ai là người giỏi hơn?

Khổng Tử trầm ngâm hồi lâu, rồi nói:

– Tử Trương thì hơi thái quá, còn Tử Hạ thì chậm chạp.

Tử Cống nói:

– Có phải là Tử Trương giỏi hơn không?

Đức Khổng Tử:

– Thái quá cũng giống như chậm chạp, đều là chưa nắm được mức độ vừa phải.Khổng Tử.

Một lần khác, Khổng Tử dẫn các đệ tử đến thăm miếu đường Lỗ Hoàn Công, thấy một vật xiêu vẹo, rất dễ đổ. Khổng Tử đi quanh một vòng, rồi cầm lên nhìn cho kỹ mà vẫn không biết chính xác nó được dùng vào việc gì. Khổng Tử bèn hỏi người canh miếu:

– Đây là vật gì vậy?

Người canh miếu trả lời:

– Đây là vật thường để ở bên phải chỗ ngồi của nhà vua.

Khổng Tử hiểu ra, bèn nói:

– Ta từng nghe nói đến vật này rồi! Khi nó không chứa đựng gì thì xiêu vẹo, khi chứa đủ thì đứng thẳng, đựng đầy quá sẽ lại đổ. Nhà vua xem đó là vật để nhắc nhở mình, nên luôn để ở ngay bên cạnh chỗ ngồi.

Nói đoạn, Khổng Tử quay sang các đệ tử:

– Hãy thử đổ nước vào!

Tử Lộ vội đi lấy nước đổ vào: đổ ít thì nó xiêu vẹo, đổ vào lượng nước vừa đủ thì nó liền đứng thẳng lên. Khi đổ đầy vào, vừa buông tay ra thì nó liền đổ hết phần nước thừa đi. Thấy vậy, Khổng Tử nói với các học trò của mình rằng:

– Có vật nào trên đời chứa đầy mà không bị đổ!

Tử Lộ bèn lên hỏi:

– Thưa tôn sư, có cách nào giữ đầy mà không bị đổ không ạ?

Khổng Tử nói:

– Thông minh sáng suốt mà giả bộ ngây ngô; công lao khắp thiên hạ mà nhượng bộ; giàu có nhất bốn bể mà khiêm cung. Làm được như thế há chẳng phải là không thái quá ‘đầy mà không sợ đổ’ đó sao!

Các học trò nghe Khổng Tử giảng vậy, ai nấy đều chắp tay bội phục mà khen lời nói phải.

Mới hay, cái lẽ ở đời ‘cái gì quá cũng không tốt’! Vội vàng quá thì mất đi sự ung dung tự tại, chậm chạp quá thì bỏ lỡ thời cơ. Hành sự cẩn tắc thì bớt phải lo nghĩ, phùng thời vạn sự đều hanh thông. Cũng như lời Đức Khổng Tử dạy: “Thái quá cũng giống như chậm chạp, đều là chưa nắm được mức độ vừa phải”. Chỉ có giữ được cái thế ‘trung dung của người quân tử’ thì mới ‘đầy mà không sợ đổ’!

“Đức ôn hoà” của cổ nhân

Nói về cái ‘đức ôn hoà’ của cổ nhân, thì ta cứ suy từ các bậc đế vương mà ra. Các vị Hoàng đế trong quá khứ như: vua Nghiêu, vua Thuấn, Vệ Vũ Công đều lấy ‘đức ôn hoà’ để trị quốc, bang dân. Các bậc minh quân hiểu rằng, pháp luật quá khắt khe chỉ có thể ép buộc dân chúng thực thi, mà không có lòng yêu mến quân vương.

Lấy đức phục người, giáo hoá con người không có gì hơn ‘giáo dục đạo đức’. Vua có đức lớn, yêu người xót vật mà ban bố phúc lộc cho thiên hạ, bởi thế mà nhân dân được ấm no. Dân được ấm no nhờ cái ân đức của Vua mà yêu mến, không dám có tâm làm loạn. Âu cũng là cái lẽ đương nhiên vậy! Người xưa thường nói: ‘Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa’. Ấy là người xưa coi trọng Lễ, trên thì kính ngưỡng Trời, Phật mà không làm trái ý; dưới nhờ có đức ôn hoà mà người người được sống no ấm, vui vầy… 

Có lẽ, cái ‘đức ôn hoà’ của người xưa cũng phần nào là cái ‘Đạo trung dung’ như Khổng Tử dạy vậy! 

Xưa có Thuần Vu Khôn, là người nổi tiếng có tài ‘đoán ý biết lòng’, lại có tiếng là người hay rượu. Tề Uy Vương hỏi ông về việc uống rượu. Vua hỏi: 

– Tiên sinh uống bao nhiêu thì say?

Thuần Vu Khôn đáp:

– Thần uống mười đấu cũng say, mà một đấu cũng say!

Tề Uy Vương lấy làm lạ mà rằng:

– Khanh uống một đấu đã say, thì sao mà uống nổi mười đấu cho cam?

Thuần Vu chắp tay ôm quyền đáp:

– Nếu thần uống rượu trước mặt chúa công; bên cạnh có quan chấp pháp, sau lưng có quan ngự sử…, thần không sợ hãi mà cúi đầu uống một hơi cho cạn. Như thế, chỉ một đấu đã say! Mỗi khi ở nhà, trên có cha mẹ nghiêm cẩn lại thêm khách quý, ý tứ gia phong: hạ thần chỉ đứng bên cạnh, vén áo khom lưng hầu rượu; hi hữu được ban rượu chúc thọ, chúc phúc… Như thế chỉ hai đấu đã say! Còn như gặp bằng hữu xa cách lâu ngày, chẳng hẹn mà gặp, mừng không kể xiết, phân trần chuyện riêng… Như thế uống được năm đấu đã say! Ấy khi có tiệc tùng đông đảo, thưởng rượu ngắm hoa, hàn huyên đủ chuyện Đông – Tây, kim – cổ… Như thế thần uống được tám đấu, mới say hai phần! Nhưng khi chiều xuống: dương lặn, nguyệt tan, ngẫm hay cõi trần đành rằng có nhiều thú vị, nhưng cũng chỉ là trong chốc lát, thoắt vui đã buồn, người thay cảnh đổi, muôn việc đều thế. Khi ấy, thần uống thêm được hai đấu rượu nữa mới say!

Cổ nhân có câu: ‘Lạc cực sinh bi, bi cực sinh lạc’. Vui quá thì buồn, buồn mãi rồi cũng vui, vật đổi sao dời như gió mây vần vũ. 

Thiết nghĩ, cái lẽ buồn vui nơi cõi trần cũng không có gì là vĩnh hằng, ‘ngọc lành có vết, việc đời đa đoan’, rốt cuộc chỉ như một giấc mộng, muôn cõi đều trở thành không! Giá như ai ai cũng hiểu được cái lẽ sống chân thực, ai ai cũng có thể hướng thiện, ‘trung dung’ hoà ái… Được như vậy há chẳng phải tốt lắm ru…. 

Theo DKN.TV

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây