Hiếu, chính là điều căn bản của đức hạnh. Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu). Người Á Đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học đầu tiên mà ai cũng cần phải biết.
Hiếu đạo cũng là điều mà mỗi một con người cần phải tuân thủ trước tiên, bởi đây cũng là điểm bắt đầu để người khác đánh giá, nhìn nhận một người.
Tại sao lại gọi là “hiếu thuận”? Bởi vì chỉ khi có đức hiếu, người ta mới có được thuận lợi trong đời.
Thật không hề ngẫu nhiên mà hai chữ “hiếu thuận” lại song hành cùng nhau. Bởi có “hiếu” thì mới có “thuận” vậy. Từ xưa đến nay, dù phương Đông lẫn phương Tây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những con người thành đạt, nổi danh trong trong xã hội thường là những người con có hiếu với cha mẹ.
Vua Thuấn xưa năm lần bảy lượt bị mẹ kế mưu hại mà vẫn thờ mẹ chí hiếu, còn là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Một lần, mẹ kế sai ông sửa kho thóc. Khi Thuấn dùng thang trèo lên nóc, người mẹ đốt lửa ở dưới, muốn thiêu chết Thuấn. Thuấn ở trên mái, thấy lửa cháy, tìm thang để xuống, nhưng không thấy thang đâu. Rất may Thuấn có mang theo hai cái nón để che nắng. Ông cầm hai cái nón, giống như chim hạ cánh xuống. Cái nón được gió đỡ nhẹ nhàng, Thuấn từ từ rơi xuống đất, không bị xây xát gì.
Một lần khác, mẹ kế lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở dưới đáy giếng, mẹ kế ở trên ném đất đá xuống, định lấp đầy giếng để chôn luôn Thuấn ở dưới. Không ngờ, Thuấn ở dưới giếng đã nhanh trí đào một cái hầm chui vào, lại an toàn trở về nhà. Người ta đều nói rằng, vua Thuấn nhờ có hiếu mà được Thần Phật bảo hộ, lại có chân mệnh thiên tử, sau này trở thành người cai trị thiên hạ đầy nhân từ.
Vua Thuấn nhờ có hiếu mà được Thần Phật bảo hộ. Ảnh minh họa dẫn theo cn.hujiang.com
Tăng Sâm, một trong những môn đệ nổi tiếng nhất của Khổng Tử, là người thờ mẹ chí hiếu, được liệt vào 24 tấm gương hiếu thảo. Tương truyền rằng khi mẹ ông cắn vào ngón tay cũng khiến ông bồn chồn lo lắng. Có lần bị mẹ lấy roi đánh, Tăng Sâm khóc nức nở.
Mẹ hỏi: “Trước nay bị đánh con không bao giờ khóc lóc. Cớ sao nay lại khóc?”. Tăng Sâm gạt nước mắt thưa rằng: “Thưa mẹ, mấy lần trước mẹ đánh thấy đau, con biết rằng mẹ còn khoẻ. Hôm nay vung roi đánh không thấy đau nữa, biết rằng mẹ đã yếu đi nhiều. Con đau lòng nên khóc“. Thật là một người con chí hiếu!
Lại có giai thoại về vua Đường Thái Tông một lòng hiếu đạo, dù thân cao quý là thiên tử nhưng lại không tổ chức mừng sinh nhật linh đình. bởi ông cho rằng ngày này là ngày mẹ ông phải chịu bao khổ nạn. Cho nên ông thường vào ngày sinh nhật của mình mà đẫm lệ khóc thương.
Năm Trinh Quán thứ 17, Đường Thái Tông nói với thị thần:
“Hôm nay là ngày sinh nhật trẫm, dân gian cho rằng vào ngày sinh nhật có thể vui vẻ giải trí, nhưng mà cứ đến ngày này, lòng trẫm lại ngược lại, càng thêm nhớ thương cha mẹ. Hiện giờ trẫm đã là vua của một nước, thiên hạ giàu có, nhưng trẫm muốn được phụng dưỡng cha mẹ, lại vĩnh viễn không được nữa.
Trẫm thật giống như người học trò Tử Lộ của Khổng Tử, ôm theo ân hận trong lòng vì không mang được gạo cho cha mẹ mình. Trong “Kinh Thi” có nói: ‘Ai thương ngã phụ mẫu, sinh ngã chân tân lao’ (Bi thương phụ mẫu ta, sinh ta thật sự vất vả). Sao có thể vì cha mẹ khổ cực mà trong ngày này cử hành yến tiệc vui đây! Việc làm này rất trái với lễ phép”.
