Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thử nghiệm để tìm hiểu mạng lưới của 50 gene gây ra các biểu hiện có liên quan đến tiểu đường tuýp 2. Các chuyên gia cũng định vị được một hợp chất có tên là sulforaphane, được tìm thấy một cách tự nhiên trong các loại rau họ nhà cải như bông cải xanh, cải brussels và bắp cải. Chất này giúp đóng tắt biểu hiện của các gene này - theo kết quả từ nghiên cứu phát hành trên Tạp chí Science Translational Medicine giữa tháng 6 qua.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cho bệnh nhân béo phì hấp thu sulforaphane, dưới dạng trích xuất từ bông cải xanh. Kết quả quan sát cho thấy những cải thiện ở khả năng hệ thống của bệnh nhân trong kiểm soát mức glucose và giảm sản xuất glucose - hai biểu hiện của tiểu đường có thể dẫn đến các bất ổn sức khỏe khác như bệnh động mạch vành, sự phá hủy thần kinh và mù lòa, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
“Thật phấn khởi khi có thể mở ra những khả năng điều trị tiểu đường tuýp 2”, chia sẻ của tác giả Anders Rosengren - Đại học Gothenburg (Thụy Điển).
Tiểu đường tuýp 2 - dạng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên toàn thế giới. Với người tiểu đường béo phì, lượng mỡ dư thừa quá mức trong gan làm cho cơ thể trở nên kém nhạy cảm hơn với insulin, gây khó khăn cho gan trong việc giúp điều hòa mức đường huyết. Thông thường, insulin được sản xuất bởi tụy, kích thích gan kéo glucose ra khỏi máu và dự trữ để dùng sau đó.
Người mắc tiểu đường tuýp 2 thường được khuyên nên thay đổi chế độ ăn để giúp kiểm soát mức đường huyết của mình. “Thay đổi lối sống là yếu tố then chốt trong điều trị tiểu đường nhưng thường vẫn cần sự kết hợp với điều trị thuốc”, theo chuyên gia.
Hiện nay, lựa chọn chủ yếu cho điều trị tiểu đường là thuốc metformin nhưng không phải ai cũng cần uống loại thuốc này. Có khoảng 15% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 bị suy giảm chức năng thận khi uống metformin có thể bị tăng nguy cơ hình thành lactic acid (lactic acidosis), làm bụng khó chịu, hơi thở gấp, đau cơ hay vọp bẻ, uể oải. Có khoảng 30% bệnh nhân uống metformin bị buồn nôn, đầy hơi và đau bụng.
Do vậy, các nhà nghiên cứu nhắm đến việc phát triển loại thuốc khác thay thế cho metformin.
Qua phân tích, các chuyên gia đã thu hẹp tổng số từ 1.720 gene xuống còn một hệ thống còn khoảng 50 gene gây ra mức đường huyết cao. Hệ thống này được gọi là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Sau đó các chuyên gia sử dụng một nguồn dữ liệu về các hợp chất dược có sẵn và phát triển một chương trình điện toán để xếp hạng các hợp chất này trong tiềm năng cải thiệu dấu hiện bệnh. Nói khác đi, là giúp tắt đi sự biểu hiện quá mức của các gene này.
Sulforaphane là hợp chết được xếp hạng cao nhất. Các chuyên gia đã tiến hành nhiều thử nghiệm xem liệu hợp chất này có thể giúp giảm mức đường huyết thật sự hay không. Sau khi tiến hành trên vật thử trong phòng thí nghiệm, các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm trên người.
Trong thời gian 12 tuần, 97 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 được cho hấp thu hợp chất sulforaphane trích xuất từ bông cải xanh dưới dạng bột với liều dùng cao hơn lượng có mặt tự nhiên trong bông cải xanh khoảng 100 lần.
Ở người không bị béo phì thì hợp chất sulforaphane không có ảnh hưởng gì cả. Còn với bệnh nhân tiểu đường bị béo phì, hiệu quả quan sát được một cách rõ rệt: mức tăng đường huyết giảm được 10% so với người chỉ dùng placebo. Liều dùng này đủ để giúp làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng sức khỏe khác mà không gây ra các bất ổn đường tiêu hóa hay các tác dụng phụ khác mà thuốc metformin có thể gây ra.
Huệ Trần
(theo Live Science)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự