Hạnh phúc tùy cách nhìn !

Chủ nhật - 29/07/2012 07:01
Cuộc bàn cãi về hạnh phúc, một giá trị sống tích cực mà bất kỳ con người nào cũng mong ước, hướng tới như một mục đích tối thượng đang sôi nổi trên các báo và trang mạng xã hội khi tin tức về việc Việt Nam hạnh phúc thứ hai trên thế giới theo đánh giá của Quỹ kinh tế mới (NEF) vừa được công bố.

Tất nhiên, mục đích của những cuộc bàn cãi này có nhiều, có thể là vì mong muốn được nhận diện sự thật, để không bị ngộ nhận về chỉ số được đưa ra (chỉ có tính chất tham khảo). Và, cũng có người cãi vì không thể chấp nhận sự thật có phần phi lý về vị thứ hạnh phúc của người dân mình, đất nước mình khi thực tế khách quan, hiển bày trước mắt là những nỗi âu lo về đời sống không đảm bảo (lương không đủ sống, thiên tai, bệnh tật, tai nạn gia tăng, thất nghiệp…), hoặc những nỗi buồn từ chính sách bất cập, nạn tham nhũng, niềm tin vào lòng tốt, vào người đứng đầu bị lung lay…


Ảnh: Trần Thế Phong

Hầu hết mọi luận điểm đưa ra đều nhằm nhấn nhá rằng: “Dễ dàng chỉ ra những bảng xếp hạng khác với cái nhìn thực tế hơn, các tiêu chí rõ ràng hơn là cái nhìn mơ hồ như “việc người dân có hài lòng với cuộc sống hiện giờ, tuổi thọ bình quân và sử dụng tài nguyên ít gây tác động tới môi trường” của NEF. Chẳng hạn, chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên Hiệp Quốc với những đo lường rất cụ thể về tuổi thọ bình quân, tỷ lệ biết đọc, chất lượng giáo dục và các tiêu chuẩn sống...

Với cách tính toán phức tạp, bảng xếp hạng này vẫn cho thấy các nước giàu có như Na Uy, Úc, New Zealand, Mỹ... ở các thứ hạng cao, còn Việt Nam xếp hạng 128, thuộc nhóm trung bình thấp. Đây rõ ràng là một cái nhìn thực tế và hợp lý hơn hẳn để chúng ta biết mình đang ở đâu để còn cố gắng hơn”, TTCT ngày 1-7-2012.

Luận về “sự hài lòng”

Sự hài lòng ở đây được hiểu là sự chấp nhận thực tế (từ chính bản thân tới hoàn cảnh sống) một cách hoan hỷ. Việc chấp nhận một cách hoan hỷ ấy tạo ra cảm thọ hạnh phúc, điều đó được chứng minh bằng thực chứng mà theo dân gian, đó chính là “khéo co thì ấm”. Chỉ còn cách mình sẽ sống với nó như thế nào để không phải “đứng núi này trông núi nọ”, tạo ra một thèm khát thay đổi hoàn cảnh ngoài khả năng, sự vọng tưởng kiểu đó sẽ làm mình điên đảo, khổ đau.

Cũng vậy, khi mình sinh ra trong một thể chế chính trị, một địa phương, một gia đình nào đó thì đó đã là cái hiển nhiên thuộc về hoàn cảnh thì mình sẽ phải sống cùng (hài hòa, cố gắng cải tạo theo hướng tốt lên, và chấp nhận khi bản thân mình không đủ lực để thay đổi). Nói chung, thái độ hài lòng được hiểu là một trạng thái hoan hỷ trong sự nhận diện rõ ràng về y báo, chánh báo; nghĩa là thấy rõ, cái gì thuộc về thừa tự nghiệp để chấp nhận, để rồi sống tốt nhất có thể trong cái quả mà mình đã tạo, nay chiêu cảm mà biểu hiện.

Từ góc nhìn như vậy, ta sẽ thấy con người hạnh phúc khi thật sự nhận diện về nhân quả, và khi nhận diện, sống với nhân quả một cách tích cực thì người ấy có khả năng chấp nhận những “điều hiển nhiên”. Chỉ có khác một chút là với cái nhìn của người Phật tử thuần thành (hiểu đạo) - ngoài việc chấp nhận với kết quả đã trổ thì sẽ bắt đầu gieo nhân lành để cải tạo hiện tiền cuộc sống của kiếp này cũng như tạo bệ phóng cho những quả lành cao thượng vị lai.

Thực tế về hạnh phúc

Trên đây là lý thuyết về sự hài lòng, cũng có nghĩa là điều kiện của hạnh phúc, dưới cái nhìn của Phật giáo. Nhưng, thực tế về sự hài lòng trong cuộc sống của mỗi người dân liệu có được như lý tưởng trong lý thuyết? Tất nhiên là không, nên đây đó mỗi ngày mở trang báo, truy cập mạng ta vẫn thường đọc được những tin về cướp, hiếp, giết, tham nhũng, bất công, tự tử, cách biệt giàu - nghèo, nạn sách nhiễu nơi cơ quan công quyền… Nếu nói theo cách bình dân, đó là những vấn đề thường thấy (ít hay nhiều) ở nhiều nơi.

Thời nào cũng có bất công, cũng có những nỗi khổ niềm đau, nhưng có vẻ như thời nay người ta nêu lên dồn dập, lan tỏa khắp nơi, tạo nên dư luận rầm rộ, làm gia tăng sự lo âu, sợ hãi. Và rồi, cũng chính truyền thông kết luận rằng con người ngày càng có nhiều nỗi lo, sợ, bất an. Tính tương tác của việc truyền tin, làm cho nỗi hoài nghi lớn thêm và đó cũng là nguồn cơn làm giảm thiểu hạnh phúc nơi con người, nhất là những người thiếu hiểu biết về nhân quả, không được trang bị hiểu biết vô thường, giáo lý luân hồi, Phật tánh tiềm ẩn trong mỗi chúng sinh.

Chính vì thế, khi xã hội trở nên u ám bởi quá nhiều nỗi lo kể trên thì trong tâm thức con người hình thành nên những mũi dao, hay là những hòn đá (vũ khí đủ để sát thương) nhằm phòng vệ và sẵn sàng sát thương, ném ra, chống trả bằng bạo lực khi nỗi hoài nghi có mặt trong những khi cần tương tác với cuộc sống, giữa người với người. Điều đó dễ dàng thấy rõ trong những cái tít các trang báo như nữ sinh đánh nhau, cha bạo hành con, con đánh mẹ, thầy giáo bạo hành học trò…

Như vậy, khi những giá trị về luân lý đạo đức (sự kính trên nhường dưới, lòng biết ơn, tình thương yêu, đối xử chân thành…) bị khuynh đảo bởi vật chất, bởi nhiều nỗi lo, mất lòng tin thì cũng là chìa khóa mở cửa cho nỗi khổ niềm đau có mặt tràn khắp trong lòng người.


Học phí tăng cao, gánh nặng đè lên vai người dân
trong việc cho con học hành, kiếm cái chữ - Ảnh: Trần Việt Đức

Hạnh phúc trong giáo pháp

Câu chuyện về “ngày tận thế” và nỗi lo bởi cái chết hàng loạt do thiên tai, bệnh tật cũng như những mất mát của cuộc sống trở nên nóng bỏng trong nhiều người. Đến giờ, vẫn có những người âu lo về tin đồn “ngày tận thế” (được cho là sẽ xảy ra vào tháng 12-2012), trong đó có những người có… phái quy y, là Phật tử về mặt hành chánh, giấy tờ hẳn hoi.

Sẽ không thể tồn tại nỗi lo ấy, nếu như mình thật là người hiểu và tin Phật một cách đúng đắn, từ việc học-hiểu-ứng dụng giáo lý của Ngài trong cuộc sống hàng ngày. Nói như thế để thấy rằng mỗi ngày Phật tử tụng kinh, hành thiền, phát nguyện “thọ Tam quy” (tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng) nhưng thật ra chưa thật sự quay về nương tựa ba ngôi báu một cách đúng đắn, thường xuyên. Bởi, minh chứng là nỗi lo về những điều hiển nhiên ấy (ở tương lai) vẫn còn, thậm chí chi phối rất lớn tâm lý, làm cho mình khổ sở, mất hết bình an.

Khi hạnh phúc có thước đo chính là sự bình an thì điều kiện để đạt tới bình an được người ta nghĩ tới. Đó là phải chấp nhận những điều tất yếu sẽ xảy ra, và còn là gieo nhân bình an bằng tất cả những thiện nghiệp (từ ý-khẩu-thân) của mình trong cuộc sống.

Khi mọi người lo lắng về ngày tận thế thì người Phật tử phải nhận diện mỗi ngày đều là… ngày tận thế nếu mình sống không trọn vẹn, cái chết nơi tâm hồn (thiếu từ bi, thiếu hiểu biết) mới chính là cái chết đáng sợ nhất, bởi sau khi chết mình sẽ còn mang theo trong vòng luân hồi sanh tử, sẽ phải chịu đựng và còn đau khổ dài dài trong những hình hài khác, ở một thế giới khác. Nếu có thể hiểu và lo được như vậy để tu chỉnh bản thân, để biết sợ nhân xấu thì hay biết mấy, thì con người đã có thể an trú trong hiện tại chứ không phải mệt nhoài trong cuộc chạy marathon mà mình luôn là kẻ chiến bại bởi chạy mà không biết sẽ về đâu, đích đến mịt mờ.

Do đó, hạnh phúc đối với người con Phật thiết nghĩ chính là con đường sáng mà mình tỏ tường, thấy được trong hành trình đi tìm chân lý (giá trị trong lời Phật dạy) chứ không nên xô dạt nó theo hướng của thế gian, bàn cãi về một hiện tại hiển nhiên (nhất là khi mình không đủ sức che trời bằng một bàn tay hay xoay chuyển cuộc sống bằng sức mọn, tài hèn của mình). 

Vì vậy, chửi đổng (nói cho đã miệng), ở một ý nghĩa, chỉ là phương cách thỏa mãn cái tôi của mình, cũng là một biểu hiện của sân-si dẫu mình nhân danh cứu nguy cho đạo pháp, cho dân tộc. Cách kiến tạo hạnh phúc cho mình và người, hiến tặng giá trị hạnh phúc thiết thực nhất cho xã hội mình đang sống chính là tự thân mỗi người tu chỉnh ý-khẩu-thân theo đúng tinh thần lời Phật dạy, mỗi người “sáng” lên rồi thì lo gì thời cuộc đất nước và thế giới không “sáng” theo? Dẫu biết, hành trình tìm về chính mình đôi lúc rất lâu, nhưng đôi lúc cũng thật mau, bởi xét cho cùng, “hạnh phúc tùy cách nhìn” của chính mình chứ không phải hoàn toàn lệ thuộc vào hoàn cảnh.

Nguồn tin: Lưu Đình Long (GNO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây