Dưới đây là một số lời khuyên về thực phẩm khi bạn bị cảm vì chúng góp phần giúp bạn mau hồi phục hơn.
1 - Hạn chế đồ ngọt
Hấp thu nhiều đường có thể làm yếu hệ miễn dịch của chúng ta. Mức đường tăng cao làm giảm khả năng chống viêm nhiễm của tế bào bạch cầu.
Ngoài ra, đường cũng làm tăng số lượng các đánh dấu viêm nhiễm gọi là cytokines, tạo ra viêm nhiễm trong cơ thể. Vì vậy, hãy tránh ăn đồ ngọt khi bạn đang bị cảm.
2 - Tránh các thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản
Các loại carbohydrate tinh luyện dễ dàng phân hủy thành đường một cách nhanh chóng, làm tăng mức đường huyết như các thức uống, đồ ăn ngọt khác và cũng gây ra viêm nhiễm cho cơ thể.
Dù vậy, không phải tất cả các loại carbohydrate đều xấu. Các carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp như bánh mì trắng, ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao có thể làm giảm viêm nhiễm.
Nếu bạn bị vấn đề về dạ dày thì các carbohydrate đơn giản có lợi vì giúp dễ tiêu hóa.
3 - Nói không với cồn
Cũng giống như đường, cồn gây ra viêm nhiễm và làm yếu các tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng ta.
Cồn cũng góp phần làm cơ thể mất nước. Khi chúng ta bệnh, sự hydrat hóa rất quan trọng vì nó hỗ trợ thận thực hiện chức năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể, giúp chúng ta phục hồi nhanh hơn.
4 - Nên ăn thức ăn cay
Nếu bạn bị cảm hay bất ổn về đường hô hấp trên thì không nhất thiết kiêng đồ ăn cay vì tác dụng làm thông thoáng đường thở từ thành phần capsaicin.
Tuy nhiên, nếu bạn có bất ổn về dạ dày thì càng nên tránh đồ cay khi bị cảm.
5 - Tăng cường trái cây họ cam chanh
Một ly nước cam hoặc nước chanh khi bị cảm là rất tốt vì giúp bổ sung vitamin C. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cam và chanh có thể làm khó chịu dạ dày nếu bạn có bất ổn về dạ dày.
Nếu có cảm giác buồn nôn, hãy tránh cam, chanh cho đến khi bạn cảm thấy bình thường trở lại.
6 - Hạn chế thức ăn nhiều chất béo
Khi bị cảm, khẩu vị chúng ta kém đi và ăn không thấy ngon.
Các thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ làm bạn thấy ngán ăn hơn và cũng làm tăng viêm nhiễm trong cơ thể.
7 - Kẹo không đường cũng không tốt
Dù không chứa đường nhưng các loại kẹo có thể chứa sorbitol. Sorbitol không được tiêu hóa và có thể gây khó chịu cho dạ dày hay thậm chí gây tiêu chảy ở một số người. Tiêu chảy gây mất nước.
Các chất làm ngọt nhân tạo có thể gây nhức đầu. Nếu bạn bị ngứa cổ họng hay cần làm cổ họng dễ chịu thì có thể ngậm vài giọt mật ong.
8 - Tránh các thức uống có chứa caffeine
Cũng như cồn, các thức uống chứa caffeine như trà, cà phê và soda có thể làm bạn bị mất nước nhiều hơn. Caffeine là chất lợi tiểu nên làm giảm mức hydrat hóa của cơ thể và làm thời gian khỏi bệnh kéo dài hơn.
Hầu hết các thức uống chứa caffeine đều có chứa đường, làm tăng viêm nhiễm trong cơ thể.
9 - Tránh các thức ăn lên men, làm dưa
Các thực phẩm này tăng viêm nhiễm vùng cổ họng, làm chứng đau họng nghiêm trọng hơn và cũng gây khó chịu cho dạ dày.
Trần Trọng Hiếu (theo healthy.com)