Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và đoạn chi không do chấn thương tại Việt Nam. Việc chăm sóc kỹ bàn chân ở người bệnh đái tháo đường rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng loét bàn chân có thể gây tàn phế suốt đời.
Hướng dẫn tự chăm sóc bàn chân:
Tự khám bàn chân mỗi ngày
Người bị tiểu đường tự khám bàn chân bằng cách kiểm tra có chỗ nào bị chai, vết nứt, trầy xước, nốt phồng hay sưng đỏ không và xem sự phát triển của móng chân. Nếu có bất thường nên đến khám tại các cơ sở y tế ngay. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần ổn định đường - huyết, phối hợp ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ.
Rửa sạch chân, giữ ấm
Người bệnh nên dùng nước ấm và xà phòng trung tính vỗ nhẹ vào da, sau đó lau khô, đặc biệt vùng kẽ ngón, cuối cùng thoa chất làm ẩm da. Lưu ý không nên chà mạnh, ngâm chân trong nước nóng, nước muối, dung dịch tẩy rửa hay thoa chất dưỡng ẩm vào vùng kẽ ngón.
Chăm sóc vết chai
Sau khi người bệnh tắm xong, để da đủ mềm, dùng đá bọt, bàn mài chà theo một hướng. Lưu ý không nên cắt gọt vết chai bằng vật sắc nhọn hay cắt vào gốc móng.
Cắt móng chân
Bệnh nhân tiểu đường nên cắt móng chân theo hướng vòng cung, giũa tròn các góc và khóe móng mỗi tuần một lần. Không nên cắt ngang, lấn sâu vào móng hay móc khóe chân.
Mang vớ và giày
Nên mang vớ mềm, vừa vặn, không quá bó, làm bằng sợi tự nhiên như bông sợi, len. Người bệnh có thể dùng miếng lót hỗ trợ giúp phân bố đều lực và giảm sang chấn. Nên trang bị hai đôi giày trở lên để thay đổi mỗi ngày, lưu ý kiểm tra dị vật bên trong trước khi mang giày.
Bệnh nhân không nên đi chân đất, kể cả trong nhà, không mang giày chật làm trầy gót hoặc ngón chân. Sau mỗi giờ mang giày nên cởi ra, để chân bên ngoài một thời gian sau đó mới mang giày tiếp.
Chọn giày thích hợp
Người bệnh nên mua giày vào buổi chiều tối. Giày phải mang thoải mái ngay từ lúc mới mua. Tốt nhất nên đặt riêng một đôi giày cho mình. Lưu ý, giày phải kín ngón và gót, bên trong mềm mại, không bị gồ, chất liệu bằng da nên được ưu tiên. Không mang dép xỏ ngón hay giày cao gót.
Vận động
Khi ngồi nên kê chân cao, tránh ngồi xổm, xếp bằng, bắt chéo chân lâu, hạn chế vận động khi đau chân.
Cẩm Anh
(VnExpress)