Năm xưa Tử Lộ, người ở ấp Biện, thuộc nước Lỗ, sinh vào đời Xuân Thu, là học trò Đức Khổng Tử, thờ cha mẹ rất có hiếu. Nhà nghèo, ông thường đi đội gạo đường xa hàng trăm dặm về nuôi cha mẹ. Không có tiền mua thức ăn, phải tìm các thứ rau về nấu canh dâng lên cha mẹ dùng tạm.
Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang, cấp nhiều bổng lộc. Ông thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau. Khổng Tử thường khen Tử Lộ là người hiếu thuận và thận trọng từng hành vi.
Phụng dưỡng cha mẹ là hiếu đạo của phận làm con
Tạo hoá an bài con người khác xa tất cả động thực vật khác, một đứa trẻ khi sinh ra cần nương tựa, cần sự chăm sóc của cha mẹ. Điều này cũng gửi gắm cho chúng ta một hàm nghĩa: “Con người cần nương tựa vào nhau mà phát triển”, không thể đơn độc mà tồn tại, mà bước đi.
Chúng ta có thể thấy, chữ “Nhân” (人) được viết bởi 2 nét dựa vào nhau. Điều này chính là mang hàm nghĩa con người cần biết sống nương tựa vào nhau, che chở cho nhau. Vậy nên người phương Đông quan niệm rằng giữa cha mẹ và con cái là phải có sự liên hệ, thậm chí liên hệ rất mật thiết.
Phụng dưỡng cha mẹ là hiếu đạo của phận làm con.
Khi cha mẹ còn trẻ, có thể kiếm tiền, thì phải có trách nhiệm chăm sóc con cái. Sau này mẹ cha già cả đi, không còn lao động được, lại đến lượt con cái phụng dưỡng họ. Mối quan hệ ấy chính là chữ “Hiếu” mà người ta thường nhắc đến vậy!
Trái lại, cũng có nhiều bậc cha mẹ để dành của cải, gia sản để dưỡng lão, phòng thân khi về già dùng đến. Rất nhiều người già cũng thường nói: “Không thể hoàn toàn tin tưởng vào con cái. Chỉ nên để lại một phần của cải cho chúng thôi. Nếu không sau này số phận mình sẽ rất đáng thương“. Con cái biết được điều đó cũng phản ứng rằng: “Cha mẹ đối với mình không tận tâm. Sau này mình cũng không phải tận tâm phụng dưỡng họ nữa“.
Cứ như vậy, dần dần giữa cha mẹ và con cái đã không còn chữ “Hiếu” nữa, đã mất đi sự ấm áp của tình thương. Tất cả nhường chỗ cho sự tính toán thiệt hơn, vốn đã không còn khái niệm người thân, người nhà nữa. Điều đó chẳng đáng buồn lắm sao?
Xã hội thay đổi, giá trị đạo đức cũng dần biến dị đi. Đạo hiếu vì thế cũng ngày càng mai một. Những câu chuyện hiếu đễ ngày xưa vốn là chuyện bình thường thì ngày nay được coi như “chuyện lạ”.
Ngoài tự nhiên, rất nhiều loại động thực vật không hề nhận được sự săn sóc, quan tâm của cha mẹ. Hạt mầm từ trên cây rơi xuống, chôn vùi trong đất nhiều tháng ngày rồi từ từ nảy mầm phát triển thành cây non, nào biết cha mẹ mình là ai? Còn con người chúng ta, tối thiểu cũng được cha mẹ chăm sóc 10, 20 năm đầu đời, nếu không thật khó mà tồn tại được.
Tạo hoá an bài cho con người khác xa toàn bộ động, thực vật khác. Khi mới lọt lòng, đứa trẻ yếu đuối cần được cha mẹ nâng niu, chăm sóc. Đó đương nhiên là nghĩa vụ của cha mẹ. Nhưng mối quan hệ máu mủ này sẽ nảy sinh ra thứ tình cảm gọi là: Hiếu. Con cái phải trả ơn dưỡng dục, sinh thành của mẹ cha. Đó chính là đạo lý, luân lý của đất trời, không thể sai khác được.
Minh Vũ
Nguồn tin: Daikynguyenvn.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự