Đầu gối là nơi gặp nhau của 3 xương là xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Dây chằng có chức năng giữ đầu gối ổn định và kiểm soát vận động. Ngoài ra, đầu gối còn một số thành phần khác như gân, sụn và cơ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu gối. Trong một số trường hợp, cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn qua thời gian và ảnh hưởng đến dáng đi. Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần phải đi kiểm tra ngay lập tức.
Dáng đi khác thường
Hình dạng tự nhiên của đầu gối giúp phân bổ tốt áp lực từ cơ thể và cho phép chuyển động dễ dàng. Tuy nhiên, các yếu tố như vấn đề phát triển, bẩm sinh, viêm khớp, bệnh chuyển hóa xương, nhiễm trùng và chấn thương có thể khiến đầu gối bị cong vẹo, dẫn đến dáng đi bị ảnh hưởng.
Ở trẻ em, hầu hết trẻ sinh ra với chân hơi cong vẹo vào trong, hay nói cách khác là chân vòng kiềng. Nhưng khi trẻ lớn lên, chân sẽ thẳng dần và trở nên bình thường khi 7 hoặc 8 tuổi. Trong trường hợp chân trẻ không thẳng hoặc vẫn bị vòng kiềng một bên thì cha mẹ cần đưa đi kiểm tra.
Đi khập khiễng
Đi bộ là động tác lặp đi lặp lại trong trạng thái cơ thể được giữ thăng bằng. Chấn thương, nhiễm trùng, khối u ở chân, đầu gối hay hông sẽ làm gián đoạn chuyển động cơ thể khi đi bộ. Áp lực sẽ tác động lên vị trí đau và khiến dáng đi khập khiễng.
Nếu cơn đau đầu gối khó chịu đến mức khiến bạn phải đi khập khiễng thì đó là dấu hiệu cảnh báo cần khám bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân và mức độ đau đầu gối mà bác sĩ sẽ dùng thuốc, thiết bị hỗ trợ đi lại, vật lý trị liệu hay phẫu thuật.
Lảo đảo
Thông thường, đi lảo đảo là do các chấn thương vật lý gây ra như viêm gân, bong gân hay gãy xương. Với người cao tuổi, dáng đi lảo đảo còn có thể do viêm xương khớp. Sau nhiều năm, lớp sụn ở khớp bị mòn, dẫn đến khớp xương tăng ma sát và viêm nhiễm.
Có nhiều cách khác nhau để kiểm soát và điều trị viêm xương khớp. Bác sĩ có thể tiêm corticosteroid, đồng thời kết hợp vật lý trị liệu để cải thiện vận động cho bệnh nhân, theo Healthline.
Nguồn Thanhnien.vn