Người Việt không xấu xí: Chẳng học từ ‘ăn, nói, gói, mở’ sao thành người?

Thứ năm - 28/04/2022 16:21
Loạt bài Người Việt không xấu xí của chuyên mục Văn hóa - DKN TV hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam.
Người Việt không xấu xí: Chẳng học từ ‘ăn, nói, gói, mở’ sao thành người?

Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả một góc nhìn khác, để chúng ta cùng quay trở lại với những nét đẹp đã từng tồn tại và trở thành bản sắc văn hóa một thời của cha ông. Để từ đó cùng nhau thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp. Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.

Thấy tôi mắng mỏ con mình bằng một bài diễn văn dài lê thê về đạo đức, mẹ liền kể một câu chuyện xa xưa của mình, từ cái thời mới học lớp sơ đẳng. Mẹ nói một lời phê của thầy giáo đã theo mẹ suốt cuộc đời, người xưa nói ít hiểu nhiều, không mắng chửi mà uy vũ.

Xưa mẹ đi học, thời ngây dại, bồng bột, lại ngông ngông, ít hiểu đạo lý. Có lần thầy kiểm tra viết, mẹ không thuộc bài nên viết vào trong giấy rằng “thầy có thể cho con 0 điểm”, rồi tự tin nộp lên. Chẳng hiểu tâm lý cái tuổi ngây ngô ấy diễn biến ra sao, không thuộc bài thì cứ nộp giấy trắng là được, nhưng mẹ bảo chẳng hiểu sao lúc đó lại viết thế, còn lấy làm đắc ý, có vẻ như để làm cho cái sự thất bại của mình hiên ngang hơn chăng?

Khi nhận lại bài kiểm tra, một điểm 0 to được điền vào ô điểm số với lời phê ngắn gọn của thầy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mẹ bảo chỉ một câu đó thôi của thầy, mà mẹ nhớ tới giờ, cũng đồng thời giúp mẹ nhận ra, trên đời, không phải cứ thích làm gì liền làm nấy. Việc gì cũng phải học thì mới trở thành người tử tế - là người có thể nghĩ tới người khác trước khi hành động.

Trò đối với thầy, ngàn đời vẫn không thể thay đổi, là phải khiêm nhường, cung kính. Sao có thể cấc lấc, ngang hàng phải lứa, còn cho phép thầy cho mình điểm xấu nữa. Làm trò đi học, đã không làm tròn bổn phận là phải học lấy cái chữ cho tốt, đã không cảm thấy có lỗi và xin lỗi thầy, mà lại lấy việc đó ra làm trò đùa. Nhưng thầy rất nghiêm khắc mà bao dung, nào có mắng mỏ, kỷ luật trước toàn lớp. Thầy viết một câu đủ trang nghiêm và uy lực để nhắc nhở người trò dại dột. Cái việc học tỉ mỉ mà đơn giản lắm, từ việc học ăn, học nói cho tới học gói học mở mà thành người.


Ảnh minh họa: Pixabay.

Trong “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” của Hoàng Văn Hành, có giải thích về câu tục ngữ mà ai cũng biết nhưng chẳng mấy người hiểu nguồn gốc này.

“Thành ngữ này có lẽ có nguồn gốc từ lối sống của những gia đình khá giả ở Hà Nội ngày xưa. Họ thường có thói quen gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén nhỏ trong mâm cơm. Lá chuối gói nước chấm tươi giòn, và dễ dập rách khi gập gói cũng dễ tung bật khi mở. Bởi vậy, người gói phải khéo tay và người ăn phải biết cách mở để nước chấm không vương ra ngoài. Biết gói, biết mở trong trường hợp này được coi là một tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp cũng là cách thể hiện sự nho nhã thanh cao.

Ngày nay, người ta nói thêm ‘học ăn, học nói’ trong thành ngữ cũ ‘học gói, học mở’ ý muốn nhắc nhở mọi người về việc giữ gìn chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử; cũng như cách mà người Tràng An khi xưa đã tinh tế, lịch thiệp như thế nào trong cách dùng thức ăn”.

Ăn, nói, gói, mở xem ra có nguồn gốc từ nền ẩm thực thanh tao của người Hà Thành một thời, nhưng nội hàm rộng lớn hơn nhiều. Ăn nói là việc hàng ngày, thường trực của mỗi người. Thông qua đó mà nó thể hiện con người, thể hiện đạo đức, nề nếp, gia phong, phẩm hạnh của chúng ta. Nhưng “gói, mở”, ngoài cái sự tinh tế, nho nhã trong việc ăn thì còn chứa đựng biết bao ý tứ ở trong đó.

Từ một món quà được gói cẩn thận, chỉn chu, chẳng phải ta đã gói cả tấm chân tình, yêu thương, chúc phúc cho người nhận. Từ việc gói ghém để lưu trữ những món đồ đã không còn dùng được, chẳng phải ta đã gói trọn lòng biết ơn, trân quý những thứ đã từng rất hữu dụng. “Gói” là bao gồm cả gói trọn bản thân ta trong đó, nên học gói cũng là học cách mô tả chính mình.

Mở ngược với gói, là hành vi tiếp nhận những cái đã từng được gói lại. Mở một món quà, không chỉ là để lấy vật ra mà còn là đón nhận và biết ơn. Mở cũng là mở rộng cõi lòng, biết trân trọng và cảm tạ trước mọi ân huệ của cuộc sống, của người khác. Cùng là hít thở bầu không khí trong lành ấy, người biết “mở” sẽ thấy hạnh phúc và đón nhận món quà mà nhiều người cho là hiển nhiên ấy.


Ảnh minh họa: Infranken.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” ấy cũng phản ánh cái đạo của người biết đủ, biết tiết chế. Nó khá tương đồng với triết lý về việc học của Khổng Tử: “Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên, gắng sức trong việc làm mà thận trọng trong lời nói, đến với người có đạo đức để trở nên chính đáng; có thể gọi là người hiếu học vậy”. (Trích: Tứ Thư bình giải, Lý Minh Tuấn).

Vậy đấy, việc học nào có cao xa gì, nó chỉ đơn giản ở những việc làm hàng ngày của ta. Hiếu học không phải chỉ là ham muốn biết thật nhiều kiến thức, mà còn ở việc ta có muốn sửa đổi, nắn chỉnh từng việc làm nhỏ bé nhất hàng ngày hay không.

Vậy mà giờ đây, nhìn những đứa trẻ bạn của con tôi tới nhà chơi, tôi không khỏi giật mình, rằng liệu con mình khi ra ngoài xã hội cũng có như thế hay không, mình đã dạy con đủ và đúng chưa? Đi học về, cả hội kéo nhau về nhà tôi chơi, các bé mở cửa ùa vào nhà, không một lời chào người lớn, lao vào tủ lạnh lục đồ ăn. Chơi đồ chơi thì quăng quật, không thu dọn khi chơi xong. Dùng sách vở thì quăn nát, bút thước vứt lung tung, mất thì lại mua cái mới. Quà sinh nhật được tặng thì bóc xé cái vèo rồi vứt chỏng chơ cái vỏ đó… Từ những việc đơn giản vậy, cũng thấy một phần trách nhiệm của người lớn chúng ta. Muốn dạy được con trẻ, chúng ta cũng phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” lại từ đầu vậy.

Theo Dkn.tv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây