Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, đến hết năm 2022, trên cả nước có 676 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%).
Các DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn với hơn 3.800.000 tỷ đồng. Các DNNN đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (đóng góp khoảng 28% số thu ngân sách nhà nước). Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Tổng thuế và các phát sinh nộp ngân sách nhà nước là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch. Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN sẽ đạt 1.416.888 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch của năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực DNNN vẫn có những hạn chế như: một số DNNN hoạt động thua lỗ; một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm; một số dự án đầu tư chậm tiến độ triển khai; việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN không được thúc đẩy…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 DNNN là Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Lạng Sơn và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay đều hoàn thành kế hoạch chủ sở hữu giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tuy vậy, hiệu động kinh doanh của 2 DNNN trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tổng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận sau thuế.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các một số tỉnh, thành phố và đại diện các tập đoàn, tổng công ty,… đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được của các DNNN trong thời gian qua. Đồng thời thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN; đề xuất những giải pháp thúc đẩy các DNNN hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của các DNNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Các bộ, ngành trung ương, địa phương cần chủ động nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phát huy hết sức mạnh của các DNNN; tiếp tục xây dựng các đề án, dự án tái cơ cấu các DNNN phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN; các DNNN chủ động xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển đột phá. Trong đó phải tiếp tục tham gia sâu hơn nữa vào các chương trình phát triển kinh tế chiến lược của đất nước, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; xây dựng các cao tốc, xây dựng nhà ở xã hội, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các DNNN tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh phát triển và nâng cao thương hiệu quốc gia; tiếp tục khai thác hiệu quả hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm mở rộng thị trường liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; các DNNN trong nước phải liên kết chặt chẽ để cùng phát triển;…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, DNNN cần chủ động xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển đột phá. Trong đó tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư, qua đó để thực sự trở thành “lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác.