Dạy chữ ở Tắk Pổ

Thứ tư - 04/12/2019 14:16
Ở miền núi xa xôi của xứ Quảng, bao năm rồi có những thầy cô giáo cứ lặng lẽ hy sinh, đem con chữ đến từng thôn, sóc.
Cô Thu và các em học sinh ở nơi sau lưng đầy mây
Cô Thu và các em học sinh ở nơi sau lưng đầy mây
Ở đó, sau cơn mưa bão sạt lở núi rừng vẫn có những thầy cô cặm cụi từng ngày bám lớp, cùng học sinh nghèo nơi này “nuôi” từng con chữ…
 
Lớp học nghèo giữa xứ sâm
Trên sườn dốc núi cao chênh vênh, có một phòng học đơn sơ, tuềnh toàng với tranh, tre, nứa, lá. Học sinh các lớp mầm non và tiểu học, là con em bà con dân tộc ở điểm Trường Tắk Pổ (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam), nhỏ thó và đen đúa nhưng đôi mắt vẫn ánh lên vẻ ngây thơ và bao niềm mơ ước.
 
Đây là điểm trường từng gây nên cơn sốt hồi đầu năm học, khi bức ảnh khai giảng năm học mới của điểm Trường Tắk Pổ (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập - xã Trà Tập, H.Nam Trà My, Quảng Nam) được cô giáo Trà Thị Thu đăng tải, chia sẻ trên Facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm.
anhgn (3).JPG
  Ngôi trường đơn sơ, tuềnh toàng với tranh, tre, nứa, lá
Thấy chúng tôi vào lớp học, những đứa trẻ ở bậc tiểu học nhanh nhảu đứng dậy, khoanh tay chào khách lạ. Cô giáo Trà Thị Thu bảo, hồi mới lên đây, sống và dạy học ở đây, cô hay nhìn xuống “dưới kia”, nơi mịt mùng xa xôi và tấp nập văn minh cách gần 150km, thấp khoảng đâu chừng 2.000m, nghe tưởng gần, nhưng cất công lên được đến đây là cả một “kỳ tích đời người”.
 
Những ngày đầu tiên cô bìu ríu khăn gói lên đây thắp sáng ước mơ con chữ, bà con trên những nóc cao mây mù này còn chẳng thể nào tưởng tượng nổi sẽ có một ngày, những đứa con sớm tối lên nương, lên rẫy lại được những thầy cô giáo người dưới xuôi dạy đánh vần, tập viết. Trên sườn dốc chênh vênh, 3 phòng học đơn sơ, tuềnh toàng tranh tre nứa lá là nơi mà học trò điểm trường này ngày ngày cùng nhau học bài.

Nói là trường cho sang chứ thực chất đây chỉ là lớp học dựng bằng ván gỗ đơn sơ, mái lợp bằng tôn, nằm chênh vênh trên một quả đồi cao. Điểm trường nằm xa trung tâm xã, chỉ có thể đi bộ bằng đường mòn trong rừng núi mất hơn 2 giờ. Phụ trách lớp là 2 cô giáo trẻ có thâm niên cắm bản để gieo chữ trên rẻo cao cho học sinh đồng bào Ca Dong.
 
Cô giáo Thu chia sẻ, ở điểm trường này cô cùng cô giáo Riah Uối, cùng phụ trách. Cô Uối từ Nam Giang (Quảng Nam) tới đây hơn 1,5 năm. Còn cô Thu đã công tác ở đây 5 năm. “Ở đây có 10 điểm trường nữa và khó khăn hơn.
 
Có điểm trường đi bộ vào 7-8 tiếng mới tới. Nhiều lúc cũng buồn nhưng nhìn những đứa trẻ vui đùa, chăm chút viết chính tả, say mê làm con tính, lại không nỡ về lại dưới xuôi nữa!”, cô giáo Thu bộc bạch khi nhìn lũ trẻ vây quanh mình. Hơn 5 năm ở điểm trường này, cô giáo Thu ban ngày dạy các em trên lớp, tối lại phải ru các em ngủ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.
 
Nỗi nhớ của cô và cả nỗi nhớ của trò. Đến giờ giải lao, cô trò ùa ra bên sườn núi, từng bóng người hòa tan trong sương, đó là một cảnh đẹp trên đỉnh Ngọc Linh mà có lẽ ít người chiêm ngưỡng được.
 
Tuổi thanh xuân nơi miền hoang vắng
Cô giáo Thu và cô giáo Uối cho biết, núi rừng Trà My đang vào mùa mưa. Mà mùa mưa trên rừng thật kinh khủng, mưa như trút, gây sạt lở đất cuốn theo cây cối trên đường độc đạo các cô giáo đi. Không có gì ngăn cản nổi từng tảng đá to như cái nhà trôi nghe chát chúa. Mùa mưa bắt đầu từ nửa tháng 9 và kết thúc thường vào tháng 2 dương lịch. Trong khoảng thời gian ấy, không khi nào mưa ngớt được 1 tuần.
 
Đến bữa trưa, mấy cô giáo trẻ vội vã dọn cơm, vì giáo viên trong trường cũng chưa ăn gì, mặc dù lúc đó đã hơn 1 giờ chiều. Bữa cơm đạm bạc miền núi thấm đẫm hơi sương được dọn ra. Bàn ăn cho giáo viên cả trường chỉ vỏn vẹn có 2 cái ghế băng dài nên cả chủ và khách, người thì đứng, người thì ngồi.
 
Bếp lửa bên cạnh luôn đỏ rực để át đi cái lạnh của vùng cao. Cô giáo Uối trẻ trung vừa xới cơm, vừa cười rất tươi: “Bữa ni các anh may lắm đấy, vì được ăn toàn đồ tươi thôi. Anh em trong trường góp tiền để mua đấy anh ạ!
 
Chừng này gạo, chừng ni mắm muối, cá khô... chắc ăn được non nửa tháng. Chừng mô gần hết thì lại viết giấy xuống cho người ta chuyển lên. Chỉ tiếc là hàng từ xuôi lên đây không có cái gì còn ngon nữa”.
 
Tôi nhìn bữa cơm trưa hôm ấy có thêm mấy con cá ngừ, một ít rau xanh với mấy con cá khô. Ở đây cái gì cũng đắt, như 1kg gạo thường ở xuôi có giá 14 nghìn đồng thì lên đây gần 25 nghìn đồng. Thành ra, như lời mấy cô giáo nói, thì trung bình lương của mỗi người là 4 triệu/tháng, nhưng tiền ăn đã chiếm hơn nửa rồi.
 
Tôi hỏi về thứ rau lạ lạ trên bàn ăn, được biết đó là rau lủi, thứ rau rừng, là thức ăn “trường kỳ” ở đây như hồi còn kháng chiến ấy. Mùa nắng thì có món rau này cùng ít thịt cá do người ta chuyển lên, còn mùa mưa thì không ai mang lên được nên tất cả mọi người đều “chiến đấu” với món mì gói. Mà ăn mãi đến kinh hãi, nên mỗi lần nhắc đến món này, ai cũng nhăn mặt, lắc đầu, lè lưỡi vì sợ.
 
Chúng tôi nhìn vào trong lớp học, có em áo mặc chưa đủ ấm, có em quần áo lấm lem bùn đất vì phải vượt cả một quãng đường xa qua bao đèo suối để tới lớp trong mùa mưa này. Ngồi trong lớp học mà các em cứ co ro vì cái lạnh của vùng cao thấy mà thương.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương còn kể, sống trên núi, có khi nửa năm hoặc cả năm trời mới biết đến mùi cá biển, miếng thịt heo, thịt bò. Thông tin liên lạc, một nhu cầu thực tế mà thời nay ai cũng cần, nhưng ở vùng núi này đó là chuyện hiếm hoi.
 
Buổi tối đến, các cô giáo ngồi tán chuyện với nhau, nói về manh áo rách, nói về đồ ăn thức uống cho mùa mưa tới, nói về những chuyện riêng vốn rất thầm kín của phụ nữ. Và thể nào cũng cứ tới giữa chừng câu chuyện, thì lại có người nhớ nhà, nhớ người yêu dưới miền xuôi. Rồi, cứ thế từng người một lần lượt lặng lẽ theo đuổi những cảm xúc riêng của mình, có khi lại lật giở ra những trang giáo án để vùi tâm tình vào đó cho đỡ nhớ.
 
Có thể chẳng có một từ ngữ nào nói hết được những khốn khó nơi đây, nhưng lúc nào cũng thế, tấm lòng của những thầy cô nơi đây đều hướng về học sinh, những đứa trẻ vùng cao chân tay lấm lem.
 
Từng lứa học trò lớn lên, biết còn mấy đứa sẽ được đi học tiếp cấp 2, rồi cấp 3. Rồi sẽ còn mấy đứa lặn lội hơn 40km để ra trung tâm huyện trọ học để tiếp tục nuôi ước mơ con chữ để về xây dựng nóc làng nơi đây. Nhưng dẫu sao vẫn cứ phải hy vọng!
GN.JPG
Cô giáo Uối cùng các em học sinh đi hát rau rừng sau giờ học trở về
Đêm trên đỉnh Ngọc Linh, cái lạnh và cái buồn cứ bủa vây trong cơn mưa rừng rả rích không dứt. Một giai điệu boléro buồn buồn từ chiếc đài đã cũ đang phát những bản tình ca về quê hương.
 
Tôi hiểu. Những cô giáo còn quá trẻ ở nơi đây phải gắng gượng lắm để vượt qua được hết nỗi buồn, sự thiếu thốn và cả những mong ước rất giản dị của mình. Bởi nếu không có được sự dũng cảm, có lẽ chẳng còn ai có thể trụ nổi được đến tận bây giờ, như cô giáo Thu đã ở điểm trường này những 5 năm qua.
 
Tất cả họ, và tất cả những người đang dâng hiến tuổi xuân của mình nơi hoang vắng trên dải đất hình chữ S này xứng đáng được vinh danh, dù có thể đó chỉ là sự vinh danh trong thầm lặng mà thôi.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây