Những nội dung cơ bản của Thỏa thuận khung gồm: xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đi khảo sát thực tế tại tuyến biên giới thuộc khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Cửa khẩu thông minh là việc hai nước Việt - Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng.
Mô hình cửa khẩu thông minh phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin với Trung Quốc, thực hiện vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, không gián đoạn, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định (sử dụng đinh từ) và các thiết bị cẩu container tự động hoá, dựa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
Để đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc, trong giai đoạn I, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn sẽ đầu tư mở rộng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa từ 6 làn lên 8 làn (4 làn xuất, 4 làn nhập), trong đó có 2 làn (1 làn xuất và 1 làn nhập) cho xe tự hành AGV. Tại Cửa khẩu Tân Thanh sẽ mở rộng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa từ 4 làn lên 8 làn, bao gồm: 4 làn xuất, 4 làn nhập, trong đó có 1 làn xuất và 1 làn nhập cho phương tiện siêu trường, siêu trọng và 1 làn xuất, 1 làn nhập cho xe tự hành AGV.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về quy trình xây dựng, công tác quản lý, phương thức triển khai mô hình cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc, các thủ tục pháp lý khi triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai một số công việc xây dựng Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Đây là vấn đề mới, tại Việt Nam chưa có mô hình mẫu, do đó quá trình triển khai sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về pháp lý theo một số hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Để mô hình cửa khẩu thông minh nhanh chóng được triển khai, thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tham mưu Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu Chính phủ chỉnh sửa, điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hiệp định về biên giới để phù hợp với thực tiễn của việc triển khai thực hiện cửa khẩu thông minh tại 2 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn; phối hợp với tỉnh trong quá trình triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh để đảm bảo các quy định theo hiệp định về biên giới đất liền giữa hai nước Việt - Trung;…
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát biểu tại buổi làm việc.
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn ủng hộ và hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh.
Sau chuyến khảo sát thực tế này, Đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một số công việc mà tỉnh Lạng Sơn đã, đang và sẽ triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh, từ đó sẽ thống nhất với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phương án về cách thức triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh của tỉnh Lạng Sơn.
Trưởng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn lưu ý việc xây dựng cửa khẩu thông minh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; việc đầu tư cần trọng điểm, tránh lãng phí; xây dựng quy trình quản lý khi áp dụng mô hình cửa khẩu thông minh;…
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã khảo sát tình hình thực tế tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh.