Nguy cơ đột tử ở người trẻ do rối loạn nhịp tim

Thứ tư - 12/06/2024 03:19
Rối loạn nhịp tim là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa tính mạng nếu không điều trị sớm, đặc biệt ở người trẻ.
Nguy cơ đột tử ở người trẻ do rối loạn nhịp tim

Theo BS.CK1 Nguyễn Văn Đáng, Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức, đột tử thường được mô tả là một cái chết tự nhiên và không báo trước, xảy ra ở người mà trước đó được cho là bình thường. Đột tử thường để lại gánh nặng rất nặng nề về tâm lý cho người thân, gia đình và xã hội.

Tần xuất xảy ra đột tử khó xác định chính xác, nhất là ở các quốc gia có việc giải phẫu tử thi thường không được thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên một vài thống kê cho rằng tỷ lệ đột tử khoảng 1/1000 người một năm trong nhóm 35-40 tuổi.

Trong những nguyên nhân đột tử ở người trẻ, thường gặp nhất là loạn nhịp tim. Đây là tình huống tim đột ngột ngừng đập hay loạn nhịp quá nhanh (rung thất, nhanh thất), làm tim không bơm máu nuôi cơ thể, gây chết não, ngưng thở.

Loạn nhịp tim có thể không triệu chứng gì khi sinh hoạt hằng ngày, và chỉ biểu hiện loạn nhịp trong hoàn cảnh đặc biệt như gắng sức cường độ cao, sốt... Hoặc cũng có thể đột tử do hội chứng QT dài, hội chứng QT ngắn; hội chứng Wolff - Parkinson - White hay hội chứng Brugada.

Bác sĩ Đáng cho biết loạn nhịp tim nếu may mắn xuất hiện trong thời gian ngắn rồi tự dừng lại thì người bệnh có thể biểu hiện thành ngất hay mất tri giác thoáng qua. Nếu loạn nhịp nguy hiểm kéo dài và không được hồi sinh tim phổi tích cực như xoa bóp tim ngoài lồng ngực, khử rung tim bằng máy phá rung tim tự động (AED) sẽ gây đột tử, chết não hoàn toàn sau 4-6 phút vì não chỉ chịu đựng được tình trạng không có máu nuôi trong khoảng thời gian này.

Rối loạn nhịp tim không phân biệt độ tuổi, có thể gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị sớm. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ về bệnh học và các phương tiện chẩn đoán như chụp cộng hưởng từ tim, xét nghiệm gene, điện tâm đồ... giúp cho việc chẩn đoán nguyên nhân loạn nhịp tim gây tử vong rõ ràng hơn và có thể phòng tránh hay điều trị được.

Vì vậy, tầm soát tim mạch định kỳ, khám sức khỏe thường xuyên cực kỳ quan trọng trong việc phòng bệnh, nhất là ở người cao tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao.

Nguồn vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây