Bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM, cho biết bỏng nắng là hiện tượng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời khiến da bị bỏng, hồng ban, bong tróc hoặc mụn rộp kèm theo đau rát. Khi đó, bạn cần ngay lập tức hạ nhiệt và làm dịu vùng da bị tổn thương.
Bỏng nắng là một tình trạng cấp tính tạm thời của da, nhưng cháy nắng do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) mặt trời có thể gây tổn thương lâu dài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
Ngoài tổn thương da tại chỗ như đỏ da, bỏng rát, mụn rộp, nó có thể gây ra triệu chứng toàn thân nếu có tổn thương rộng như đau đầu, sốt và mệt mỏi. Khi đó, bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn, tránh các tổn thương ngày càng rộng và ảnh hưởng triệu chứng toàn thân nghiêm trọng.
Bỏng da khiến da bị đỏ, tấy và xuất hiện mụn nước khó chịu. Ảnh: Medical New Today
Da bị cháy nắng cần được làm mát da càng sớm càng tốt. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh, khăn ướt, gạc ẩm hoặc đá được bọc trong một chiếc khăn, xoa nhẹ lên vùng da cháy nắng để giúp da có cảm giác mát hơn, cân bằng nhiệt độ cho vùng da bị cháy nắng. Không nên đặt quá lâu hoặc trực tiếp đá lạnh hoặc khăn quá lạnh lên da vì khiến làn da dễ khô và kích ứng hơn.
Cách tốt nhất nên sử dụng từ từ cho da quen dần với nhiệt độ làm mát. Tùy vào tình trạng của da mà bạn có thể làm điều này trong 10-15 phút hoặc thậm chí trong vài giờ. Nếu bạn bị cháy nắng toàn thân, bạn cũng có thể tắm với nước mát dưới vòi hoa sen để làm dịu cơn đau rát. Giữ một lớp nước mỏng trên da rồi bôi một loại kem dưỡng ẩm cho toàn thân.
Sử dụng loại kem dưỡng ẩm có chứa những thành phần nha đam, bạc hà, đậu nành sẽ giúp làm dịu làn da, phục hồi tổn thương bởi tinh chất trong nha đam không chỉ có tác dụng làm mát cho da mà còn hoạt động như một chất chống viêm. Không nên sử dụng các loại kem hoặc kem có chứa dầu mỏ, benzocaine hoặc lidocaine, vì chúng có thể giữ nhiệt trong da hoặc gây kích ứng da nhất là da bị bỏng nắng.
Nếu bạn cảm thấy khó chịu có thể sử dụng hydrocortisone 0,5-1% trong 48 giờ có thể làm giảm đau và sưng do cháy nắng và chống viêm tốt .Tuy nhiên điều này tốt nhất nên tránh ở trẻ nhỏ.
Lưu ý, khi thoa kem nên thoa nhẹ nhàng, tránh hiện tượng vỡ nếu da bị rộp vì nó sẽ khiến vết da cháy nắng của bạn tệ hơn bởi khi da bạn có mụn nước có nghĩa là bạn bị cháy da cấp độ hai. Đừng cố gắng lấy đi mụn nước, hãy để mụn nước tự lành sẽ giúp bạn tránh khỏi nhiễm khuẩn da.
Bổ sung nước rất cần thiết cho cơ thể, đồng thời giúp làm dịu da, hạn chế việc mất nước ở da do bỏng nắng. Nên uống 8-10 ly nước lọc mỗi ngày giúp tăng cường trao đổi chất và hoạt động của cơ thể và giúp làn da nhất là làn da tổn thương mau chóng khỏe mạnh, mềm mịn hơn. Ngoài nước lọc bạn có thể thay thế bằng các loại nước ép chứa nhiều vitamin E, A, C như cam, bưởi, cà rốt, cà chua...
Trang Weather Online của Anh dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tối đa trong hai ngày tới tại Hà Nội và TP HCM dao động quanh mức 8 đến 10. Bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng quần áo che chắn vùng da bị ảnh hưởng: mặt, tay, chân... nên mặc quần áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành.
Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài, dù trời có nhiều mây do tia UV có thể xuyên qua mây gây tác hại đến làn da bạn. Sử dụng kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên, thoa lại sau mỗi 2-3 tiếng hoặc sau khi tắm. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp ánh nắng tầm 9-10 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều.
Nguồn tin: vnexpress
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự