Dưới đây là những gì bạn có thể làm để đảm bảo cho cơ quan này hoạt động bình thường trong suốt cuộc đời.
Thận đảm nhiệm công việc gì?
Thận đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Thận khỏe mạnh tạo ra nước tiểu, loại bỏ chất cặn bã và nước thừa ra khỏi máu, kiểm soát sự cân bằng hóa học của cơ thể, điều hòa huyết áp, giúp duy trì xương khỏe mạnh và giúp bạn sản sinh tế bào hồng cầu.
Bệnh thận mãn tính là gì?
Bệnh thận mãn tính ảnh hưởng đến 10% dân số trên toàn thế giới, là sự mất dần chức năng của thận. Bệnh thận mãn tính có thể gây ra bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ, huyết áp cao, xương yếu, tổn thương thần kinh, suy thận, thiếu máu và thậm chí tử vong.
Bệnh thận mãn tính: "sát thủ" thầm lặng
Bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Trên thực tế, người mắc bệnh thận mãn tính có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi gặp bất kỳ triệu chứng nào, đó là lý do tại sao bệnh thận mãn tính được gọi là "sát thủ thầm lặng". Căn bệnh này thường không được phát hiện cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn nặng, khi người bệnh cần chạy thận hoặc cấy ghép thận.
Bệnh thận mãn tính: những nguyên nhân chính
Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh thận mãn tính là đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch và tiền sử gia đình mắc bệnh thận, đái tháo đường hoặc huyết áp cao.
Bệnh thận mãn tính: các yếu tố nguy cơ khác
Mặc dù bệnh thận mãn tính có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc, song một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Các yếu tố nguy cơ bệnh thận mãn tính bao gồm người già từ 60 tuổi trở lên, béo phì, cân nặng sơ sinh thấp, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kéo dài (ibuprofen, naproxen), lupus hoặc các rối loạn tự miễn dịch khác, nhiễm trùng tiết niệu mãn tính (UTIs) và sỏi thận.
Các triệu chứng của bệnh thận mãn tính
Bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, bệnh thận mãn tính đã có thể rất nặng. Hãy chú ý nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây: mệt mỏi hoặc suy nhược, đi tiểu khó hoặc đau, nước tiểu có bọt, nước tiểu màu hồng hoặc sẫm có lẫn máu, khát nước nhiều và hay phải đi tiểu (đặc biệt là vào ban đêm), phù mắt và mặt, bàn tay, bụng, mắt cá chân và/hoặc bàn chân.
Xét nghiệm bệnh thận mãn tính
Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình có nguy cơ cao phát triển bệnh thận mãn tính, thì điều quan trọng là phải đi xét nghiệm, nhất là vì bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Có 4 xét nghiệm mà bạn nên hỏi bác sĩ: huyết áp, protein trong nước tiểu, creatinine trong máu và tốc độ lọc cầu thận. Xét nghiệm thứ tư là phương pháp đo chức năng thận nhạy và chính xác nhất.
Nếu bị bệnh thận mãn tính
Nếu bị bệnh thận mãn tính, bạn sẽ cần phải thực hiện thêm một số biện pháp phòng ngừa để giữ sức khỏe, chẳng hạn như hạ huyết áp nếu huyết áp cao, duy trì lượng đường trong máu thích hợp nếu bị đái tháo đường và tiêm phòng cúm hàng năm. Bạn cũng nên tránh dùng thuốc NSAID, vì việc sử dụng kéo dài các loại thuốc giảm đau không kê đơn này có thể dẫn đến tổn thương thận.
Bệnh thận mãn tính và cúm
Với những người bị bệnh thận mãn tính, cúm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phế quản và viêm phổi, dẫn đến phải nhập viện, thậm chí tử vong. Bệnh thận mãn tính làm giảm phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiễm trùng, khiến việc phục hồi trở nên khó khăn hơn nhiều. Đó là lý do tại sao bất kỳ ai mắc bệnh thận mãn tính đều nên chủng ngừa cúm và tuân theo các biện pháp phòng ngừa cơ bản khác, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh, nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Dinh dưỡng và bệnh thận mãn tính
Nếu bị bệnh thận mãn tính, bạn sẽ cần phải theo dõi một số khía cạnh trong chế độ ăn uống để giảm gánh nặng của thận. Bắt đầu bằng cách gặp bác sĩ dinh dưỡng để xác định nhu cầu và những thách thức cụ thể của bạn. Ví dụ, bạn có thể sẽ cần tiêu thụ protein ở mức độ vừa phải, vì protein tạo ra chất thải gọi là urê mà thận phải loại bỏ khỏi máu. Tuy nhiên, nếu thận không hoạt động bình thường, urê có thể tích tụ trong cơ thể và gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và có vị khó chịu trong miệng.
Giữ đủ nước
Ngay cả khi không bị bệnh thận mãn tính, bạn vẫn nên chăm sóc thận của mình để có sức khỏe tốt nhất. Đảm bảo uống nhiều nước (4-6 ly mỗi ngày), nhưng đừng vượt quá mức này. Trái với suy nghĩ của nhiều người, không có nghiên cứu nào chứng minh việc uống thật nhiều nước là một phương pháp hiệu quả trong việc tăng cường chức năng thận.
Ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên
Vì đái tháo đường và huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề về thận, hãy đảm bảo duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên để giữ vóc dáng cân đối. Nhưng đừng lạm dụng. Gắng sức quá mức khi không khỏe có thể gây căng thẳng cho thận.
Hãy cẩn thận với các loại thực phẩm chức năng và thảo dược
Quá nhiều chế phẩm bổ sung vitamin và một số chất chiết xuất từ thảo dược thực sự có thể gây hại cho thận. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi uống vitamin và các liệu pháp thảo dược, ngay cả khi chúng không cần đơn.
Đừng hút thuốc
Hút thuốc luôn là một ý tưởng tồi, nhưng nó còn có hại cho thận. Hút thuốc làm hỏng các mạch máu, do đó làm giảm lưu lượng máu đến thận. Nếu lượng máu đến không đủ, thận không thể hoạt động bình thường. Hút thuốc cũng có thể dẫn đến huyết áp cao (một nguyên nhân của bệnh thận mãn tính) và ung thư thận.
Đừng dễ dãi với thuốc không kê đơn
Bạn có thể nghĩ rằng thuốc không kê đơn là vô hại vì chúng không cần đơn của bác sĩ, nhưng những loại thuốc không kê đơn phổ biến như ibuprofen và naproxen (NSAID) có thể gây tổn thương thận nếu dùng quá thường xuyên trong thời gian dài. Nếu bạn bị đau mãn tính hoặc viêm khớp, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc theo dõi thận và xem có cách nào khác để kiểm soát cơn đau hay không.
Uống có chừng mực
Uống rượu có chừng mực luôn là một ý hay, nhưng điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn bị bệnh thận. Thận hoạt động như một bộ lọc, loại bỏ các chất độc hại khỏi máu, bao gồm cả rượu. Rượu làm giảm chức năng thận, giảm khả năng lọc máu và duy trì lượng chất lỏng thích hợp trong cơ thể. Rượu cũng có thể làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận. Hơn nữa, uống rượu trong thời gian dài có thể làm hỏng gan, làm tăng thêm khối lượng công việc của thận.
Hạn chế muối
Muối ảnh hưởng đến huyết áp và lượng nước trong cơ thể - hai khía cạnh quan trọng của sức khỏe thận. Nên theo dõi lượng muối, đặc biệt nếu bạn bị bệnh thận. Tránh thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, đồ hộp, đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều muối. Hãy nấu ăn ở nhà và thay vào đó sử dụng các loại gia vị khác, chẳng hạn như thảo mộc và gia vị.
Duy trì cân nặng hợp lý
Vì huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh thận mạn tính nên việc duy trì cân nặng hợp lý là rất quan trọng. Thừa cân dẫn đến huyết áp cao hơn, vì vậy hãy đảm bảo thực hiện các bước để đạt được cân nặng bình thường, từ đó giữ cho thận khỏe mạnh và hoạt động bình thường.
Theo dõi huyết áp
Nhiều người biết rằng huyết áp cao có hại cho tim, nhưng ít người nhận ra rằng huyết áp cao cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương thận. Theo dõi huyết áp để đảm bảo luôn ở mức bình thường. Nếu mức huyết áp của bạn vượt quá 120/80, bạn sẽ cần thực hiện một số thay đổi về lối sống và chế độ ăn để giữ cho thận và tim khỏe mạnh.
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự