Tượng từ đá (hoặc từ xi-măng) nhưng nó đã được "thổi hồn", được tạo tác theo những hình hài, những mục đích mang tính nghệ thuật, theo ý đồ nào đó nên đương nhiên tượng sẽ có hồn hơn một phiến, một tảng đá nằm chơ vơ không mang một hình hài nào.
Muốn thành tượng, đá phải chịu "đau đớn" bởi trăm ngàn những lần đục đẽo của người thợ. Nếu đá muốn thành tượng thì đá phải chịu đục đẽo, đó là nguyên lý. Nguyên lý ấy được đem vào trong ứng dụng "tạo tác" tâm hồn. Nếu bạn muốn vững chãi, bạn muốn có sức mạnh tinh thần, bạn phải chịu rèn luyện bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống, bởi sự ghè đẽo của đời, của người mà nhiều khi mình thấy "sao mà vô lý", sao mà "quá bất công".
Vàng phải được thử lửa để minh chứng nó là vàng mười hay chỉ là vàng giả, vàng mạ. Nếu là vàng mạ, vàng giả thì qua lửa sẽ biết ngay. Người tu tập đạo Phật cũng vậy, không thể dễ dàng, không thể chỉ sống trong sung sướng, trong một hoàn cảnh hoàn toàn thuận duyên mà tiến tu, mà vững chãi được.
Trong Tây du ký, Ngài Tam tạng Pháp sư Trần Huyền Trang muốn thỉnh được tôn kinh, được Phật thọ ký phải trải qua 81 kiếp nạn. Nếu Ngài Tam Tạng không vượt qua được thì thật chưa thể thấy được chân kinh, sẽ không được thọ ký. Do vậy, khi tâm mình rèn luyện nhẫn nhục, chịu đựng, tinh tấn, thiền định đến khi đạt được nhất như tĩnh lặng, tịch tịnh rồi thì tâm ấy là chân tâm, sẽ khế hợp với tâm Phật, tâm chư vị Bồ tát, và ngộ là một sự chứng đắc. Chứng đắc đến đâu, ngộ đến chừng nào thì tùy vào tâm của hành giả, tùy vào công phu, diệu dụng của từng người.
Trở lại lời sẻ chia: hãy làm một pho tượng, đừng làm một cục đá. Lời chia sẻ dành cho người sơ phát tâm chưa được bao lâu, ở nơi Ta-bà này gặp phải một vài chướng duyên, một vài trúc trắc trong đời sống, tu tập và cảm thấy "lòng buồn tênh". Cảm giác chênh chao trước lựa chọn ngỡ là sẽ bình yên của hành giả chính là do mình chưa thấy được giá trị của sự đục đẽo trong quá trình tu tập và sống trong cuộc sống này; hoặc cũng có thể do mình thấy được giá trị nhưng sự gia công quá nhanh của "thợ điêu khắc" đã làm mình chịu không nổi. Và mình hoài nghi về lựa chọn (vốn ban đầu là từ sơ tâm tốt đẹp) để rồi có khi ngã lăn ra, đau khổ với nhiều câu hỏi, tự đặt ra một ngã ba đường, tiến thoái lưỡng nan.
Nếu không có một tiếng chuông nhắc mình dừng lại (thiền chỉ) và nhìn sâu (thiền quán) về con đường mình đi và những va vấp trong cuộc sống, tu tập (những cái sự đục đẽo vào tâm mình) thì có khi mình sẽ nghe theo sự sai sử của một tiếng nói khác nơi hư không rằng: mắc chi phải khổ như thế, nếu rời bỏ nơi đó, nếu sống bình thường như bao người thì bạn được trọng vọng, được thế này, thế kia, sao lại chịu đựng điều đó, khờ quá...
Khi mình đau đớn, mình đang phân vân mà được nghe những xu nịnh như thế thì mình dễ dàng chạy theo, dễ dàng từ bỏ, quay về. Khi đó mình sẽ không thể tới được Tịnh độ, tức là tâm mát mẻ, an lạc, tĩnh lặng sau khi đã đi qua những cảnh giới của tham-sân-si nơi tâm mình.
Mình không chịu đựng được tham-sân-si bên ngoài là bởi vì trong mình cái tham-sân-si vẫn còn đó, thậm chí nằm ở "vị trí quan trọng", do mình xưng tôn nó lên, để nó chi phối lâu nay. Nên bây giờ, khi mình thực tập con đường giải thoát có nghĩa là mình bắt đầu mời những anh tham-sân-si ấy nhường chỗ cho giới-định-tuệ.
Trong quá trình "thương lượng" ấy có lúc mình không kiểm soát được nên đã để cho giới bản chạy đâu mất và tham-sân-si lò dò dậy, làm cho mình y chang thuở nào. Nhưng, đừng vội lo lắng, mình còn có tiếng chuông (là Bụt, chư vị Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng, là Giới, là thầy, là bạn đồng tu...) có thể nhắc mình: đừng là cục đá, hãy là pho tượng.
À, mà không, nếu nhìn cho kỹ, thì bạn không phải là cục đá nữa mà thực chất đã được tạo tác gần thành một pho tượng rồi, nên cứ ráng đi một đoạn nữa, để cho những "nghệ nhân" đục đẽo thêm vài chỗ. Nếu bạn thấy hơi mệt, quá sức dung chứa thì xin phép nghỉ một chút để thở, để lấy sức rồi lại xin các "nghệ nhân" tiếp tục nhiệm vụ, để mình thành pho tượng đẹp, có hình dáng, có tướng hảo. Bên trong tướng hảo ấy thực ra là cái tâm đã đủ từ bi - trí tuệ nhờ được tạo tác từ cuộc sống và sự tu tập. Cái đó được Phật nói trong kinh là vào nhà Như Lai (thực tập từ bi), khoác áo Như Lai (lòng nhu hòa nhẫn nhục), ngồi tòa Như Lai (thấy tánh không).
Thử kiểm lại điều đó, cũng là củng cố lại tâm mình, có từ bi lớn với mình, với người chưa; có thực sự nhu hòa nhẫn nhục (với người, với mình, với hoàn cảnh) và có thấy được các pháp do duyên sanh, duyên diệt hay chưa? Boong...