Hai chuyện xưa về tình huynh đệ, ngàn đời sau vẫn cảm thán không thôi

Thứ sáu - 04/05/2018 17:06
Tình huynh đệ ruột thịt luôn là thứ tình cảm sâu nặng, nó thường trở nên mãnh liệt mỗi khi trải qua hoạn nạn. Lịch sử từng chứng kiến 2 câu chuyện như thế, dù đến ngàn năm sau vẫn khiến người ta cảm thán không thôi.

Triệu Hiếu tranh được chết thay em

Triệu Hiếu và em trai Triệu Lễ là con của vị tướng quân nhà Hán Triệu Phổ. Hai huynh đệ sống với nhau tương thân tương ái, yêu thương nhau hết mực.

Sau khi Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, thiên hạ đại loạn, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng người ăn thịt người.

Khi đó có một đám cường đạo chiếm cứ một vùng làm sơn trại, vì đói khát nên cũng phải đi bắt người làm thức ăn. Một ngày, đám cường đạo bắt được Triệu Lễ liền dẫn về trại chuẩn bị nấu chín để ăn.

Triệu Hiếu nghe nói vậy, liền tự trói mình lại rồi chạy đến chỗ của đám cường đạo, đau khổ khẩn cầu: “Đệ đệ Triệu Lễ của tôi đã chịu đói lâu ngày, thân thể gầy yếu bệnh tật, không tốt bằng thân thể của tôi. Vậy nên tôi sẵn lòng chết thay cho đệ ấy”.

Triệu Lễ khóc nói: “Đệ bị bắt tới đây, có lẽ trong mệnh đã định sẵn như vậy, còn ca ca đâu có tội tình gì chứ”. Hai huynh đệ nói xong ôm đầu khóc thảm thiết. Đám cường đạo cảm động trước tình nghĩa của hai anh em họ, liền phóng thích cho đi.

Đám đạo tặc nói với Triệu Hiếu: “Các ngươi có thể trở về, nhưng nhớ phải đem một chút lương thực đến đây”.

Triệu Hiếu về đến nhà, tìm khắp nơi cũng không thấy được chút lương thực nào, liền tay không đến chỗ đám cường đạo, nói với bọn họ rằng mình cam tâm tình nguyện chết. Đám cường đạo hết sức kinh ngạc, cảm thấy không thể làm hại một người như thế, liền để cho Triệu Hiếu trở về.

Việc này về sau đã đến tai Hán Minh Đế, nhà vua cảm thấy hai huynh đệ Triệu Hiếu là người chân chất, có tình có nghĩa, liền hạ chiếu phong quan cho họ, còn bày tiệc rượu để thiết đãi.

Đám cường đạo chuyên cướp của giết người, không chuyện ác nào không làm, thậm chí còn dám ăn thịt người, thế nhưng lại sinh tâm thương cảm trước sự chân thành của 2 huynh đệ họ Triệu, cũng không muốn vì sinh tồn mà làm hại người có tình có nghĩa.

Vương Lãm giành rượu độc

Vương Lãm, tự Huyền Thông, người Tây Tấn, là ông cố của sách thánh Vương Hi Chi. Vương Lãm có một người anh cùng cha khác mẹ tên Vương Tường, chính là một trong “nhị thập tứ hiếu” nổi tiếng của Trung Quốc với câu chuyện “Ngọa Băng Cầu Lí” (tìm cá trong băng tuyết). Hai huynh đệ họ đã để lại cho hậu thế giai thoại “Vương Lãm giành rượu độc” đầy kịch tính.


Vương Tường, một trong “nhị thập tứ hiếu” nổi tiếng của Trung Quốc. (Ảnh: Infolanka)

Câu chuyện bắt đầu khi người mẹ đẻ của Vương Lãm là Chu thị thường ngược đãi đứa con riêng là Vương Tường. Vương Lãm khi đó còn nhỏ thường chứng kiến cảnh anh Vương Tường bị đánh, thường ôm mặt khóc nức nở.

Khi Vương Lãm lên 10 tuổi, thường khuyên nhủ mẫu thân thay đổi tính tình, đừng quá hung hăng. Vì để mẫu thân không ngược đãi Vương Tường, Vương Lãm thường xuyên ở bên cạnh anh mình.

Sau khi hai huynh đệ cưới vợ, Chu thị lại thường tìm cớ làm khó để hành hạ vợ của Vương Tường, khi đó vợ của Vương Lãm cũng chạy tới bảo vệ chị dâu.

Sau khi cha qua đời, đức hiếu hạnh của Vương Tường càng ngày càng vang xa, được rất nhiều người trong vùng yêu mến. Chu thị vì ganh ghét tiếng tăm của Vương Tường, nên đã bí mật hạ độc vào trong rượu để giết chết đứa con riêng này.

Vương Lãm sau khi biết chuyện, vội vàng chạy đến đoạt lấy chén rượu độc từ tay anh, Vương Tường cũng cảm giác trong rượu có vấn đề, liền giành lại, nhưng Vương Lãm không chịu trả.

Chu thị đứng ngoài sợ con ruột uống phải rượu độc, liền đoạt lấy ly rượu rồi đổ đi. Từ đó, phàm là điểm tâm gì mà Chu thị sửa soạn cho Vương Tường, Vương Lãm đều nếm trước. Chu thị sợ hạ độc chết con của mình, nên từ đó trở đi không dám hành động gì nữa.

Lữ Kiền, một vị quan lớn trong triều có một thanh bảo đao rất quý hiếm. Có người giỏi về tướng thuật nói rằng, phàm là người mang theo cây đao này thì tương lai quan lộ có thể tới tam công (ba chức quan cao nhất gồm: thái sư, thái phó, thái bảo).

Lữ Kiền hâm mộ tấm lòng hiếu thảo của Vương Tường liền tặng bảo đao cho Tường, nói: “Nếu bảo đao gửi gắm sai người, nó sẽ trở thành hung khí. Cậu là người có tấm lòng độ lượng, cho nên ta tặng nó cho cậu”.

Sau này, Vương Tường lại đem thanh bảo đao này tặng cho Vương Lãm. Quả nhiên, Vương Lãm và con cháu về sau đều quyền cao chức trọng, trong đó Vương Hi Chi chính là cháu đời thứ 5 của Vương Lãm.

Hậu thế có người bình rằng, huynh đệ nghĩa nặng tình sâu, chân thành tha thiết có thể cảm hóa cả cường đạo; huynh đệ thành tâm thành ý, có thể cảm hóa những ác niệm của mẫu thân. Vậy hỏi thế gian, còn điều gì mà không bị sự chân thành cảm hóa chứ?

Tuệ Tâm

Nguồn tin: Tinhhoa.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây