Cảnh giác với mầm mống ung thư nguy hiểm dễ bị chẩn đoán nhầm

Thứ hai - 30/11/2020 15:22
Trào ngược dạ dày - thực quản là bệnh phổ biến, có thể có triệu chứng ợ chua, nóng… hoặc không. Những người bị trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Cảnh giác với mầm mống ung thư nguy hiểm dễ bị chẩn đoán nhầm

Tôi bị trào ngược thực quản, viêm hang vị dạ dày không có HP. Tôi đang uống thuốc nhưng dạo này có cảm giác thức ăn trào ngược lên, nghẹn và tức. Tôi cũng bị đau họng và đã đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán viêm họng, theo dõi thêm viêm xoang nhưng hết thuốc mà họng tôi vẫn đau, đặc biệt ở vùng dưới cuống họng. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì? (Bích Ngọc, Hà Nội)

ThS.BSCK II Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Trào ngược dạ dày - thực quản là một rối loạn tiêu hóa xảy ra khi dịch axit trong dạ dày hoặc thức ăn trào ngược từ dạ dày lên trên thực quản. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi. Khi dịch axit trào lên như vậy sẽ gây những tổn thương ở thực quản, họng, miệng dẫn đến một số biểu hiện hay gặp như: nuốt đau, nuốt khó, viêm họng mạn tính, khàn tiếng, viêm thanh quản, sâu răng, hôi miệng, đau tức ngực, tăng tiết nước bọt

Những dấu hiệu này khiến các bệnh nhân thường đến gặp các bác sĩ chuyên khoa khác như: tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt,… từ đó dẫn đến việc điều trị không triệt để, vì căn nguyên của nó là trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.

Bệnh này thường gặp ở các bệnh nhân có tăng tiết dạ dày như hội chứng Zollinger-Ellison; bệnh nhân xơ cứng bì, tăng canxi trong máu; thừa cân, béo phì; phụ nữ khi mang thai; mặc đồ bó, đồ chật; hút thuốc lá; stress; ăn quá nhiều thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, chua; lạm dụng đồ uống có cồn như bia, rượu…

Chẩn đoán trào ngược dạ dày - thực quản thường dựa trên nội soi. Về điều trị, chủ yếu tập trung vào thay đổi thói quen, lối sống, chế độ ăn uống sinh hoạt, ví dụ: không ăn quá no, không ăn uống trước khi đi ngủ tối thiểu 3 tiếng, không uống đồ uống có cồn, không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích, không ăn thực phẩm có khả năng tăng tiết axit như cam, quýt, cà chua; tránh các chất gây kích thích dạ dày như: hạt tiêu, đồ ăn cay nóng, chocolate, bạc hà, dầu mỡ; không thức quá khuya, tăng cường tập thể dục, thể thao; khi đi ngủ cần để đầu cao và tốt nhất nằm nghiêng bên trái; duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

Ngoài ra, khi đi khám các bác sĩ có thể kê một số thuốc giúp làm giảm lượng axit dạ dày, trung hòa axit, tăng trương lực của cơ tiêu hóa.

Với tình trạng của bạn, chúng tôi khuyên nên đi khám sớm để kiểm tra tình trạng trào ngược đến mức độ nào. Chúng tôi nhận thấy các tổn thương mà bạn mô tả về họng, về thanh quản là do axit trào ngược trong thời gian khá dài.

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây