Linh thiêng mà lãng mạn
Yêu nhau hơn ba năm, suốt mấy tháng trời suy nghĩ làm thế nào để tổ chức một đám cưới thật khó quên cho người mình yêu, anh Nguyễn Xuân Thắng, 27 tuổi, đường Ngọc Thuỵ, Gia Lâm, Hà Nội đã tổ chức một đám cưới thật độc đáo trên chùa Đình Quán (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Anh Thắng mong muốn luôn có một gia đình tâm linh để giải tỏa những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Anh Thắng cho hay: Trước khi muốn tổ chức lễ cưới tại chùa, hai anh chị và gia đình phải đến chùa thỉnh nguyện ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi nhận được sự đồng ý mới bắt đầu bước vào công việc chuẩn bị cho buổi lễ kéo dài khoảng một giờ. Hôn lễ tổ chức ở chùa sẽ có những nghi thức như các thủ tục bái lạy thiên địa, cha mẹ, phu thê giao bái thông thường.
Trước khi tổ chức lễ thành hôn, đôi bạn trẻ phải lên chùa từ 3-5 ngày để cùng nhau nghe sư thầy giảng về đạo vợ chồng. Ngoài ra, hai người sẽ phải viết thư cho nhau, kể lại quá trình tìm hiểu nhau, từ đâu mình bắt đầu có tình cảm với nhau. Tất cả những giận hờn, chưa hiểu rõ về nhau phải giãi bày qua bức thư, đồng thời cũng thể hiện những trăn trở, mong ước của cuộc sống trong tương lai. Hai bức thư này được dán kín đến buổi lễ thành hôn mới mở ra và đọc cho hai người cùng nghe.
Được biết, có được ý tưởng độc đáo và linh thiêng cho đám cưới của mình, trước đó, anh Thắng và vợ sắp cưới cũng đã thường xuyên đi lễ chùa vào chủ nhật hàng tuần để tìm sự thanh thản sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tại đây, họ đã chứng kiến một số bạn trẻ lên chùa tổ chức lễ cưới và được nghe các sư thầy khuyên răn về cuộc sống gia đình. Sau khi kết hôn, mỗi tháng, các cặp vợ chồng này lại cùng nhau lên chùa một lần để cùng ôn lại những điều phát nguyện, những lời hứa với nhau trong lễ cưới, cùng nhau bước trên một con đường đúng đắn trong cuộc sống lứa đôi.
Cầu nối giữa đạo với đời
Chứng kiến đám cưới thanh tịnh của đôi bạn trẻ Đào Thu Hiền và Khúc Văn Minh thường trú tại phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội tại chùa Thiền Viện Sùng Phúc (phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) mới thấy hết sự đặc biệt trong nghi lễ cưới tại chùa.
Hôn lễ được tổ chức tại điện tam bảo, không đàn hát ầm ĩ, không có tiếng cười
đùa hay chúc phúc của mọi người, chỉ có tiếng tụng kinh đều đều vang lên trong
khói hương trầm mặc và sắc y vàng rực của nhà phật. Phía trước bàn thờ phật,
chư tăng ngồi thành hai hàng, cùng tụng kinh niệm phật khi bắt đầu buổi lễ. Cô
dâu, chú rể và gia đình, thân hữu mặc lễ phục, áo dài tiến vào đứng cạnh nhau
theo lối chính giữa điện tam bảo, chia nhau chỗ ngồi theo đúng qui cách
"nam tả nữ hữu" (nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải).
Nghi thức của lễ cưới được tiến hành cũng gần giống như lễ cưới thông thường. Chỉ khác một điều, chủ hôn là một vị hoà thượng hay chư tăng, ni được mời tới dự lễ. Chư vị hoà thượng sẽ đứng ở phía trên khán đài, gia đình nhà cô dâu, chú rể cùng bạn bè đứng ở hai bên. Khi buổi lễ diễn ra, tân lang và tân nương sẽ quỳ trước mặt các vị chư tôn đức tăng, ni. Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì quý thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới (Quy y là một hành lễ cho một người trở thành đệ tử của phật).
Hai người sẽ quỳ trước hình tượng của đức phật để phát nguyện và nhận lời ban phước cũng như lời răn dạy của vị trụ trì buổi lễ. Sau mỗi lời phát nguyện, tiếng chuông chùa lại vang lên như chứng giám cho những lời hứa của đôi vợ chồng trẻ.
Tiếp đó, nghi lễ phu thê giao bái được đôi bạn trẻ thực hiện, trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì hôn lễ nói cho hai vợ chồng biết ý nghĩa của việc trao nhẫn cho nhau. Hai người sẽ lần lượt nói với nhau những lời ước nguyện. Trước tam bảo, hai vợ chồng hứa với nhau, với các vị chư tăng phật tử và gia đình, họ sẽ yêu thương nhau, yêu thương gia đình mới của mình. Cùng với đôi vợ chồng trẻ, hai bên gia đình cũng phải hứa trước tam bảo và các vị chư tăng sẽ cùng đôi bạn trẻ xây dựng hạnh phúc, chỉ bảo cho dâu rể nên người.
Buổi lễ trong chính điện vừa xong thì việc sắp xếp, dọn các bàn tiệc cũng sẵn sàng. Các sư thầy, chư tăng ngồi bàn riêng, gia đình hai họ và thân hữu vào mâm với những bàn tiệc bày biện trang trọng không kém nhà hàng, tất cả đều là cơm chay rất thanh tịnh và ấm cúng.
Bạn Nguyễn Thị Thu, 25 tuổi, nhân viên Công ty chứng khoán An Bình, người tham dự buổi lễ cưới đặc biệt này cho biết: "Mình thấy buổi lễ cưới hôm nay thật ý nghĩa cho cả hai vợ chồng khi được sự chúc phúc của đức phật. Theo mình thì tổ chức lễ cưới trên chùa vừa văn minh, tiết kiệm lại giúp vợ chồng sống có trách nhiệm với nhau hơn, thương yêu nhau nhiều hơn khi hiểu giáo lý chân chính nơi cửa phật".
Theo thầy Đại đức Thích Tâm Thuần, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc cho biết: "Hiện nay, số đám cưới của những bạn trẻ được tổ chức ở chùa theo thời gian ngày một đông. Để tổ chức một đám cưới trên chùa thì trước hết họ chỉ cần lòng thành và hướng tâm thì nhà chùa sẽ làm lễ thành hôn cho hai người để cầu chúc cho cuộc sống lứa đôi. Lễ cưới ở chùa chính là cầu nối giữa đạo với đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư tăng và hàng phật tử tại gia".
Nghi thức lễ cưới trên chùa được gọi là Lễ Hằng Thuận (lễ cưới tổ chức theo kiểu phật giáo). Người khởi xướng ra nghi lễ này là ông Đồ Nam Tử (1883- 1940), quê Hải Dương, là một nhà nho, sau đó chuyển sang đạo phật. Ông cho rằng, đạo phật nên được dấn thân và hoà hợp cùng quần chúng nên việc tổ chức đám cưới cho các đôi lứa yêu nhau trên chùa là rất thiêng liêng và ý nghĩa.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự