Thực trạng đáng báo động
Cách đây 7 năm, người viết đã từng tham dự một cuộc Hội thảo về Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Viện VSATTP và đã nghe những con số đáng giật mình về những thực phẩm quen dùng hàng ngày như formol trong bánh phở, hàn the trong chả lụa, 3 MCPD trong nước tương, màu công nghiệp trong hạt dưa với những tỷ lệ đến 80% trong các mẫu xét nghiệm khi đó. Nhưng không hiểu sao đến nay tình hình lại tệ hơn và còn nguy hiểm ở chỗ dường như vượt khỏi tầm kiểm soát.
Và điều làm nhiều người lo sợ là sáng 22-7 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố kết quả khảo sát việc dùng chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal) trong sản xuất thực phẩm tại TP.HCM.
Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, cho biết Trung tâm đã thu thập 30 mẩu khảo sát, gồm 6 loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên.Kết quả khảo sát cho thấy có tổng số 24/30 mẫu, chiếm tỷ lệ 80% số lượng mẫu khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng.
Theo ông Chính, việc làm trắng các loại thực phẩm bằng chất làm trắng huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Trên thị trường hiện nay, bên cạnh các loại chả lụa, chả quế, chả chiên… với giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, nhiều loại chả với giá chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg bán rất chạy. Người ta đã sản xuất loại giò chả giá bèo này như thế nào khi mà giá thịt heo trên thị trường đã gần 100.000 đồng/kg? Ông chủ của một cơ sở giò chả lớn khẳng định: “Giò chả mà không có hàn the hoặc loại hóa chất tương tự thì chỉ có vứt chứ bán cho ai! Các thương hiệu lớn bán giá tới 200.000 đồng/kg chẳng qua là họ bán theo thương hiệu chứ thực chất cũng làm hàng như tụi này cả!”.
Các chủ cơ sở phân trần: “Chúng tôi cũng chẳng muốn làm như thế này nhưng bạn hàng đặt bao nhiêu tiền thì phải làm bấy nhiêu thôi, làm cao hơn thì bán cho ai? Hơn nữa, nếu mình không làm thì người khác cũng làm...”(!). Còn về hàn the thì khi vào cơ thể người, nó sẽ khó đào thải mà tích tụ trong gan, thận, gây tổn thương các bộ phận này, làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. (Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện 71 Trung ương, trích theo Người Lao Động). Thực sự rùng mình khi biết được quy trình biến thực phẩm hư hại, thối rữa, thiu ôi… thành thức ăn ở nhiều nơi.
Còn về đồ uống thì, nguy cơ ngộ độc từ nước giải khát vỉa hè cũng rất cao. Kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam vừa công bố, cho biết qua kiểm nghiệm trà chanh, trà bát bảo, nước mía, nước ngô, nhân trần, trà đá… kết quả cho thấy 90% mẩu nước giải khát đường phố Hà Nội nhiễm khuẩn E.Coli; 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc và 33% phát hiện hàm lượng kim loại nặng là: chì, thủy ngân… Đến cả gạo, người ta còn cố ý dùng hóa chất để làm cơm trắng nở gấp đôi, với lượng gạo khoảng 10kg, sau khi trộn bột hóa chất và đem nấu, sẽ thu được khoảng 20kg cơm, bất chấp những độc hại cho người tiêu dùng.
Chúng ta có một hệ thống kiểm soát đồ sộ và chằng chịt nhưng không hiểu sao những thứ hàng nhu yếu phẩm chứa chất độc hại ấy ngang nhiên tuồn vào các chợ, để người tiêu dùng phải hứng chịu tất cả? Trong khi đó, ngành chức năng cũng tỏ ra “mù mờ” trong vấn đề này, như phát biểu của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM: “Phương pháp lấy mẫu, phương pháp kiểm nghiệm theo quy trình nào, chúng tôi chưa nắm được. Những sản phẩm bị nhiễm xuất phát từ cơ sở sản xuất cho nên phải tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẩu xét nghiệm. Theo tôi, chỉ có thể quản chặt nhà sản xuất, vì chỉ nhà sản xuất mới biết họ bỏ chất gì vào, chất lượng sản phẩm ra sao. Cơ quan quản lý cũng mù mờ không biết cơ sở bỏ gì vào thì người dân cũng khó lòng biết được”.
Nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính của người Phật tử
Đệ tử Đức Phật có hai, đó là người xuất gia - dành thời gian và năng lượng cho sự tu tập giới định tuệ và truyền bá Chánh pháp; và, người tại gia - với các nguyên tắc đạo đức được tóm tắt trong năm giới và mười điều thiện, sống giữa cuộc đời.
Đức Phật không xem việc làm giàu là bất chính nhưng mục đích quan trọng nhất của kinh doanh vẫn là làm sao đem lại tiện nghi cho người khác và nhận thù lao tương đương với phần công sức của mình, và cuối cùng, tạo được một đời sống an lạc hạnh phúc cho chính mình và người khác, cho môi trường sống. Đạo đức kinh doanh là không nên kiếm siêu lợi nhuận, và nhất là làm ăn dối trá. Nguy hiểm nhất là không nên gây tổn hại cho khách hàng, không được phép làm những điều bất thiện, có hại cho bản thân, cho người khác và cho môi trường sống.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất bim bim không an toàn, phát hiện nguyên liệu làm bim bim đều của Trung Quốc, không có nguồn gốc rõ ràng - Ảnh: Afamily
Trong kinh Trung bộ, một hôm, Đức Phật đã chỉ bảo Rahula, rằng:
-“Này Rahula! Mục đích của tấm gương dùng để làm gì?
- Bạch Thế Tôn! Mục đích tấm gương dùng để phản tỉnh.
- Cũng vậy, này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.
- Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, ông nên biết “thân nghiệp này, ta muốn làm, có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, ông nhất định chớ có làm”. Đức Phật tiếp tục dạy rằng “sự phản tỉnh như vậy phải được thực hiện trước khi, trong khi và sau khi làm bất cứ thân nghiệp nào. Sau đó, Ngài đưa ra những lời dạy tương tự đối với khẩu nghiệp và ý nghiệp…”- (Kinh Giáo giới Rahula).
Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Thế nên, nếu đã hiểu giáo lý nhà Phật, trong những quyết định kinh doanh, chúng ta phải biết xem xét hậu quả cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ riêng bản thân mình, không gây tổn thương cho bất kỳ ai, khách hàng, nhà cung cấp, những người làm cho mình hay thậm chí môi trường. Việc làm giàu chỉ là phương tiện để có một đời sống ấm no, chứ không phải là mục đích sau cùng mà mình muốn đạt đến bằng mọi giá!
Hãy hình dung những kẻ sản xuất hàng gian hàng giả gây hại cho bá tánh hôm nay. Liệu sự giàu sang của họ có bền vững chăng, hay lúc nào cũng nơm nớp sợ bị phát hiện, tố cáo rồi chưa kể đến khi họ làm bậy, con cháu họ cũng sẽ theo “gương” ấy mà tiếp tục lao mình vào con đường bất chính. Chúng ta thấy ở nước ngoài những công ty phá hoại môi trường khi sản xuất cũng đã bị tẩy chay rồi chứ đừng nói đến việc sản phẩm gây hại cho nhân sinh. Những hãng dược phẩm như Tylenol trước đây hay Vioxx vừa được Công ty Dược phẩm Merck & Co thông báo thu hồi vì các dữ liệu mới từ một nghiên cứu mới, cho biết loại thuốc này có nguy cơ gây biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Sự giàu có là không tốt không xấu. Vấn đề là cách thức để tìm ra thu nhập và sử dụng nó. Điều đáng trách là những kẻ tham lam bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, bất chấp tính chất độc hại hay giả dối của sản phẩm từ hàng giả, cho đến thức ăn nhiễm độc, những tổn hại nghiêm trọng để lại cho cộng đồng, môi trường. Đạo đức kinh doanh không chỉ là một môn học cho doanh nhân mà là một tiêu chuẩn bắt buộc trong các quyết định kinh doanh. Một xã hội phồn thịnh vẫn chưa được xem là chuẩn mực của một xã hội văn minh nếu sự phát triển vật chất không đồng bộ với sự tiến bộ tinh thần và đạo đức.
Theo Phật giáo, khi thực hành Chánh mạng, mưu sinh với các nghề nghiệp không gây hại cho bản thân, cho người khác và môi trường, chúng ta sẽ gặt hái được sự an vui trong tâm thức và trong quan hệ với những người chung quanh, nhưng nếu vì một động cơ xấu xa, thiếu hướng thiện, thì sẽ phải gặt hái đau khổ, vận hành theo luật nhân quả. Như doanh nhân Nguyễn Tuấn Khải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế có lần phát biểu: “Ở nước ta, đạo Phật đã ăn sâu vào trong tâm trí con người. Người ta làm việc gì cũng nghĩ đến phải “để phúc cho con cái”, đó là chính là một quan niệm của đạo Phật, gieo nhân nào thì được quả ấy… Đối với một doanh nghiệp cũng vậy, nếu doanh nghiệp làm ăn có nhiều thủ đoạn thì doanh nghiệp đó không bao giờ thành công và bền vững được”.
Điều đáng mừng là trong xã hội hiện nay, có những người đã bị lòng tham xúi giục, làm giàu bằng mọi cách, thì vẫn có những doanh nhân, nhà sản xuất đã nhận thức được lý nhân quả, vượt qua chính mình để không quá mờ mắt, bị quyến rũ vì những món lợi bất chính, để lại tổn hại nghiêm trọng cho xã hội.
Tác giả bài viết: Nguyên Cẩn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự