5 sai lầm khi rửa rau củ khiến các bà nội trợ đọc xong phải... giật mình

Thứ bảy - 09/07/2016 04:28
Thói quen rửa rau củ hàng ngày của nhiều bà nội trợ như rửa qua nước, ngâm trong nước muối, nước vo gạo… đều hết sức sai lầm, thậm chí có thể khiến rau củ quả ngấm nhiều hóa chất hơn.
5 sai lầm khi rửa rau củ khiến các bà nội trợ đọc xong phải... giật mình

1. Rau chỉ cần rửa 2-3 nước là sạch

Thói quen của nhiều chị em nội trợ là rau chỉ cần rửa 2,3 nước là sạch hết các loại vi trùng rồi đem chế biến.

Thực tế thì bạn đã nhầm, rửa 2-3 nước khó có thể loại bỏ được tối đa chất bẩn như đất, rác, kí sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.

Và suy nghĩ chần qua rau rồi nấu cho an toàn lại càng sai lầm. Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cho biết, thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu nhằm bảo đảm vệ sinh vừa đẹp màu khi ăn là không cần thiết, thậm chí là phí. Cách chần này vừa làm giảm vitamin vừa làm mất các chất dinh dưỡng có trong rau.

Cách tốt nhất là phân thành từng loại rau để rửa. Rau ăn lá, rau gia vị được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá. Vì thế, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa từng lá, cọng dưới vòi xối.

Các cành rau nhỏ như rau muống... phải rửa làm nhiều lần, sau đó rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước. Cách tốt nhất hiện nay để loại bỏ các khuẩn tả là ngâm qua nước. Một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (một thìa nhỏ) muối ngâm trong vòng 5 phút.

Rau ăn quả thường ít ô nhiễm hơn rau ăn lá, cho nên khi mua về hãy rửa sạch từng quả rồi bọc nylon cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày. Với cách này, rau quả vẫn đảm bảo độ tươi ngon, vừa có thời gian để thuốc phân hủy. Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối. Tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày vì quả dễ bị hỏng.

Rau ăn củ nói chung đảm bảo an toàn hơn nên không cần ngâm nước muối hay thuốc tím. Khi chế biến rau củ nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại lần nữa. Cách này hạn chế các chất bẩn dính ngoài vỏ củ vào phần thịt củ đã gọt.

2. Rửa rau bằng cách ngâm lâu trong nước 

Phương pháp này vừa phản tác dụng với rau đã được phun hóa chất vừa làm mất giá trị dinh dưỡng của rau. Bởi vì, trong rau xanh chứa rất nhiều nước, nếu ngâm lâu rau trong nước sẽ khiến nước bên ngoài xâm nhập vào rau. Đến khi vách tế bào bị phá vỡ do lượng nước thẩm thấu quá nhiều thì dung dịch trong tế bào chất sẽ hòa tan với môi trường nước bên ngoài. Vì vậy, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hòa tan với nước.

Ngoài ra, nếu bạn ngâm rau qua đêm thì sẽ thất thoát một lượng lớn vitamin như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein trong rau.

Cách để rửa rau được sạch nhất là với những loại rau trồng dưới nước thì nên rửa trực tiếp từng lá rau dưới vòi nước sạch, dùng nước lạnh tốt hơn. Với các hoa quả hay rau củ mềm thì chà xát nhẹ nửa phút đến một phút, tránh mạnh tay kẻo rau củ bị nát. Những sản phẩm khó cọ thì dùng các loại bàn chải phù hợp để cọ.

3. Ngâm nước muối

Sử dụng muối là phương pháp rửa rau truyền thống mà lâu nay các bà nội trợ vẫn rỉ tai nhau, cần bỏ ngay. Nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, chứ không thể loại bỏ được hoàn toàn hóa chất. Thậm chí nếu ngâm bằng nước muối quá đặc, trong thời gian dài dễ làm rau bị nát, mất ngon, thậm chí khiến các chất bẩn thẩm thấu ngược lại.

Cách tốt nhất là sử dụng ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.

4. Ngâm rau trong nước vo gạo

 Rất nhiều bà nội trợ vẫn sử dụng nước vo gạo để làm sạch và khử độc rau quả vì cho rằng nước vo gạo có khả năng làm sạch chính là nhờ nhóm vitamin B như B1, B12… kèm theo đó, các tinh chất khác của gạo cũng được hòa tan trong nước gạo giúp cho nước này trở thành một dạng dung môi có khả năng hòa tan, khử độc rất tốt trong việc ngâm rau quả.

Suy nghĩ đó quả là sai lầm, khi rau củ quả tồn dư hóa chất cao và đã ngấm vào trong thì nước gạo không có tác dụng loại bỏ. Thực chất việc ngâm này chỉ mang tính tâm lý.

Tuy nhiên, lưu ý khi sử dụng nước vo gạo ngâm rau chúng ta nên để nước vo gạo lên men sẽ tác dụng nhiều hơn. Bởi nước vo gạo sau khi lên men sẽ chuyển hóa tinh bột và vitamin B1 thành axit lactic nên có khả năng khử cao, tác dụng mạnh hơn. Vì thế, không chỉ rửa rau mà dùng để rửa bát đĩa, vệ sinh các đồ dùng cũng sẽ tốt hơn.

Sau khi rửa thực phẩm, các đồ dùng xong cần rửa lại bằng nước sạch hoặc không dùng cho những thực phẩm dễ bám mùi như thịt, cá… bởi đặc tính của nước vo gạo khi lên men chính là mùi chua gây khó chịu.

5. Sử dụng máy rửa rau quả và nước rửa rau quả

Các bà nội trợ còn biết đến nước rửa rau quả hiện bán trên thị trường. Thành phần chính của các loại dung dịch này thường là nước khử ion, acid citric, sodium, hương liệu... Tuy vậy, loại nước rửa rau quả này cũng không thể loại bỏ hết vi khuẩn trong rau củ và tồn dư hóa chất bên trong rau củ quả.

Hiện trên thị trường có nhiều loại máy rửa rau quả bằng ozone và nhiều bà nội trợ vẫn có một niềm tin nội tâm rằng nhờ chúng mà rau củ sẽ sạch. Thực thế thì, không thể sử dụng ozone trong gia đình, nhà bếp.

Để rửa sạch các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hại có trong rau quả, những chiếc máy sử dụng công nghệ sục khí ozone này phải đạt đủ nồng độ ozone trong nước. Nhưng khi đã đủ nồng độ sát trùng hoặc có thể chưa đủ độ thì khí cũng sẽ thoát ra ngoài bếp nên sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người nội trợ.

Mặt khác theo khoa học, không được dùng ozone vào nước đã có clo, bởi nó có thể tạo ra một hợp chất mới độc hại. Trong khi nước máy hiện nay có chứa khá nhiều clo.

Cách tốt nhất là không dùng xà phòng, chất tẩy rửa, chất tẩy trắng: Các chất này có thể xâm nhập vào sản phẩm. Không gì có thể đảm bảo các chất này giúp làm cho trái cây và các loại rau sạch hơn cách thức rửa khác.

Với một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.

Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây