Chuyện ghi ở một quán chay giữa Hà thành

Thứ năm - 14/02/2019 14:37
Trong cái mưa và rét đặc trưng của Hà Nội những ngày cuối năm, chúng tôi ghé quán chay Phước Hậu (đường Duy Tân, Q.Cầu Giấy), nơi có rất nhiều người đến ăn cơm chay 20 ngàn đồng.
Chị Hằng Châu (thứ 3 từ phải qua) trong một buổi phát cơm tại bệnh viện
Chị Hằng Châu (thứ 3 từ phải qua) trong một buổi phát cơm tại bệnh viện
Ăn xong, mọi người tự để tiền vào một cái rổ nhỏ. Và, nhiều vị khách dễ thương còn tự mang chén, dĩa ra chỗ rửa. Một số thực khách vừa tới cung kính chắp tay xá Phật - hình ảnh chân dung Phật trong quán.

Chủ quán chay là chị Hằng Châu, người thanh mảnh nhỏ nhắn. Chị kể, lúc đầu chị hơi phân vân, vì bản thân làm kế toán, ít khi động đến chân tay, đi làm về nhà đã có mẹ chồng nấu. Nhưng sau chị nghĩ “khó khăn là để thử thách mình”. Vậy là chị nhận. Thời điểm đó cách đây một năm.

Gieo duyên bằng cơm chay thiện nguyện
Ba tháng đầu tiên chị chật vật làm quen, học hỏi, sắp xếp công việc nên hôm nào cũng đi làm từ sáng sớm đến 10g tối mới về. Còn bây giờ, mọi việc đã nhẹ nhàng, đi vào nếp.

Khi quán chay ổn định, chị nghĩ ngay đến việc tặng cơm chay gieo duyên cho phụ nữ, trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, đến nay đã hơn 5 tháng, gồm cháo và cơm vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần.

“Khởi tâm phát cơm chay vì tôi tin nhân quả - nguyên nhân của ốm đau bệnh tật thường đến do sát sanh, ăn uống và có lối sống thiếu khoa học. Do vậy, họ bệnh tật thì mình chia sẻ cho họ biết ăn cơm chay, dần dần chia sẻ Phật pháp họ sẽ dễ tiếp thu hơn”, chị Hằng Châu bày tỏ.

Dù vậy, hôm đầu tiên nấu tặng chị vẫn hơi lo, không biết mọi người đang ăn mặn mà đổi qua chay họ có nhận không. Nghĩ thế nên chị nấu 200 suất cơm chay và được mọi người nhận hết. Sau đó thăm dò bà con ăn cơm xong cảm thấy thế nào, chị bất ngờ với kết quả “không thể tưởng tượng được cơm chay ngon như thế”, chị Châu kể.

Chị tâm niệm, mình khuyến khích mọi người ăn chay, nên nếu mọi người cảm thấy chưa ngon thì mình điều chỉnh lại. Chị cũng nói trực tiếp với bà con, đây là cơm chay, nếu ăn được thì hoan hỷ nhận và ăn hết, còn không ăn được thì đừng lấy - bỏ đi rất lãng phí.

Chị để trên mỗi phần quà tặng là một câu niệm Phật, chị cũng không dùng hộp xốp, mà gửi khay ăn xong trả lại. Nhiều bạn tình nguyện nói đùa, chị bỏ gì trong đồ ăn mà mấy bé “ghiền” dữ vậy, chị mỉm cười tiết lộ: bí quyết khi nấu cháo, nấu cơm, mặc dù có thể mình nấu không ngon, nhưng mình để cái tâm yêu thương vào đấy, mọi người ăn vào khỏe mạnh, nên thấy ngon.

Một hai tuần đầu, nhóm của chị cũng gặp khó khăn do không có người. Giờ “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều người đến giúp, họ là người đã về hưu hoặc có khi tranh thủ ghé tới…

Hiện kinh phí nấu tặng tại bệnh viện được bạn bè hỗ trợ, nên thức ăn bao giờ cũng dồi dào không sợ thiếu. Chị bày tỏ: “Tôi nghĩ, cơm nước thì không bao giờ lo không có tịnh tài để nấu ăn, mình còn nấu thì còn có người ủng hộ”.

Tùy duyên uyển chuyển
Thực ra, tâm nguyện lớn nhất của chị là ấn tống kinh điển, mong muốn đưa lời Phật đến với nhiều người. Theo chị, bên ngoài cuộc sống có rất nhiều người đau khổ nhưng họ không biết tháo gỡ, giờ họ biết đến một cuốn sách hay, đọc xong họ có cơ hội tháo gỡ nút thắt trong cuộc sống. Nghĩ vậy, chị tích cực trong hoạt động ấn tống kinh sách trên 10 năm nay.

Gắn kết, yêu thích việc đưa Phật pháp đến với nhiều người, cũng là cái duyên rất tự nhiên. Bản thân rất hay mày mò đọc sách báo, một hôm vào mục Triết học của Giác Ngộ online, chị thấy thích ngay, thấy mình có những cái “ngộ” nho nhỏ, tháo gỡ được nhiều vướng mắc, nên ngày nào chị cũng vào đọc, duyên với pháp bắt đầu từ đó. Sau đó, chị quy y với pháp danh Chúc Tâm.

Chị kể, bản thân may mắn vì có những nhân duyên tốt. “Mình theo Phật nên đừng cứng nhắc quá, mọi người yêu thương nhau, hài hòa giúp đỡ nhau đã tốt rồi”, chị tâm niệm.

Trước đây, cuộc sống của chị cũng rất bình thường, “từ khi biết Phật pháp, tôi muốn được làm lợi lạc cho nhiều người nên thường hành theo lời Phật dạy trong từng việc làm”.

Đối với chị, tu là nhìn lại bản thân, chứ không phải hướng ra bên ngoài, hạnh phúc hay khổ đau là do mình lựa chọn. Chị trải lòng: “Tôi buông xả rất nhanh, nếu trong một ngày có nhiều phiền muộn đến thì sau thời khóa tu tập chung với đại chúng, tôi cảm thấy khỏe, tâm nhẹ, phục hồi năng lượng trở lại, chỉ nhớ những gì cần nhớ, còn lại thì buông hết”.

Mọi công việc chị làm để mang niềm an vui đến với nhiều người đều được chồng chị, gia đình và các con ủng hộ. Hai vợ chồng chị đều có những thời khóa riêng. Anh Ngô Hồng Châu - chồng chị, sau khi phụ nấu cơm ở quán chay sẽ thay chị về nhà lo cho các con và có thời khóa tụng kinh. “Cả hai vợ chồng đều có thời khóa tu ở nhà”, chị kể. Chị Hằng Châu cũng vậy, khi nào thời gian trống là lại có thời khóa cho riêng mình, như buổi sáng dậy sớm ngồi thiền, sau đó sẽ tụng kinh.

Đối với các con, từ khi biết Phật pháp, chị cho hai con hiểu về nhân quả, học để các con biết làm cái gì thì hậu quả ra sao - đó là hành trang đầu tiên cho con. Chị dạy, con khi đi ra đường phải biết nhường nhịn, biết giúp đỡ các bạn, nhờ đó con tự nhiên hình thành tính cách rất tốt.

 
Chị bày tỏ, nếu không yêu thương mọi người, cuộc sống lúc nào cũng sân giận, cũng buồn khổ thì biết ngay cảnh giới của mình là ở đâu rồi. Với chị, bây giờ làm việc cũng là tu tập, phục vụ mọi người cũng là tu, luôn nhận diện “chướng duyên như một vị Bồ-tát thị hiện để giúp mình sửa lại mình, để mình càng ngày hoàn thiện hơn”.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây