Anh A.V (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) trong một lần đi lấy ráy tai đã nảy sinh ra nỗi sợ nhiễm HIV bởi tại địa điểm này, trước khi đến lượt anh có một vị khách hàng bị lở loét nhiều mụn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, anh V. đã đi nhiều nơi để thực hiện các xét nghiệm và đều cho ra kết quả âm tính. Tuy nhiên, vì vẫn mang tâm lý sợ hãi mà anh V. đã yêu cầu nhân viên y tế cấp cho thuốc ARV (một loại thuốc chống phơi nhiễm HIV) để sử dụng. Tuy nhiên, bác sĩ từ chối và cho rằng, sức khoẻ anh bình thường nên không phải uống thuốc.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, ám ảnh là một thứ gì đó gắn trong tâm trí của mình, làm cho người có triệu chứng sợ hãi và không thoát ra được. Nhiều khi muốn nghĩ chuyện khác nhưng không thể dứt ra được, hoàn toàn lúc nào cũng nhớ đến những nỗi sợ này, thậm chí đi vào giấc ngủ cũng không thoát ra được…, những triệu chứng này được gọi là hội chứng ám ảnh sợ hãi.
Ám ảnh sợ hãi là một hội chứng rối loạn về mặt tâm lý, nặng hơn nữa có thể trở thành bệnh tâm thần. Trong bệnh lý tâm thần có thể có triệu chứng rối loạn, sợ hãi, những triệu chứng sợ hãi đơn thuần chưa chắc là một bệnh lý tâm thần nhưng nó có thể là dạng rối loạn tâm lý. Những người này thường sợ quá mức.
Cũng theo bác sĩ Mẫn, nguyên nhân của việc sợ quá mức này có thể đến từ việc trong quá khứ đã bị những sang chấn, hoặc gặp một tình huống ấn tượng đến mức đeo đẳng suốt cuộc đời, các triệu chứng này các bác sĩ thường xuyên gặp.
Hoặc có những bệnh nhân trước đó có thể không sợ, nhưng bây giờ lại sợ, đây có thể là những người gặp tình huống căng thẳng từ bất kỳ một lý do nào đó trong cuộc sống. Như vậy, từ nguyên nhân quá khứ hoặc hiện tại đang đe doạ người bệnh thì sẽ khiến cảm giác sợ trỗi dậy.
Hội chứng sợ hãi này thường xuất hiện ở những nhóm tuổi còn trẻ tuổi, sống ở những gia đình có bạo lực hoặc gia đình chăm sóc chặt chẽ kèm sự kỳ vọng cao, đứa trẻ có tâm lý luôn luôn cầu toàn theo mong muốn của gia đình.
Ám ảnh sợ hãi có thể can thiệp được, nhưng hiện nay được chia làm 2 nhóm. Đối với nhóm nằm trong các bệnh lý rối loạn tâm thần thì phải được can thiệp thuốc, chẩn đoán thêm ngoài ám ảnh sợ hãi và có thể kéo dài điều trị.
Nhóm thứ 2 xuất phát từ quá khứ, hình thành nhân cách thiếu tự tin, sợ với đối tượng trong xã hội. Lúc này, bác sĩ sẽ điều chỉnh tâm lý xã hội.
“Hiện nay có phương pháp giải mẫn cảm, giúp bệnh nhân đối diện với nỗi sợ và có hiệu quả cao. Nếu không điều trị căn bệnh này sẽ khiến người có nỗi ám ảnh hạn chế giao tiếp với người xung quanh, ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần rất lớn”, bác sĩ Mẫn chia sẻ thêm.
Nguồn Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự