Thật ra Việt Nam cũng có hệ thống triết lý giáo dục con người rất gần gũi, dễ hiểu, dễ truyền đạt tới cả những người dân nghèo không biết chữ, đó chính là hệ thống ca dao tục ngữ phong phú về cách cư xử sao cho đúng đạo làm người, cho hợp với lẽ của Đất Trời. Đó chính là bản chúc thư của tiền nhân để lại với lời nhắn nhủ về cái khôn, cái dại của con người. Nếu chúng ta còn lưu giữ được những lời răn dạy này thì người Việt Nam sẽ có thước đo và sự câu thúc trong cách hành xử và xây dựng nhân cách.
Hãy cùng chúng tôi lật lại những lời giáo huấn xưa nhưng không hề cũ của tiền nhân thông qua những câu ca dao, tục ngữ về cách làm người, về cái khôn, cái dại, vốn đã bị hiểu lệch đi rất nhiều trong thời đại ngày nay.
Từ thế kỉ thứ XV, Nguyễn Trãi, trong Quốc âm thi tập, đã viết:
“Chẳng khôn chẳng dại, chỉ ương ương, chẳng dại người hòa lại chẳng thương”.
Ðại ý nói rằng nếu ta chẳng chịu nhận là dại thì tất cả mọi người chẳng ai thương mình. Ngày nay, khái niệm về người khôn là phải biết dành lấy những thứ tốt về mình, hiểu ý lãnh đạo, biết cách thu được lợi ích nhiều nhất với tổn thất ít nhất, đi vòng cửa sau, lợi dụng quan hệ… Người nào chỉ biết nhận phần thiệt thòi về bản thân, chậm chân không tranh đấu, không “tinh tế” quan sát hoàn cảnh mà tránh né cái khó, không có “ý chí” vươn lên bằng được về địa vị cũng như tiền tài… thì được gọi là kẻ dại.
Vậy nhưng từ xa xưa, ông cha ta đã biết người lúc nào cũng tìm cách “khôn” bằng mọi giá thì sẽ chẳng ai thương. Bởi vì để khôn được như vậy, chúng ta ắt sẽ phải làm tổn hại tới lợi ích của người khác dù vô tình hay cố ý.
Người xưa cũng phân biệt rằng thật ra cái khôn nó không phải là làm khôn, (tiếng Việt, có chữ “làm khôn” nghĩa là tỏ ra mình khôn ngoan hơn người và can thiệp, xía vào việc của người khác), như thế chỉ có hại cho mình.
Từ thế kỉ thứ XV, Nguyễn Trãi đã có câu thơ đại ý như thế:
“Hễ kẻ làm khôn thì phải khó”.
Và Trạng Trình cũng khuyên đừng “tranh khôn” mà có hại:
“Tranh khôn ắt có bề lo lắng”.
Những đúc kết dân gian thông qua tục ngữ cũng khuyên con người ta phải biết cư xử cho nhún nhường, khiêm tốn:
“Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”.
Vậy khôn thật ra là phải thận trọng biết giữ gìn lời ăn tiếng nói. Những lời hoa ngôn, lộng ngữ hay hớ hênh, vô ý thức sẽ gây ra tai họa cho bản thân người nói và trong một vài trường hợp là cả tập thể. Đôi khi những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy vốn không thể hiện được toàn bộ vấn đề, vậy nên vội vàng phát ngôn, đánh giá ai đó hoặc sự việc nào đó là một việc làm dại dột, thiển cận và có thể làm tổn hại tới người khác rất nhiều.
“Vạ ở miệng mà ra, bệnh qua miệng mà vào”.
“Thứ nhất là tội miệng mạ”.
Cho nên:
“Khôn thì ngậm miệng, khoẻ thì cắp tay”.
“Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời”.
“Sông sâu, sào ngắn khôn dò, người khôn ít nói, khôn đo tấc lòng”.
Khôn cũng không phải là quỉ quyệt để làm thiệt hại người khác, bởi trước sau gì cũng:
“Khôn ngoan quỉ quyệt chết lao, chết tụ”.
“Càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều”.
Trong tiếng Việt, từ “ngoan” vốn có hai nghĩa trái ngược nhau: Một là khôn, nhơn lành, (như ngoan đạo, đứa bé ngoan) và hai là khó trị, quỷ quái (như ngoan cố, gian ngoan), (theo Ðại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của, Sài Gòn, 1896).
Trong mấy câu trên đây thì từ “ngoan” được hiểu theo nghĩa thứ hai, tức là “gian tham, quỷ quyệt”.
Mà khôn là thật thà ngay thẳng, vì cuối cùng cái khôn ngay thật bao giờ cũng hơn cái khôn gian trá:
“Khôn ngoan chẳng đọ thật thà,
Lường thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy”.
(Ðấu là thùng bằng gỗ để đong lúa gạo; thưng bằng 1/10 đấu).
Tức là: Khôn ngoan không bằng thật thà, ngay thẳng. Có gian lận, tráo đổi cũng không bằng làm ăn đứng đắn, lương thiện (thể hiện qua việc “đong đầy”, “cân đúng”).
Người xưa cũng rất tin vào Thần Phật, thiên đường, địa ngục, tin rằng mọi hành động của con người đều có nhân quả, chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho mọi việc mình làm.
Thế nên “khôn” mà làm điều gian ngoan, bất nhân, thất đức, chết đi sẽ bị xuống địa ngục, còn sống trên đời dại mà hiền lành, chết đi sẽ được lên thiên đàng:
“Khôn thế gian, làm quan địa ngục,
Dại thế gian, làm quan thiên đàng”.
Và cổ nhân cũng nhận ra rằng, dù có khôn lanh đến mấy thì cuộc đời con người cũng đã được định sẵn, cái gì là của mình thì sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì có làm mọi cách để chiếm đoạt cũng không được.
Họ tin vào số phận, bởi con người sướng khổ ra sao là do Nghiệp – Đức tích lại từ những đời trước, đời này sống tốt không làm tổn hại người khác thì đời sau sẽ hưởng quả ngọt, phúc lành, và ngược lại, mọi đau khổ của đời này của bạn chính là quả báo từ những việc làm trái với đạo của Đất Trời từ những kiếp trước. Vậy nên mới có những câu như:
“May hơn khôn”.
“Chẻ vỏ (biết nhiều) vẫn thua vận đỏ”.
“Người đời ai có dại chi, khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông”.
“Khôn ngoan ở đất nhà bay, dù che, ngựa cưỡi, đến đây phải luồn”.
Ngày nay, trong cuộc sống thường ngày có thể dễ dàng nhận thấy rằng văn hóa truyền thống đang dần dần bị mai một, đi theo đó là sự xuống dốc ngày càng nhiều của đạo đức con người. Từ việc đi trên đường, hành xử nơi công sở, nơi công cộng, ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, cho tới chốn được xem là bình yên nhất của mỗi người – gia đình….
Và điều nguy hiểm nhất chính là những người chính trực, ngay thẳng cũng đang mất niềm tin và đứng trước nguy cơ cũng phải thay đổi thước đo nhân phẩm của mình.
Nếu như ai trong chúng ta cũng đều được tiếp nhận những lời răn dạy đơn giản nhất từ khi còn bé về cách làm người, về việc buông bỏ bớt dục vọng, ham muốn, thèm khát, biết cách chấp nhận sự thiệt thòi để không chà đạp lên lợi ích của người khác, biết nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới bản thân, biết nhún mình, khiêm nhường và cầu thị thì cuộc sống của mỗi người đều sẽ bớt phức tạp và căng thẳng hơn.
Sức mạnh thật sự và bền vững của mọi quốc gia đều tới từ giáo dục chứ không phải là tiềm lực kinh tế hay quân sự. Trước những phát hiện mới về phương pháp giáo dục hiện đại hiệu quả của các chuyên gia giáo dục trên khắp thế giới, không ai có thể phủ nhận rằng dù có cải cách hệ thống giáo dục như thế nào thì tất cả những hệ thống giáo dục tiên tiến nhất đều không thể tách rời khỏi truyền thống đạo lý đã được ghi nhận bởi nhân loại qua hàng ngàn năm phát triển.
Luôn có những điều mãi trường tồn với thời gian, và sở dĩ nó trường tồn được là bởi nó đã vượt qua được rất nhiều sự kiểm nghiệm và nghi hoặc của con người.
Và trong khi chờ đợi những thay đổi tích cực hơn nữa, điều bạn có thể làm được ngay bây giờ là nghĩ tới việc mình làm có thể gây tổn hại cho ai khác không? Khi mình nhận những lợi ích nào đó thì có vô tình lấy mất của ai đó thứ gì khác không? Khi mình kết luận và nghĩ như thế này về người khác thì liệu có đúng hoàn toàn không, có còn điều gì mình chưa biết không?
Và nếu bạn là người đã có con, thì không gì dễ hơn bằng việc dạy con bạn những câu ca dao, tục ngữ dễ học, dễ hiểu về cách làm người của ông cha ta đã để lại. Dạy con làm người tốt là trách nhiệm của các bậc cha mẹ và là di sản tuyệt vời nhất của chúng ta cho nhân loại tương lai.
(Các câu tục ngữ sử dụng trong bài được trích từ: “Triết lý dân tộc Việt Nam qua tục ngữ” của Võ Thu Tịnh).
Thu Hiền
Nguồn tin: Daikynguyenvn.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự