Nếu chỉ dùng thuốc để giảm huyết áp thì sẽ không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh, đây không phải là điều tốt đối với sức khỏe về lâu dài.
Đông y cho rằng cao huyết áp có nguyên nhân như vấn đề về cảm xúc, yếu tố môi trường, các cơ quan khác của cơ thể không khỏe đều có thể dẫn đến cao huyết áp. Chữa trị bắt đầu từ những nguyên nhân này mới có thể thật sự giúp cơ thể hồi phục, dần dần không còn cần phải ỷ lại vào việc dùng thuốc nữa.
Tôi có một bệnh nhân trung niên khoảng 50 tuổi, bà ấy hơi mập. Bà ấy cho hay huyết áp của mình luôn ở trong khoảng 200, con số này là rất cao, đã từng chữa trị theo Tây y nhưng không khỏi. Sau khi tôi điều trị một khoảng thời gian thì huyết áp của bệnh nhân này đã giảm xuống còn 140~150.
Bà ấy rất vui, nói với mọi người rằng bác sĩ Hồ đã chữa khỏi bệnh cao huyết áp của mình rồi.
Tôi nói bà ấy đừng nói thế, không hẳn là do tôi chữa khỏi bệnh “cao huyết áp” của bà đâu. Sở dĩ hạ được huyết áp là vì bà thay đổi trạng thái của bản thân mình.
Bà ấy có tính khí thất thường và rất dễ nổi giận. Ban đầu khi chữa trị, tôi có yêu cầu bà ấy đầu tiên là đừng nổi giận nữa. Tôi kê toa thuốc bình ổn cảm xúc để giúp bà ấy cải thiện cảm xúc dễ nổi giận của mình. Một khoảng thời gian sau, huyết áp của bà ấy đã tự nhiên giảm xuống. Thật ra thì rất đơn giản, là do cảm xúc gây ra bệnh cao huyết áp của bà ấy.
Còn có một bệnh nhân khác, sau khi đi bệnh viện kiểm tra thì phát hiện bà có huyết áp cao tới 200, nhưng kỳ lạ là khi bác sĩ kê toa thuốc giảm huyết áp thì bà ấy lại cảm thấy cơ thể “vô cùng khó chịu”. Vì sao vậy? Điều này có thể là do mạch máu của bà ấy có chỗ bị tắc không thông, dẫn đến việc não hoặc các cơ quan khác không được cung cấp đủ máu và oxy. Cơ thể chúng ta sẽ tự động tăng huyết áp để cung cấp máu lên não. Lúc này tuy dùng thuốc có thể làm giảm huyết áp, khiến chỉ số huyết áp trở về mức bình thường, nhưng não lại vẫn bị thiếu máu và oxy, điều này khiến cho vấn đề huyết áp không hề được giải quyết và áp lực máu cũng không đủ để cung cấp cho não, vì thế khiến bà ấy cảm thấy khó chịu.
Nguyên nhân gây ra cao huyết áp
Vậy thì cao huyết áp do những yếu tố nào gây nên?
Khoa học phương Tây hiện nay cho rằng cao huyết áp là một căn bệnh. Thế nhưng y học cổ truyền thì lại không hề nhắc đến cao huyết áp, cũng như không xem đây là một “căn bệnh”. Nói đúng ra thì cao huyết áp là “triệu chứng” do “nhiều căn bệnh” gây ra.
Do một số căn bệnh khiến huyết áp tăng cao, nên ngày nay chúng ta gọi là “cao huyết áp thứ phát”. Ví dụ như bệnh thận, cường giáp v.v… có thể dẫn đến cao huyết áp. Chỉ cần chữa khỏi những căn bệnh này, huyết áp sẽ tự nhiên giảm xuống.
Còn một loại khác là “cao huyết áp nguyên phát”, loại này là do tim mạch, không có liên quan đến những căn bệnh nêu trên, có thể nguyên nhân gây ra cao huyết áp loại này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường, không thể giải thích bằng một nguyên nhân duy nhất nào được.
Thật ra, thời tiết lạnh cũng có thể dẫn đến cao huyết áp, uống rượu lâu ngày hoặc tâm trạng luôn căng thẳng, lo âu, dễ nổi giận v.v… cũng có khả năng gây cao huyết áp. Huyết áp của một số bệnh nhân sẽ trở lại bình thường sau khi giải quyết các vấn đề này.
Tâm trạng luôn căng thẳng, lo âu, dễ nổi giận v.v… cũng có khả năng gây cao huyết áp. (Ảnh: Shutterstock)
Rất nhiều người bị cao huyết áp có thể là do “thiếu oxy”
Khi người bệnh bị cao huyết áp, tôi thường hỏi họ, anh/chị có bị bệnh nào khác hay không? Hãy cho tôi biết những triệu chứng của căn bệnh đó. Sau đó, tôi sẽ xử lý dựa trên tất cả các triệu chứng, thường thì phương pháp này sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Dựa theo quan sát lâm sàng, đa phần người bệnh cao huyết áp có những triệu chứng như: mặt đỏ, cứng cổ, tim đập nhanh, cảm thấy buồn ngủ.
Thế nhưng, “thiếu máu và thiếu oxy” cũng có những triệu chứng này. Vậy thì rốt cuộc cái nào là nguyên nhân, còn cái nào là kết quả?
Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, hay Đông y còn gọi là “ứ huyết khối”, máu không vận chuyển được lên não hoặc các cơ quan khác, gây thiếu oxy. Lúc này, tim phải dùng lực mạnh hơn để đưa máu lên não, gan hoặc các bộ phận khác, do đó khiến huyết áp tăng cao.
Ví dụ như ở cổ có động mạch cảnh, máu cần phải đi qua động mạch cảnh để lên đến não. Nhưng nếu có một nơi nào đó trên đường đi của động mạch cảnh bị tắc nghẽn, hay còn gọi là “nghẽn máu”, máu bị cản lại dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho não. Vì vậy phải dùng lực mạnh hơn để máu đi vào, khiến huyết áp tăng cao. Đến khi não đã được cung cấp đủ máu, oxy và dưỡng chất thì huyết áp sẽ tự động giảm xuống. Thật ra đây là một loại khái niệm về “cân bằng”.
Nhiều người bị cao huyết áp có thể là do “thiếu oxy” lên não. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Trường kỳ phụ thuộc vào thuốc hạ huyết áp không giải quyết nguyên nhân căn bản, có thể sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn
Những người bệnh cao huyết áp thường ỷ lại vào thuốc hạ huyết áp. Đối với những người bệnh bị não thiếu oxy, tuy huyết áp đã giảm, nhưng não vẫn không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất, vì vậy tim buộc phải dùng áp lực mạnh hơn khiến huyết áp không ngừng tăng cao.
Khi tim dùng lực lớn nhất rồi mà vẫn không thể đưa được máu lên não, cơ tim sẽ trở nên phình ra để khiến cho lực đẩy của cơ tim mạnh hơn, vì thế có thể sẽ gây “cơ tim phì đại”.
Khi đã bị cơ tim phì đại sẽ rất dễ gây ra cao huyết áp mãn tính, trong trường hợp mạch máu hơi giòn (do bên trong thành mạch máu tích tụ nhiều cholesterol) sẽ dễ vỡ và gây xuất huyết não. Vì vậy cao huyết áp có thể sẽ dẫn đến đột quỵ.
Đây chính là sự hiểu lầm về “huyết áp” của mọi người.
Phương pháp cải thiện cao huyết áp theo Đông y
Đông y chữa trị cao huyết áp bằng cách dùng thuốc để cải thiện suy nghĩ của người bệnh, tuần hoàn máu não và các cơ quan trong cơ thể, giúp mạch máu mở rộng, đồng thời loại bỏ sự “nghẽn máu” trên đường vận chuyển máu, để máu lưu thông dễ dàng hơn. Một khi máu được lưu thông, huyết áp tự nhiên cũng sẽ trở lại bình thường.
Kỳ thực về vấn đề huyết áp, chúng ta hiện nay cần phải suy xét nhiều hơn. Đông y ngày nay cũng thường đồng ý với quan niệm Tây y, có nghĩa là ỷ lại vào thuốc hạ huyết áp. Thật ra thì quan trọng hơn hết là phải tập trung vào “nguyên nhân cốt lõi” gây ra cao huyết áp.
Theo Hồ Nãi Văn (Bác sĩ Đông y cổ truyền, Đài Bắc)