Lập xuân không chỉ là tiết đầu tiên trong 24 tiết khí, còn là một dịp lễ vô cùng quan trọng. Theo thiên văn học, nó đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân. Tiết lập xuân là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 và kết thúc vào khoảng ngày 19 hoặc 20 tháng 2, khi xích kinh bằng 315°.
Lập xuân cũng giống như lập hạ, lập thu, lập đông, đều là tiết khí phản ánh sự chuyển giao của bốn mùa. Lập xuân mang theo sắc màu của sự chuyển tiếp, tuy rằng bước biến chuyển này không thật rõ ràng, nhưng chiều hướng chung là khí trời dần ấm lại, thời kì lạnh nhất đã qua, mọi người bắt đầu nhận ra hơi thở của mùa xuân.
Lập xuân chính là thời điểm mùa xuân thực sự đã đến, vạn vật thức tỉnh, sức sống bừng bừng. (Ảnh: Sohu)
Cổ nhân thường miêu tả lập xuân qua câu “Dương hòa khởi chập, phẩm vật giai xuân”, ý rằng lập xuân thì vạn vật được hồi phục, sức sống bừng bừng, một năm bốn mùa bắt đầu từ đây.
Trung Quốc cổ đại chia 15 ngày của tiết lập xuân thành ba khoảng thời gian: “Nhất hậu đông phong giải đống, nhị hậu triết trùng thủy chấn, tam hậu ngư trắc phụ băng”. Tạm dịch: Một thời gió xuân làm tuyết tan; hai thời côn trùng bắt đầu sinh sôi; ba thời cá đội băng lên.
Quá trình lập xuân diễn ra trong 3 giai đoạn, năm ngày đầu tiên, khi gió xuân chuyển ấm đến, băng tuyết trên mặt đất dần tan, năm ngày sau, các loài côn trùng đang ngủ trong kén đã thức dậy, lại qua năm ngày nữa, lớp băng trên sông bắt đầu tan chảy, cá bơi lội trong làn nước, nhưng lúc này các tảng băng vẫn chưa tan hoàn toàn, những con cá trông như đang đội băng lên để bơi.
Có thể coi 3 khoảnh khắc kỳ diệu này chính là thể hiện của 3 giai đoạn nhân sinh, 3 loại tu hành, 3 loại chờ đợi, khiến con người thấu hiểu vô cùng, thọ ích vô tận.
Chờ đợi gió đông
“Nhất hậu đông phong giải đống“, ý rằng lập xuân đã đến, những làn gió đông (gió từ hướng Đông, ý chỉ gió mùa xuân) ấm áp bắt đầu thổi, khắp nơi tuyết bắt đầu tan, chẳng bao lâu sự sống sẽ lan tỏa khắp nơi. Nhờ gió đông, vạn vật sinh sôi, cả vùng đất sức sống cường thịnh, đây là Thiên đạo, chứ không phải là Nhân đạo.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” từng có câu nói rằng: “Mọi sự đã chuẩn bị, chỉ còn chờ gió đông”, mọi sự đã được chuẩn bị chu toàn, mới có tư cách mong chờ gió đông. Bằng không, khi gió đông đến rồi, cùng lắm cũng chỉ có thể thổi ra một hồi gió lạnh, làm ra một chút chao đảo, nhưng cuối cùng vẫn là ngổn ngang và thất vọng.
Vậy mọi sự cần được chuẩn bị như thế nào? Tựa như giấc ngủ mùa đông trước khi gió đông thổi đến. Cuộc đời mỗi con người cũng đều phải trải qua một kỳ “ngủ đông”, đó là khi bạn vẫn còn nhỏ yếu và chưa gặp được cơ hội.
Một tầng ý nghĩa khác, gió đông chính là thiên thời. Nhân gian có các loại tình thế như: chờ không tới, nhìn không thấy hay nắm bắt không được. Khi ở trong “thế” này, thì dù bạn có tài hoa cao độ, có bản sự to lớn, cũng sẽ không phát huy được năng lực của mình.
Ẩn sĩ cuối thời đại nhà Đường cho rằng: “Thì lai thiên địa giai đồng lực, vận khứ anh hùng bất tự do”, ý rằng thời cơ đến thì có cả trời đất đều góp sức, thời cơ đi thì anh hùng cũng chẳng có đất dùng.
Nhân sinh chớ lo chậm trễ, bởi càng chậm càng ổn định, càng chậm càng vững chắc. Lúc khó khăn, học được cách nhẫn nại, thì thời gian sẽ chứng minh cho bạn thấy đây là giá trị lớn nhất mà bạn đạt được. Trong “Thái Căn Đàm” có câu nói rất hay: “Phục cửu giả phi tất cao, khai tiên giả tạ độc tảo”, ý rằng phàm là thứ ẩn nấp lâu, khi bay ắt sẽ bay cao; phàm là vật khai nở quá sớm, khi tàn tạ cũng rất mau lẹ.
Chờ đợi bay cao
“Nhị hậu triết trùng thủy chấn“, ý nói rằng, 5 ngày sau lập xuân, côn trùng ngủ đông trong hang động đã bắt đầu tỉnh lại, nhưng thời tiết còn lạnh, thời cơ chưa tới, cho nên nó còn chưa ra ngoài.
Khoảnh khắc này giống như một giai đoạn trong cuộc sống, lúc mà bạn đã cố gắng luyện tập rất lâu, bản sự đã luyện thành, tâm tính đã giữ được vững, chỉ cần đợi thời cơ đến là có thể thi triển quyền cước, khiến mọi người kinh ngạc.
Bất luận là giai đoạn 1 hay 2, đều nói đến cùng một vấn đề là cái “thế”, nhưng rất ít người có thể thông tuệ để giải chữ này, cho nên không thể biết được “thế” là thuộc phần nội thế hay ngoại thế.
Ngoại thế chính là thời cơ và cơ hội tốt từ bên ngoài, nội thế thì lại chính là tự bản thân mình tu luyện để tạo thành ưu thế. Chỉ khi nội và ngoại thế đồng nhất, tương hợp, cộng hưởng với nhau, mới có thể đem lại hiệu quả lớn nhất. Nếu như chỉ có một phần, kết quả thường là không thành, mà cho dù có thành, thì cũng khó có thể duy trì được lâu dài.
Một cách tương đối, “thế” cũng được phân thành hai loại là tạo thế và mượn thế. Mượn thế là nắm bắt và tận dụng xu thế bên ngoài. Còn tạo thế, nó không chỉ đơn thuần là tạo ra thế từ bên ngoài, trừ khi bạn có địa vị rất cao, có quyền lực to lớn, nếu không điều đó sẽ rất khó, mà điều bạn cần làm chính là tạo ra thế từ chính mình, bắt đầu từ việc tập trung tu dưỡng. Bất luận như thế nào, “thế” thành thì sự mới thành; thế càng lớn thì đại sự càng dễ thành.
Chờ tiêu dao tự tại
Nội thế, ngoại thế, tạo thế hay dựa thế nói chung đều không bằng thuận thế. Bởi vì người thuận theo người, vì để thành tựu sự nghiệp, người thuận với tự nhiên, là để thành tựu cảnh giới. Giai đoạn thứ 3 của lập xuân, chính là để nói đến điểm này.
“Tam hậu ngư trắc phụ băng”, năm ngày cuối cùng trong mười lăm ngày lập xuân, băng trên sông đã bắt đầu tan, cá bắt đầu bơi lên mặt nước du ngoạn, lúc này trên mặt nước còn có những tảng băng nhỏ trôi dạt, giống như cá đang đội những tảng băng trên đầu.
Cảnh tượng này giống như cá đang muốn phá băng mà thoát ra, cảm giác tràn đầy sức sống, nó khiến người ta nghĩ đến hình tượng cá côn đạp nước hóa thành chim bằng trong “Tiêu Dao Du” của Trang Tử.
Hình tượng con cá đối với Trang Tử chính là sự theo đuổi tiêu dao tự tại suốt cuộc đời của ông. Cá thong dong bơi trong biển lớn, quên đi mọi thứ mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào, đây chính là giấc mơ của Trang Tử. Trong văn hóa của Trung Quốc, lão ngư tượng trưng cho sự ẩn dật và tiêu dao, cũng giống như con cá trong nước, luôn được tự do tự tại, luôn dõi theo trăng thu gió xuân.
Tâm ý tiêu dao đều nằm ở bốn chữ “nước chảy bèo trôi”. Những từ này hiện nay đã mất đi ý nghĩa vốn có của nó, đã trở thành từ mang nghĩa xấu. Nước chảy bèo trôi thực sự là gì? Trong “Trang Tử – Liệt Ngự Khấu”, có một câu nói động lòng người: “Xảo giả lao nhi trí giả ưu, vô năng giả vô sở cầu. Bão thực nhi ngao du, phiếm nhược bất hệ chi chu, hư nhi ngao du giả dã”. Tạm dịch: Kẻ khéo léo thì lao khổ, ưu sầu; người bất tài thì an phận, không truy cầu, ăn no rồi ngao du, như một chiếc thuyền không bị neo, phiêu phiêu trên mặt nước, tâm trống rỗng mà ngao du.
Đây là một kiểu tống khứ cố chấp và hẹp hòi, để cùng tồn tại với trời đất, cùng hòa hợp với tạo hóa. Đây chính là chân lý thuận thế, chân ý tiêu dao. Tựa như sau khi lập xuân, trời đất quang đãng, vạn vật tự tại sinh sôi.
Chờ đợi, là tư vị sâu sắc của nhân sinh, là điều tuyệt vời của cuộc sống. Hết thảy mọi thứ, đều phải chờ đợi chúng chậm rãi hình thành, nước chảy ắt sẽ thành sông, như thế bạn mới có thể đạt được một cách chắc chắn.
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự