Có phải ăn vải khiến trẻ bị viêm não Nhật Bản?

Thứ năm - 07/07/2016 08:25
Gần đây thông tin ăn vải gây viêm não Nhật Bản đang khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng, không dám mua vải về ăn.
Trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ để lại di chứng vô cùng nặng nề
Trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ để lại di chứng vô cùng nặng nề
Có hay không việc ăn vải bị viêm não Nhật Bản
Giai đoạn tháng 6, tháng 7 thường được coi là "điểm nóng" của căn bệnh viêm não Nhật Bản với số trẻ mắc bệnh tăng lên, bệnh có những biến chứng phức tạp, để lại những di chứng nặng nề và có tỉ lệ tử vong cao. Có một điều trùng hợp là thời gian này cũng chính là thời gian chín rộ của quả vải, do đó đã có tin đồn cho rằng: Ăn nhiều vải chính là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ.
 
Các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, không dám mua vải về ăn dù loại quả này đang vào chính vụ.
Thời gian mùa vải chín rộ cũng là "mùa" của bệnh viêm não Nhật Bản
Tuy nhiên, theo ThS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Bệnh viêm não Nhật Bản lây qua muỗi đốt. Thế nên việc ăn vải hay không ăn vải không phải là vấn đề quan trọng. Ví như ở Hà Nội hay một số tỉnh không có vải, nhưng trẻ cũng vẫn bị mắc viêm não Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, vào mùa vải thì đúng là có nhiều loài chim bay đến kiếm ăn, trong đó có thể có một số loài mang virus này và khi chúng ăn thì sẽ để lại virus trên quả.
 
Đó cũng là một lí do giải thích vì sao bệnh tăng lên vào mùa vải. Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do mùa hè nắng nóng rất thuận lợi cho virus viêm não Nhật Bản phát triển, chứ không phải do trẻ ăn nhiều vải mà mắc viêm não".
Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền sang người qua muỗi đốt
Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Mùa viêm não Nhật Bản diễn ra vào cuối xuân đầu hè, hoặc cuối mùa hè đầu mùa thu nên các bậc phụ huynh cần cảnh giác. Khi trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.
 
Sở dĩ bệnh có tên là viêm não Nhật Bản là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản, các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra virus gây bệnh và đặt tên là virus viêm não Nhật Bản.
 
Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống - nơi virus nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê... và từ đó truyền sang người.
 
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. 
Chu trình lây nhiễm viêm não Nhật Bản sang người
PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, người dân cần hiểu đúng về bệnh viêm não Nhật Bản để có thể phát hiện, phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả.
 
 “Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản” , Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định.
 
Như vậy, ăn vải không hề liên quan đến bệnh viêm não Nhật Bản đáng sợ, người dân không nên hoang mang khi ăn loại quả này.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ
Lưu ý khi ăn quả vải để đảm bảo sức khỏe
Mặc dù ăn vải không bị viêm não Nhật Bản như tin đồn, nhưng nếu lạm dụng quả vải có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, người tiêu dùng đặc biệt là trẻ em cần lưu ý một số vấn đề khi ăn vải trong mùa hè:
 
Theo các chuyên gia, cơ thể trẻ nhỏ không thể tiêu hóa được một lượng vải lớn trong khoảng thời gian ngắn nên sẽ chuyển thành đường glucozơ hấp thu.
 
Do đó, lượng glucogen trong máu tăng cao nhưng không thể thải ra ngoài cơ thể sẽ dẫn đến nồng độ glucozơ trong máu hạ thấp. Xuất hiện tình trạng hạ đường huyết và trao đổi chất bị ảnh hưởng.
Vải là loại quả nhiều đường, do đó nên ăn tiết chế
- Khi cho trẻ con ăn, không được ăn quá năm quả, không nên ăn mỗi vải mà trước đó nên ăn cơm để tránh tình trạng hạ đường huyết.
 
- Có thể uống ít nước muối, trà lạnh, canh đậu xanh trước hoặc sau khi ăn vải, cũng có thể ngâm vải trong nước muối nhạt hoặc cho vào tủ lạnh đông cứng mới ăn, như vậy có thể tránh chứng “hư hỏa”.
 
- Khi trẻ có những triệu chứng như đói, không có sức, đau đầu… cần cho uống nước đường để giảm nhẹ triệu chứng.

Dấu hiệu trẻ mắc viêm não Nhật Bản:
- Sốt cao đột ngột 39-40 độ C  kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như  vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.

- Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọngnhư: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Phòng viêm não Nhật Bản:
Để phòng viêm não Nhật Bản cần tiêm vắc xin, đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Lịch tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi
+ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
+ Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Ngoài ra, người dân cần tiêu diệt muỗi là trung gian truyền bệnh cho người, khi ngủ cần mắc màn tránh bị muỗi đốt.

Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây