Ý thức về tội lỗi

Thứ sáu - 20/07/2012 14:19
Có điều chắc chắn là làm người, ai cũng có ý thức về tội lỗi. Điều này là không đúng, điều này là không tốt, điều này là không đẹp. Cái không đúng, không tốt, không đẹp vừa do xã hội dạy cho chúng ta, mà vừa bẩm sinh bên trong chúng ta. Cái bên trong mà chúng ta vẫn gọi là lương tâm, thiện tâm.

Làm điều không đúng, không tốt, không đẹp, nhẹ thì chúng ta cảm thấy bất an, có lỗi; nặng cảm thấy có tội, cả đối với chính xã hội và với chính chúng ta. Ý thức về tội lỗi mới thoạt nhìn thì có vẻ tiêu cực, nhưng chính nó là một hoạt động để con người có thể tự hoàn thiện.

Ý thức về tội lỗi là một đặc tính phân biệt con người với thú vật. Ý thức về tội lỗi phát triển rộng và sâu khiến con người trở nên người hơn, nhiều tính người hơn. Trong văn hóa Đông phương, những câu chữ như “hổ thẹn” (tàm quý), “sám hối”, “tịnh hóa”… của đạo Phật hay “khắc kỷ phục lễ”, “lỗi” trong Kinh Dịch của Khổng giáo… đã trở thành những lời nói thường ngày.

Phải nhìn nhận rằng trong thế giới ngày nay, ý thức về tội lỗi đã mờ nhạt rất nhiều. Ở Tây phương, sau gần 15 thế kỷ bị đè nặng bởi ý thức về tội lỗi theo thần học Tây phương, con người đã hầu như tê liệt. Quá nhiều tội đối với Thượng đế: tội không tin, tội từ khi mới sanh ra, tội lỗi ám ảnh trong sinh hoạt đời sống, tội sẽ bị quẳng vào địa ngục đời đời… Con người bị chỉ huy bởi tội. Con người bị tước hết mọi quyền sống.

Phải đến khi khoa học (như Copernic với Galilée) và triết học (như Descartes) từ các thế kỷ 16-17 mở ra những cái nhìn mới khác với kinh điển tôn giáo, con người mới biết thoát dần ra khỏi nỗi sợ hãi ám ảnh về tội lỗi và vị trừng phạt mọi tội lỗi là Thượng đế. Thượng đế trong bối cảnh ấy chỉ là cái bóng của nỗi sợ hãi tội lỗi của con người.

Đến thời hiện đại, bị xiềng xích bởi nỗi sợ hãi tội lỗi và Thượng đế quá lâu, con người làm cách mạng với Thượng đế và những điều luật của Nhà Thờ. Chữ tội lỗi hầu như biến mất, nhường chỗ cho những thứ tự do, cá nhân, bình đẳng, quyền con người, phát triển…

Ở Đông phương, sau mấy thế kỷ bị Tây phương đô hộ, khi đã dành lại độc lập, nước nào cũng phải hiện đại hóa, tức là kỹ thuật hóa về mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Các nước Đông phương lấy con người và xã hội Tây phương làm tiêu chuẩn nên họ cũng lơ là với ý thức tội lỗi như Tây phương mặc dù ý thức về tội lỗi của Đông phương khác với của Tây phương từ căn bản. Ở nước ta, tình hình còn tệ hơn, vì chúng ta bị chia đôi đất nước và chiến tranh trong suốt 30 năm.

Ngày nay trên khắp thế giới, khi xử lý một điều gì, người ta dùng những biện pháp khoa học kỹ thuật và pháp luật chứ ít quy chiếu vào vào ý thức về tội lỗi. Ăn mặc hở hang, phim ảnh gợi dục và bạo lực, dùng những dụng cụ tránh thai hoặc phá thai, sống chung trước hôn nhân, giết hại môi trường, biến đổi gen….

Với mọi thứ chúng ta không còn xét theo cảm thức tội lỗi. Cái gì pháp luật không cấm đều được phép làm, cái gì không trái khoa học đều tốt. Ý thức về tội lỗi dần dần biến mất. Cảm thức thiêng liêng về chính mình và về thế giới dần dần biến mất, bởi vì tội lỗi thực ra là sự phàm tục hóa và sự sa đọa của con người.

Những tổn hại do thiếu ý thức về tội lỗi, thiếu ý thức đạo đức có thể thấy trên bình diện cụ thể. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 ở Mỹ đã lan cả thế giới có nguyên nhân là sự thiếu ý thức đạo đức và trách nhiệm của một số nhà kinh doanh tham lam làm ăn bấp bênh may rủi. Vì nguyên nhân này nên các nhà kinh tế học không thể dự đoán phòng ngừa trước được.

Tai nạn giao thông Việt Namthuộc loại hàng đầu thế giới không chỉ nên nhìn theo khía cạnh thiếu cơ sở hạ tầng và những biện pháp kỹ thuật, mà còn phải tìm nguyên nhân là sự thiếu đạo đức, thiếu ý thức về tội lỗi. Với một nước còn nghèo như chúng ta, xa xỉ không có tội với pháp luật, nhưng nó là một tội lỗi.

Con người ngày nay rất tiến bộ về vật chất và về ý thức, nhưng về mặt tinh thần hay tâm linh thì yếu kém. Một bằng chứng: chưa bao giờ dân số Trái Đất đông như thế, nhưng cũng chưa bao giờ những nhà văn hóa lớn, là tiếng nói và lương lâm của một thời đại, và những vị Thánh của những tất cả tôn giáo, lại thiếu thốn đến thế.

Để phục hưng con người, chúng ta cần phục hưng về ý thức tội lỗi, vì ý thức về tội lỗi là cái để tự hoàn thiện mình, để tự điều chỉnh mình (điều thân và điều tâm nói theo Phật giáo), để đưa thân khẩu ý tầm thường và nhiều lỗi lầm thành một thân khẩu ý hoàn thiện. Sự phục hưng ấy sẽ không chỉ ảnh hưởng ở đời sống tinh thần, mà còn ở đời sống ý thức, cho đến đời sống thân xác vật chất. Xã hội chỉ có và càng có tính người khi xã hội có và càng có ý thức về tội lỗi.

Để có một xã hội đúng, tốt và đẹp, chúng ta cần biết ý thức về tội lỗi là gì, theo truyền thống Đông phương của chúng ta. Chúng ta cũng ý thức rõ ràng đạo Phật là nền tảng văn hóa sâu nhất và kéo dài lâu nhất (2.000 năm đối với người Việt chúng ta), rộng nhất (số người theo nhiều nhất), và hiện đại nhất (hiện đang phát triển trên khắp thế giới).

- Tội lỗi không phải là có tội có lỗi đối với một đấng tạo hóa nào, mà có tội có lỗi trước hết với chính mình. Tội lỗi làm hư hỏng mình, tự mình làm dơ bẩn mình, tự làm thui chột khả năng phát triển đến mức độ toàn thiện của tính người:

Tự mình làm xấu ác

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình không làm ác

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh, không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai.

(Phẩm Tự ngã, Kinh Pháp Cú, Câu 165, bản dịch của HT. Thích Minh Châu)

Tội lỗi là làm hỏng mình và làm hỏng người khác, tự mình làm dơ bẩn mình và làm dơ bẩn người khác, tự mình làm hư hoại tiềm năng của mình và làm hư hoại tiềm năng tự hoàn thiện của người khác. Làm hư hỏng chính mình và người khác, trong khi mình và người khác là những vị Phật tiềm năng, những vị Phật sẽ thành: “Ta là Phật đã thành, các người là những vị Phật sẽ thành”, như lời Đức Thích Ca đã nói.

Tự mình làm hư hỏng mình nghĩa là tự mình gây khổ cho mình, như Nguyễn Du nói trong Truyện Kiều: “Cứ tìm những chốn đoạn trường trường mà đi”.

Tự mình phá hỏng mình thay vì hoàn thiện mình, tự mình làm cho mình thui chột, què quặt, rớt xuống thay vì làm cho mình sáng tỏ, phục hồi mạnh mẽ, đi lên, và không những với chính mình mà với người khác cũng thế, đó là tội lỗi.

Tội lỗi, do đó là cái làm hư hỏng tính người của chúng ta, là cái ngăn chặn tự do và hạnh phúc của chúng ta.

- Nếu tạo ra tội lỗi, ai sẽ trừng phạt chúng ta? Chẳng có đấng Thượng Đế nào trừng phạt, mà chỉ có định luật nhân quả tác động, từ lĩnh vực vật chất thô đến lĩnh vực vi tế nhất, nghĩa là bao trùm toàn bộ thân, khẩu, ý. Gây tạo nhân gì thì hưởng quả ấy. Gây ra sự tổn hại cho mình và cho người thì chính mình sẽ hưởng thọ sự tổn hại tương đương. Một lực được phát ra thân khẩu ý, dù tốt hay xấu, đều có lúc trở ngược lại nơi thân khẩu ý của mình.

Pháp luật cũng trừng phạt theo định luật nhân quả: làm điều xấu ác gây tổn hại cho xã hội (nhân xấu) thì phải bị trừng phạt (phải chịu quả xấu). Nhưng pháp luật chỉ là tương đối. Làm việc ăn trộm nhưng không thực hiện được thì pháp luật không biết để can thiệp, nhưng không thể qua mặt định luật nhân quả, vì hành động đã thành ở ý, rồi thành ở khẩu, thân. Với pháp luật, giết một người cũng như giết một trăm người đều chịu một tội tử hình.

Với định luật nhân quả, người ấy không chỉ chịu tội tử hình, mà sau khi chết, còn phải chịu trả quả ở những khổ cảnh cho đến khi quả báo hết. Với pháp luật, tội nặng nhưng nhờ luật sư giỏi có thể bào chữa cho thành nhẹ. Với định luật nhân quả, không ai có thể nhúc nhích được cán cân nhân quả, cũng tức là cán cân công lý của vũ trụ.

Dân gian ta có câu, lưới trời không lọt,là vậy. Thế nên, khi ý thức được định luật nhân quả, con người không dại gì tự hại mình bằng nhân xấu để rồi phải chịu quả xấu. Sự xấu ác được chặn đứng, thậm chí bị phá hủy từ bên trong. Thay vào đó, con người khôn ngoan thì tạo ra nhân tốt, cuộc đời là môi trường để tạo đủ thứ nhân tốt, và cuộc sống cứ như thế mà tiến lên.

Ý thức và biết sử dụng định luật nhân quả là một nền tảng tuy vô hình nhưng là căn cứ bền vững cho một xã hội ổn định và tiến bộ.

Nhưng chẳng lẽ cuộc đời này và các đời sau nữa chỉ là chuyện vay trả, trả vay, dù là vay trả trả vay toàn là nghiệp tốt? Đạo Phật không những chỉ dạy đạo làm người (nhân đạo) là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (các điều ác chớ làm, các điều thiện hãy làm), mà còn dạy con đường giải thoát giác ngộ. Bởi thế sau hai câu trên, Đức Phật dạy câu cuối cùng: “Tự tịnh kỳ ý” (Hãy tịnh hóa tâm ý mình).

Chúng ta không chỉ tránh tội lỗi, làm điều tốt lành, mà còn khảo sát, tìm kiếm đến tận cội nguồn của tội lỗi để nhổ gốc nó. Cội nguồn của tội lỗi nằm trong tâm ý. Để hết sạch tội lỗi che chướng chúng ta, làm chúng ta vô minh u tối, chúng ta cần tịnh hóa tâm ý mình. Chính tâm ý quyết định chúng ta sống trong phiền não khổ đau hay trong an lạc giải thoát.

Nhìn một cách sâu xa, ý thức về tội lỗi, ý thức về sự không tự làm tổn hại chính mình chính là ý thức về sự viên mãn vốn có của mình. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: Tất cả chúng sanh đều sẳn đủ Phật tánh. Thế nên, ý thức về tội lỗi giúp chúng ta tìm kiếm, không làm hư hoại và sống được kho tàng trí huệ, từ bi và công đức trong tâm chúng ta.

Tội lỗi chính là phủ nhận chính mình sẽ thành Phật, “tự mình làm xấu ác, tự mình làm nhiễm ô”, để tự mình che lấp Phật tánh của mình. Tội lỗi chính là tự tạo thêm phiền não chướng và sở tri chướng để tự mình ngăn chướng với Phật tánh vốn luôn luôn là mình. Tội lỗi là tự đầy ải mình thành chàng cùng tử khổ sở lạc loài trong chấp ngã và chấp pháp không thể trở về quê nhà đích thực của mình. Không tội lỗi là thường không khinh chính mình. Thường Bất Khinh là một danh hiệu của một vị Bồ-tát, cũng là đầu đề một chương trong kinh Pháp Hoa.

Ở đây chúng ta nói sự ảnh hưởng của tâm thức đối với tội lỗi, nghiệp quá khứ và sức mạnh của tâm thức đối với sự ngăn chặn nghiệp tương lai phát sanh như thế nào. Chính phẩm chất của tâm quyết định sự thọ nghiệp quá khứ và không phát sanh của nghiệp tương lai.

Một thí dụ của Bồ-tát Long Thọ: nếu đổ một chén muối vào một bình nước, nước ấy rất mặn và không uống nổi. Nhưng nếu đổ một chén muối vào một cái ao hay một cái hồ, nước của ao hay của hồ vẫn không biến chất bao nhiêu. Một nghiệp quả xảy ra trong một cái tâm càng rộng lớn thì nghiệp ấy càng dễ chịu đựng, ảnh hưởng của nó càng yếu. Tâm càng rộng lớn nghiệp quả càng được hòa tan và trở thành nhẹ nhàng, thậm chí như không có.

Một thí dụ khác. Một chiếc xe tông vào một vật cứng chắc, chẳng hạn một ngôi nhà, thì vật thể này bị tổn hại nặng nề. Chiếc xe ấy lao trong không khí, tỷ trọng rất nhẹ, thì không khí không bị tổn hại bao nhiêu. Chúng ta biết rằng về mặt tâm lý và cả tâm thức, Phật giáo phân loại từ thô nặng đến vi tế, nhẹ: đất, nước, lửa, gió… Thế nên, nghiệp quả va chạm với một tâm thức mà bản chất tâm thức ấy càng vi tế và nhẹ thì tác động của nghiệp quả ấy càng nhỏ. Nếu tâm càng thô nặng thì sự tàn phá sẽ càng nhiều, sức phản động của nghiệp quả sẽ càng mạnh.

Cũng chính một cái tâm rộng lớn và vi tế cao cấp thì sẽ càng khó tạo ra nghiệp mới, nghĩa là tội lỗi mới.

Đó là đường lối giải quyết nghiệp của đạo Phật.

Tâm thức có thể trở nên rộng lớn và vi tế, cao cấp, không chướng ngại nhờ tâm ấy càng thấm đẫm trí huệ, từ bi và hạnh nguyện. Chính trí huệ, từ bi và hạnh nguyện làm cho tâm từ nhỏ hẹp đến rộng lớn, từ thô nặng đến vi tế cao cấp, từ tội lỗi thành vô tội, từ nhiễm ô thành thanh tịnh.

Với trí huệ, từ bi và hạnh nguyện, chúng ta sẽ dần dần phá trừ những nghiệp chướng của tâm là phiền não chướng và sở tri chướng, do đó tâm sẽ dần dần trở về quê nhà đích thực của nó là Phật tánh Thường Lạc Ngã Tịnh.

Ở trên chúng ta chỉ đề cập sơ lược chủ đề tội lỗi và tịnh hóa tội lỗi. Điều cần nhấn mạnh là trong thời đại ngày nay tội lỗi không còn được xem trọng trong khi xã hội có đầy đủ mọi phương tiện để dễ dàng gây ra tội lỗi. Xã hội thiếu ý thức về tội lỗi là một xã hội đã bị hư hoại ‘hệ thống miễn dịch’ của mình, mà pháp luật, tuy rất cần thiết nhưng chỉ là những biện pháp khi đã lỡ xảy ra và không thể đi đến tận căn nguồn của cơn bệnh.

Chính ý thức về tội lỗi, nghĩa là ý thức về nhân quả, nghiệp báo, sẽ chữa lành mọi căn bệnh xã hội, mọi vấn nạn xã hội. Ý thức về tội lỗi không phải để sợ hãi và tê liệt mà nó chính là động lực để vươn lên, tiến đến chân thiện mỹ của con người và xã hội.

Ý thức về tội lỗi sẽ cứu độ chúng ta, phục hồi tính thiêng liêng của con người, người khác và thế giới. Bởi vì chúng ta đã biết rõ ràng tội lỗi hay nghiệp chướng, là những cái ngăn che, chướng ngại chúng ta với Thực Tại, và làm nhiễm ô toàn bộ đời sống chúng ta.

Nguồn tin: Nguyễn Thế Đăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây